Ninh Thuận giúp giống và kỹ thuật cho nông dân cải tạo đàn gia súc
Được sự hỗ trợ của Trung ương, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh và các địa phương đã khảo sát nắm tình hình, triển khai dự án giúp nông dân nghèo cách làm ăn bằng cách hỗ trợ giống, hướng dẫn cho bà con những biện pháp, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn gia súc nhằm nâng cao hiệu quả và từng bước cải tạo đàn gia súc trên địa bàn.
Đến nay, Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp tổ chức được gần 40.000 lượt hộ tham gia học tập, tập huấn, hội thảo, tổ chức trình diễn các mô hình chăn nuôi; trang bị cho bà con những kiến thức về phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật nuôi và chăm sóc gia súc trong thời kỳ sinh sản, trồng cỏ chế biến thức ăn và đào ao dự trữ nước cho gia súc trong mùa khô hạn và những biện pháp phát hiện và ngăn ngừa dịch bệnh cho gia súc...
Hiện nay, tỉnh đã chuyển giao cho bà con nông dân các xã miền núi, các xã đặc biệt khó khăn và bà con nông dân nghèo hàng trăm con dê và 90 bò giống, hỗ trợ giống trồng 100 ha cỏ các lọai ở những vùng có dự án cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc giúp bà con nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo.
Các địa phương cũng đã thành lập được 98 câu lạc bộ chăn nuôi và khuyến nông với gần 2.300 người tham gia nhằm hướng dẫn, giúp cho bà con nắm bắt được những kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi ở tỉnh Ninh Thuận phát triển khá mạnh, tính đến nay toàn tỉnh có gần 100.000 con bò, tăng 18,5% và đàn dê, cừu trên 72.500 con, cũng tăng gần 29% so với năm trước, trong đó đàn dê đã lên đến gần 41.000 con. Phong trào chăn nuôi phát triển nhanh ở các khu vực. Ngoài các trang trại có quy mô từ vài chục đến hàng trăm con, thông qua các hình thức hỗ trợ vốn để xóa đói giảm nghèo, chăn nuôi gia súc có sừng ở Ninh Thuận đã góp đáng kể trong việc vươn lên thoát nghèo và làm giàu của nhiều hộ.
Tuy nhiên, phong trào phát triển vẫn còn mang tính tự phát, còn phụ thuộc vào tự nhiên là chính. Nhiều hộ chăn nuôi không quan tâm đến chất lượng con giống, hơn nữa là không áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gia súc bị kém chất lượng, dịch bệnh thường xảy ra, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi còn hạn chế. Do vậy, tỷ lệ hộ đói nghèo ở nông thôn, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn... vẫn còn 30-40%, chiếm khá cao so với mức bình quân chung của tỉnh.
Thông tấn xã Việt nam |