Thiết lập các chốt kiểm dịch 24/24 giờ
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm vừa có công điện khẩn số 08 đề nghị các địa phương thiết lập các trạm, chốt kiểm dịch bố trí đủ lực lượng hoạt động 24/24 giờ và có đủ điều kiện vật tư kỹ thuật để xử lý tiêu hủy gia cầm và sản phẩm gia cầm vận chuyển trái phép.
Mặt khác, các cơ quan chức năng phải thành lập các đội công tác lưu động vừa giám sát phát hiện dịch bệnh vừa kiểm dịch xử lý động vật và sản phẩm động vật không đủ điều kiện vận chuyển.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), hiện nay nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao. Nguyên nhân chính là do khi phát hiện các ổ dịch, các địa phương không bao vây xử lý triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh và đặc biệt còn để gia cầm nhiễm bệnh phát tán ra nơi khác.
Tuy ngày 13-11, không có thêm tỉnh mới thông báo có gia cầm chết với triệu chứng cúm, nhưng các địa phương: Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Nam, Thanh Hóa dịch cúm tiếp tục xuất hiện thêm ở một số nơi khác.
Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới ngày 13-11 cho biết, bệnh nhân nam N.H.P, 28 tuổi, là sinh viên một trường đại học đang sống ở khu vực quận Đống Đa, Hà Nội nhập viện ngày 11-11 do nghi nhiễm H5N1, hiện sức khỏe tiến triển tốt, bệnh nhân không phải thở máy.
Được biết, bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng của bệnh cúm H5N1 như sốt cao, khó thở, tức ngực. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó P. đã ăn trứng gia cầm. Ngày 12-11, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân P. đã được chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Hôm nay, 14-11, viện sẽ có kết luận về mẫu bệnh phẩm này.
Việc xuất hiện dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh phía Bắc, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu tạo tâm lý e ngại cho khách du lịch và các công ty lữ hành. Theo ông Nguyễn Đức Hy, Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiên cứu-Tiếp thị của Fiditour, hiện công ty vẫn thực hiện các tour đã lên kế hoạch, tùy theo tình hình dịch cúm và nhu cầu của khách, công ty sẽ có điều chỉnh để đảm bảo kinh doanh và độ an toàn cho du khách.
Trong mấy tuần gần đây, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị nghi nhiễm H5N1 ở Hà Nội, Hà Tây, Bắc Giang... Tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Cũng theo viện này, các trường hợp có những biểu hiện của viêm phổi cấp hãy đến bệnh viện để kiểm tra, vì trong đợt dịch cúm gia cầm năm 2005, viện đã tiếp nhận trên 130 trường hợp bị viêm phổi cấp với các triệu chứng sốt, khó thở, tức ngực, trong đó khoảng 20% số bệnh nhân này được phát hiện nhiễm H5N1.
Sáng 13-11, 24 quận huyện tại TPHCM đồng loạt ra quân “Ngày chủ nhật xanh” khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm. Thành phố cũng đã tổ chức 6 đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống cúm gia cầm tại 24 quận huyện trên địa bàn thành phố. Tại khu vực chợ Bến Thành, UBND quận 1 đã tổ chức 2 đội kiểm tra lưu động cương quyết xử lý các trường hợp kinh doanh gia cầm sống và sản phẩm chưa qua kiểm dịch.
UBND quận đã chỉ đạo Ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra trường hợp giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép trong khu vực chợ. Phối hợp chặt chẽ với Trạm thú y quận chấn chỉnh điều kiện vệ sinh các quầy sạp kinh doanh, chế biến thịt gia cầm tại các chợ trung tâm, kể cả ở những khu chợ chiều, chợ tự phát lòng lề đường.
Quên phòng cúm gia cầm cho đà điểu?
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập” là mệnh lệnh đầu tiên khi vừa đặt chân đến trại đà điểu của Công ty TNHH Minh Hưng, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng). Đà điểu có bị cúm gia cầm tấn công? Đó là câu đầu tiên tôi đặt ra với ông Nguyễn Thanh Độ (trại trưởng trại đà điểu Công ty TNHH Minh Hưng) và nhận được câu trả lời: “Không ai dám khẳng định, bởi lẽ con người còn bị lây bệnh huống chi đà điểu”.
Ông còn cho biết thêm, hiện chưa có một loại thuốc kháng bệnh đặc trị để tiêm phòng cho đà điểu. Hiện nay, phương pháp phòng bệnh đối với các trại đà điểu là biện pháp cách ly. Đây là giải pháp duy nhất nhưng để đánh giá được hiệu quả và mức độ an toàn thì… chưa biết. Ở trại đà điểu Minh Hưng, lãnh đạo ở đây đã phân chia rõ ràng từng bộ phận: bộ phận cắt cỏ chỉ chuyên cắt cỏ và không được vào địa phận của bộ phận cho ăn và ngược lại; mỗi nhân viên chăm sóc 1 con, nếu trường hợp người hoặc gia cầm bị bệnh sẽ cách ly ngay lập tức… Sao không kiến nghị để xin hỗ trợ thuốc tiêm phòng bệnh?
Ông Độ cho biết: “Cũng có, nhưng ý kiến từ Bộ NN-PTNT là không có thuốc”. Ông cũng cho rằng đà điểu vốn là động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, việc đà điểu bị vi rút cúm H5N1 tấn công chưa từng xảy ra nên đà điểu chưa cần tiêm vacxin?! Nếu có thuốc thì sẽ tiêm phòng cho đà điểu với liều lượng như thế nào? Chính câu hỏi này ông Độ đã đặt ra với Trung tâm Thú y Đà Nẵng trong một lần tập huấn về công tác tiêm, phòng vi rút H5N1 và không có câu trả lời.
SGGP (Đài Tiếng nói Nhân dân Tp Hồ Chí Minh) |