Cà Mau: khuyến cáo không nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn.
Nuôi tôm công nghiệp là nghề đầy may rủi, do vậy hiện nay tại tỉnh Cà Mau khuyến khích nông dân nuôi tôm công nghiệp, nhưng khuyến cáo họ không nên nuôi tôm quy mô lớn mà chỉ nuôi thử nghiệm qua đó để tìm mô hình thích hợp cho việc nuôi tôm hiệu quả.
Theo báo cáo từ ngành thủy sản, toàn tỉnh Cà Mau có 250.000 ha đất nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ có khoảng 3.000 ha nuôi tôm công nghiệp, tập trung nhiều nhất là huyện Đầm Dơi với hơn 1.000 ha. Nuôi tôm công nghiệp làm giàu rất nhanh, chỉ cần trúng một vụ là có thu nhập năm bảy trăm triệu đồng, chính vì có lợi nhuận cao như vậy, nên đã thu hút sự quan tâm của nông dân trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nuôi tôm công nghiệp hiện nay người nuôi có 3 cái thiếu: thiếu vốn, thiếu giống sạch, thiếu trình độ khoa học kỹ thuật.
Nếu muốn nuôi tôm công nghiệp dạng quy mô nhỏ khoảng 1 ha, nông dân cần có nguồn vốn vài ba trăm triệu đồng. Con số này đối với hộ nghèo thì không thể thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp được, do vậy người nuôi tôm công nghiệp chủ yếu là hộ khá giả, hoặc các doanh nghiệp thực hiện nuôi tôm. Thế nhưng, thời gian qua, nghề nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau không mấy khả quan, số người nuôi tôm làm giàu thì ít, thất bát thì nhiều. Trong thời gian qua cũng có nhiều chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp đến Cà Mau tìm hiểu môi trường để đầu tư nuôi tôm công nghiệp, nhưng cuối cùng họ kết luận là môi trường nước không thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay Cà Mau vẫn quy hoạch 10.000 ha đất để thực hiện nuôi tôm công nghiệp, nhưng theo chủ trương thì phải tổ chức nuôi tôm thử nghiệm qua từng bước, với quy mô nhỏ.
Mặc dù nuôi tôm công nghiệp còn nhiều rủi ro, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn xác định muốn cho ngành thủy sản tăng tốc nhanh thì phải tổ chức nuôi tôm công nghiệp. Các hình thức nuôi tôm khác như: nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sẽ cho hiệu quả không cao. Nếu nuôi tôm công nghiệp đạt hiệu quả tốt, có mô hình phát triển bền vững thì con tôm mới thật sự đem lại hiệu quả cao cho các địa phương tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
bannhanong.vietnetnam.net (27/4/2006)
(Nguồn:TTXVN/Vasep) |