Bình Định:Chuyển từ nuôi tôm sang vật nuôi khác sẽ đạt hiệu quả nhiều mặt.
Những năm gần đây, tình trạng tôm nuôi bị dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra ngày một gia tăng. Để hạn chế tác hại này, thời gian qua hàng trăm chủ hồ tôm trong tỉnh đã chuyển từ nuôi tôm sang nuôi các loài thủy sản khác như cá chua, cua, sìa, sò huyết… Phóng viên Báo Bình Định trao đổi với bà Mai Kim Thi - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - xung quanh vấn đề này.
* Xin bà cho biết, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường nuôi tôm ở tỉnh Bình Định ngày càng suy thoái ?
- Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng môi trường nuôi tôm ở Bình Định ngày càng suy thoái nghiêm trọng là do trong một thời gian dài việc nuôi tôm ở Bình Định phát triển thiếu quy hoạch. Sau hơn 10 năm phát triển nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, lượng chất thải cũng tăng lên và tích tụ trong đáy ao ngày một nhiều. Trong khi đó, vùng nuôi tôm ở Bình Định lại tập trung ở đầm Thị Nại, Đề Gi, nơi có đặc thù trao đổi nước kém, lại thiếu hệ thống thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải nên nước trong đầm bị tù đọng, khiến cho hàm lượng ô xy hòa tan thấp, lượng mùn bã hữu cơ, vi khuẩn gây bệnh tăng cao… Ngoài ra, việc dùng các hóa chất sát khuẩn để xử lý nước trong ao nuôi không đúng cũng đã làm tăng nhanh hiện tượng suy thoái vùng nuôi…
* Bà có nhận xét gì về việc người nuôi tôm chuyển đối tượng nuôi hiện nay?
- Trong thời gian qua, ngành Thủy sản cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ cho người nuôi tôm, như xây dựng các trạm kiểm nghiệm, kiểm dịch thú y thủy sản tại các huyện nuôi tôm để giúp bà con trong việc kiểm tra môi trường nuôi, bệnh tôm… nhưng tình trạng dịch bệnh tôm vẫn cứ diễn ra, do môi trường nuôi quá ô nhiễm. Với điều kiện Bình Định hiện nay, việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hệ thống thủy lợi cho việc nuôi tôm chưa thể làm ngay được. Bởi vậy, vấn đề trước mắt làm thế nào để giảm lượng chất thải trong nuôi tôm càng nhiều càng tốt, nên cần phải giảm mật độ nuôi cho phù hợp với điều kiện canh tác. Bên cạnh đó, để giảm chất thải ra môi trường xung quanh cần thực hiện nuôi 1 vụ ăn chắc và nuôi luân canh, xen canh với các đối tượng nuôi khác, nhất là các đối tượng ăn mùn bã hữu cơ như: cá chua, cá rô phi, động vật thân mềm… để góp phần cải thiện môi trường chung quanh vùng nuôi… Do đó, chủ trương của ngành thủy sản tỉnh vận động các hộ nuôi tôm chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác là biện pháp bảo vệ môi trường các vùng tôm và qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.
* Xin cảm ơn bà !
bannhanong.vietnetnam.net (26/4/ 2006)
(Nguồn:BĐOl) |