Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 72% số trang trại thuỷ sản cả nước.
Theo Bộ Thủy sản, hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 12.100 trang trại thủy sản, chiếm hơn 72% số trang trại thủy sản của cả nước.
Toàn vùng đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất chuyên nuôi thủy sản, trang trại nuôi tôm sú công nghiệp, nuôi thủy sản kết hợp với sản xuất lúa, tôm-rừng. Hầu hết các hộ này làm kinh tế nông-lâm-ngư nghiệp chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Các tỉnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thủy sản nhanh là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Năm 1995, ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có hơn 2,2% số hộ làm kinh tế thủy sản. Hiện nay, tốc độ tăng số hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng cao nhất nước và chiếm hơn 8,1% so với số hộ nông thôn toàn khu vực.
Việc phát triển nuôi trồng thủy sản không chỉ ở vùng nước mặn mà cả vùng nước ngọt với nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao như nuôi cá tra, basa, rô đồng, rô phi trong ao hồ theo hình thức thâm canh, nuôi tôm càng xanh mương vườn, cá lồng-bè.
Ngoài ra, người dân Đồng bằng sông Cửu Long còn đầu tư phát triển nuôi nghêu, sò huyết trên các bãi bồi ven biển nhằm giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho hàng trăm ngàn lao động ở vùng nông thôn ven biển.
bannhanong.vietnetnam.net (20/04/2006)
(Nguồn:TTXVN) |