Để ngành chăn nuôi heo phát triển cần có thêm những cú "hích" mạnh.
Trong những năm gần đây, nhờ đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngành chăn nuôi heo trong tỉnh Đồng Nai đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong và ngoài nước, để chăn nuôi heo tiếp tục phát triển, người chăn nuôi cần phải được hỗ trợ mạnh hơn nữa về mặt kỹ thuật cũng như nguồn vốn.Cần phải có những chính sách hỗ trợ vốn để nhà chăn nuôi mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển cho chăn nuôi theo mô hình hiện đại.
Ông Joel Julou, Tổng giám đốc Công ty liên doanh France Hybrides Việt Nam, một trong những nhà sản xuất heo giống khá nổi tiếng của Pháp đóng chân trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu đã có nhận định: "Đến nay, đã 10 năm chúng tôi đặt chi nhánh tại Việt Nam nhưng 5 năm gần đây tốc độ nuôi heo ở các tỉnh phía Nam Việt Nam đã tăng rất nhanh. Một yếu điểm về chăn nuôi heo mà các trại chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi trong gia đình thường gặp phải là khâu tuyển chọn heo giống, nhưng việc đó trong 3 năm gần đây đã có chuyển biến. Nguyên nhân một phần là do người chăn nuôi đã ý thức được lợi ích kinh tế từ việc chọn giống tốt và 1 phần cũng nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ để cải thiện đàn heo giống". Điều ông Joel Julou nói rất đúng, bởi mấy năm gần đây nhiều tỉnh đã rầm rộ triển khai chương trình nạc hóa đàn heo để nâng cao chất lượng thịt. Ở Đồng Nai chương trình này cũng được thực hiện khá tốt, gần 100% đàn heo của tỉnh đã được nạc hóa. Các hộ chăn nuôi nhỏ đã thực hiện được điều này phần lớn thông qua hệ thống khuyến nông nên hiệu quả đạt được khá cao. Đây là điều đáng mừng cho ngành chăn nuôi, bởi nó là nền tảng của ngành chăn nuôi công nghiệp tiên tiến mà nhà nước đang khuyến khích phát triển.
Tuy nhiên, về kỹ thuật chăm sóc heo theo mô hình công nghiệp hiện đại thì vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Jose Antonio, một chuyên gia về chăn nuôi heo của Công ty Kubus (Tây Ban Nha) từng nghiên cứu tình hình chăn nuôi heo ở Việt Nam đã cho rằng, các trang trại chăn nuôi heo ở Việt Nam cần phải tiếp cận nhiều hơn nữa về kỹ thuật chăn nuôi của các nước có trình độ chăn nuôi tiên tiến. "Tôi thấy việc chăm sóc heo nái và heo nọc ở nhiều trang trại tại một số tỉnh ở Việt Nam còn rất lúng túng và thường làm không đúng kỹ thuật. Bên cạnh giống tốt, chăn nuôi heo đòi hỏi phải có kỹ thuật cao mới khai thác có hiệu quả"- ông Jose Antonio nói. Chuyên gia Jose Antonio cũng đã chỉ ra một số hạn chế cụ thể về mặt kỹ thuật trong chăm sóc và khai thác heo giống ở các trại chăn nuôi như: chế độ cho ăn của heo nọc phải được thay đổi theo từng lứa tuổi, hay từng chu kỳ khai thác tinh; ở các tỉnh phía Nam thuộc xứ nóng nên thiết kế chuồng heo phải thoáng mát, nhất là đối với heo nọc. Thế nhưng các trại heo lại xây tường vây quanh kín và không có hệ thống làm mát. Nhiều nước ở châu Âu, người chăn nuôi đã biết ứng dụng các biện pháp gieo tinh nhân tạo cho heo không cần tay hoặc gieo tinh nhân tạo sâu (sử dụng ống dẫn tinh luồn sâu vào tử cung của heo nái) vừa tiết kiệm lại cho hiệu quả sinh sản rất cao. Những kỹ thuật đó tại Việt Nam lại chưa ứng dụng và còn rất xa lạ với các trại heo.
Bên cạnh việc nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, thì nguồn vốn đầu tư cho chăn nuôi hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục chăn nuôi cũng rất quan tâm về điều này. Bởi, theo ông, việc chăn nuôi heo hiện nay đang hướng dần đến chăn nuôi tập trung, các trại chăn nuôi phải cách khu dân cư 3 km và việc xử lý chất thải gây ô nhiễm cần phải được xử lý tốt. Thế nhưng để thực hiện được việc đó thì vốn đầu tư là trở ngại lớn nhất. Ông Vang nói: "Đầu tư cho chăn nuôi theo mô hình hiện đại rất tốn kém, và việc thu hồi vốn cũng không phải dễ dàng, chính vì vậy cần phải có những chính sách hỗ trợ vốn để nhà chăn nuôi mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển sản xuất".
bannhanong.vietnetnam.net (13/04/2006) (Nguồn:ĐNOl) |