An Giang vào vụ tôm mới .
Mục tiêu phát triển con tôm An Giang bền vững vẫn là kỹ thuật thả nuôi trên chân ruộng và ứng dụng mô hình "1 vụ lúa + 1 vụ tôm", trong đó chủ yếu tập trung ở Thoại Sơn, vì đây là địa phương có diện tích đồng ruộng phù hợp nuôi tôm chiếm đến 700 ha.
Mùa nước năm nay, toàn tỉnh dự kiến nuôi trên 925 ha tôm, tập trung tại các huyện Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên, đồng thời dành trên 230 ha ươm giống phục vụ sản xuất. Tháng ba âm lịch, nông dân vùng nuôi tôm bước vào niên vụ mới, ráo riết chuẩn bị mọi mặt, đảm bảo kỹ thuật khi thả con giống vào ruộng.
Mục tiêu phát triển con tôm An Giang bền vững vẫn là kỹ thuật thả nuôi trên chân ruộng và ứng dụng mô hình "1 vụ lúa + 1 vụ tôm", trong đó chủ yếu tập trung ở Thoại Sơn, vì đây là địa phương có diện tích đồng ruộng phù hợp nuôi tôm chiếm đến 700 ha. Để tạo ra bước đột phá này, những năm vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng giúp Thoại Sơn xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng quy hoạch, đảm bảo các yếu tố cần thiết thả tôm nuôi tại Phú Thuận - điểm xuất phát phong trào nuôi tôm càng xanh đầu tiên trong tỉnh.
Ông Trần Văn Khai, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đến nay mạng lưới đê bao kết hợp với giao thông nông thôn, hệ thống cống đập đã cơ bản hoàn chỉnh, điều tiết nước dẫn lưu thông trên các tuyến kênh, chế ngự được mực nước lũ hàng năm và đảm bảo cho vùng nuôi tôm an toàn. Nhờ vậy, nông dân Phú Thuận rất an tâm sản xuất, bỏ thêm chi phí đầu tư vào vuông tôm của mình; giá trị đã tăng từ 35 đến 40 triệu đồng/ha, còn xây dựng hoàn toàn mới thì chi phí cao hơn gấp nhiều lần. Vốn đầu tư lớn nhưng vẫn phát huy được hiệu quả, chính là sức thuyết phục mô hình làm ăn thật sự, chứ không phải xu hướng theo phong trào. Người nuôi tôm ở Phú Thuận đưa ra con số hấp dẫn, năm 2005, cả xã có 203 hộ thả giống nuôi 375 ha, năng suất đạt từ 1 tấn đến 1,2 tấn/ha, giá dao động khoảng 90.000đ/kg. Nếu tính rợ, mỗi héc-ta cũng lời thủ trên 50 triệu đồng, người có tay nghề kỹ thuật giỏi thì con số lời sẽ nhiều hơn. Đa số đều thừa nhận rằng, năng suất thu hoạch và mức lời không giống nhau, nhưng gọi là phá sản do thua lỗ thì chưa xảy ra ở Phú Thuận.
Mô hình "1 vụ lúa + 1 vụ tôm" cũng được Thoại Sơn nhân rộng, giai đoạn 2006 - 2010 phát triển 1.500 ha tại các xã Vĩnh Khánh, Vĩnh Chánh, Định Thành và thị trấn Phú Hòa, trong đó xã Phú Thuận vẫn giữ vai trò vùng sản xuất nguyên liệu lớn nhất huyện. Trước mắt, mùa nước nổi năm 2006 Thoại Sơn sẽ thả nuôi 700 ha, với nhu cầu 70 triệu con giống, qua cân đối năng lực sản xuất các trại giống trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu. Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, thông qua các chương trình chuyển giao kỹ thuật của Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản An Giang, sẽ tăng thêm 10 đến 20% lượng giống; số còn lại đăng ký với các trại sản xuất trong và ngoài tỉnh. Do vậy, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng tôm giống, cần phải quan tâm để đảm bảo sạch bệnh và đúng lịch thời vụ. Chuẩn bị cho niên vụ mới, Trạm Khuyến nông Thoại Sơn cùng các xã, thị trấn và hợp tác xã, tổ liên kết, câu lạc bộ nông dân tổ chức huấn luyện quy trình kỹ thuật nuôi tôm, như: Vệ sinh đồng ruộng sau vụ lúa đông xuân, kiểm tra ươm dưỡng con giống, tu sửa hệ thống đê bao và cống đập, thường xuyên theo dõi nguồn nước, xử lý ngay các yếu tố thời tiết phát sinh, sử dụng thức ăn…
Tháng ba âm lịch, lúa đông xuân ở các cánh đồng quy hoạch đã cắt suốt dứt điểm, nông dân nhiều nơi ráo riết bắt tay chuẩn bị vụ tôm chuyển tiếp, với không khí phấn khởi quyết tâm giành thắng lợi trong niên vụ mới. Bởi lẽ, con tôm càng xanh không chỉ làm giàu cho người trực tiếp sản xuất, nó còn giúp ích đối với rất nhiều lao động “ăn theo” nghề chăn nuôi này. Tại xã Phú Thuận (huyện Thoại Sơn) cho thấy, trong năm 2005 đã giải quyết việc làm cho 4.767 lao động, trong đó 750 lao động trực tiếp làm thuê và có hơn 4.000 lao động khác được thu nhập từ việc bắt ốc bươu vàng làm thức ăn cho tôm.
bannhanong.vietnetnam.net (10/4/2006) (Nguồn:eGOV-AG )
|