Đông Nam bộ: Cá chết hàng loạt, nông dân điêu đứng.
Bà con nuôi cá bè trên sông Sài Gòn đang điêu đứng vì hàng trăm tấn cá lăng, điêu hồng chết hàng loạt, gây thiệt hại gần 5 tỷ đồng.Trước mắt, cần xác định có phải Cao su Dầu Tiếng và Mi-Won Việt Nam thải nước có chứa chất độc hại ra sông Sài Gòn gây ô nhiễm nguồn nước hay không.
Trắng tay!
Ngày 22/3, nhận được thông tin cá chết, chúng tôi đã khảo sát thực tế tình hình ở những khu vực nuôi cá lồng dọc sông Sài Gòn và được biết cá chết đồng loạt vào thời điểm từ 17 giờ đến 18 giờ ngày 17/3, chủ yếu là cá điêu hồng, cá lăng và cá chình. Cá ở ngoài sông cũng chết hàng loạt.
Người bị thiệt hại nặng nhất trong vụ cá chết là nông dân Nguyễn Văn Thành, ở khu phố 2, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Đầu năm 2006, ông Thành vay tiền đầu tư nuôi 10 bè cá điêu hồng, cá chình và cá lăng. Thế nhưng, khi gần thu hoạch, khoảng 35 tấn cá chết sạch, thiệt hại 770 triệu đồng.
Ông Thành buồn bã cho biết: Hàng tháng tôi phải trả lãi ngân hàng hàng chục triệu đồng, sắp tới chưa biết xoay xở cách nào để trả được nợ”.
Tại đây cũng có 20 hộ cùng cảnh ngộ như thế: ông Trương Văn Kiên thiệt hại gần 25 tấn cá, trị giá 670 triệu đồng; ông Trương Văn Dũng thiệt hại 480 triệu đồng; ông Trần Văn Hồng thiệt hại trên 550 triệu đồng; Trần Văn Giá thiệt hại trên 400 triệu đồng; bà Võ Thị Kim Tư, Võ Thị Chiểu, ông Lưu Văn Ngộ… có hàng chục tấn cá bị chết. Tổng số cá đã chết lên tới 193,8 tấn, thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng.
Được biết, ngay khi cá chết, người dân đã báo cáo với cơ quan chức năng để xác minh nguyên nhân cá chết và có hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay người dân hàng ngày vẫn nóng lòng chờ đợi mà chưa thấy cơ quan nào trả lời!?
Mong manh cơ hội tái nuôi.
Ngày 27/3, tại khu vực sông Sài Gòn thuộc ấp Bến Tranh, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, hàng chục chiếc lồng, cá chết nổi lềnh bềnh trên sông. Ông Trương Văn Dũng bức xúc: “Tiền trả nợ còn không có, lấy đâu mua cá giống nuôi lại, chúng tôi chắc bỏ nghề”.
Hiện tại, hàng chục hộ nuôi cá đang điêu đứng và không có cơ hội tái nuôi vì hiện nay số tiền vay nợ quá lớn. Điều đáng nói, ngoài nghề nuôi cá, họ không biết làm nghề gì khác.
Theo đơn kiện của 16 hộ dân gửi UBND tỉnh Bình Dương, nguyên nhân cá chết là do nước thải của Công ty Cao su Dầu Tiếng (thị trấn Dầu Tiếng), Nhà máy Chế biến tinh bột mì Mi-Won Việt Nam (ấp B2 xã Phước Minh).
Để chứng minh, bà con dẫn chúng tôi đến con rạch nước đen ngòm nổi váng bốc mùi thối chảy ra sông tại khu vực ấp B2 sát cầu 33 tấn thuộc xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trước đó, họ đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng, Công ty Mi-Won xả nước bẩn độc hại ra sông nhưng không ai giải quyết.
Sau khi nhận được đơn phản ánh của nông dân, ông Lê Hữu Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Dầu Tiếng đã báo cáo sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương để giải quyết những tổn thất cho người dân.
bannhanong.vietnetnam.net (31/03/2006)
(Nguồn:SGGP) |