Phải có giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững thị trường cá tra, ba sa
Từ năm 2002-2005, Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL -Trường Đại học Cần Thơ kết hợp Đại học Stirling (Scotland) đã nghiên cứu về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xu hướng phát triển thị trường của con cá tra và ba sa tại ĐBSCL.Kết luận khoa học và đề suất các giải pháp khả thi phù hợp với đăc điểm của vùng.
Theo kết quả nghiên cứu này, từ năm 2003 đến nay, tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ, sản lượng cá tra và ba sa (trong đó chủ yếu là cá tra) đã không ngừng tăng, mức tăng bình quân 32%/năm. Tuy nhiên, mức lợi nhuận đang giảm mạnh. Năm 2003, người nuôi thu lợi nhuận khoảng 2,8 triệu đồng/tấn cá, hiện giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng/tấn do chi phí sản xuất tăng. Sau vụ kiện Việt Nam bán phá giá cá da trơn ở Mỹ năm 2002, thị trường xuất khẩu cá da trơn của Việt nam hiện đã phát triển ra nhiều nước ở châu Âu, châu Á, thị trường Mỹ cũng đã được khôi phục. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, giá cá ba sa và cá tra luôn bất ổn, biên độ lợi nhuận của cả người nuôi, tiểu thương và nhà chế biến xuất khẩu giảm dần.
Tại hội thảo về nghiên cứu thị trường cá tra, cá ba sa do Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổ chức ngày 28-3-2006, các nhà khoa học, nhà sản xuất, doanh nghiệp, nhà quản lý ở các tỉnh, thành ĐBSCL đã trao đổi về các giải pháp phát triển bền vững thị trường. Trong đó, các giải pháp cần được chú trọng là: quy hoạch cụ thể lại vùng nguyên liệu; giảm chi phí sản xuất và phát triển các kho dự trữ hàng; xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi, giữa doanh nghiệp với nhau; phát huy vai trò của các hiệp hội nghề cá; sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường; chính quyền địa phương tham gia phát triển và kiểm soát chặt thị trường giống và thức ăn công nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin thị trường cấp vùng và cấp tỉnh...
bannhanong.vietnetnam.net (30/3/2006)
(Nguồn:CTOl) |