Tây Nguyên: Thương lái ép giá, người chăn nuôi chịu thiệt.
Chăn nuôi bò là một trong những nguồn thu nhập đáng kể của nông dân các tỉnh Tây Nguyên. Thế nhưng, trong khi giá thịt bò trên thị trường tự do lên đến 70.000-80.000 đồng/kg thì thương lái chỉ mua của dân 25.000- 30.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi chịu rất nhiều thiệt thòi...
Ông Lương Đình Giáp, năm nay 68 tuổi, ở thôn Chư Cúc, xã Ea Kmút, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk cho biết: Sau khi giá cà phê xuống thấp, gia đình chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Ông đã mua bò giống với giá rất cao - 60.000 đồng/kg bò hơi, nhiều người cùng thôn cũng mua tới 65.000 đồng/kg bò hơi. Vào thời điểm đầu năm 2005, giá đực giống từ 8-10 triệu/con, đực tơ 6-7 triệu/con, cái hậu bị từ 6,5-8 triệu/con, cái tơ từ 6-7 triệu/con, bò thịt 4,5-5,5 triệu/con. Tuy nhiên, sau một năm chăm sóc, người chăn nuôi chỉ bán được với giá rất thấp từ 20.000-25.000 đồng/kg hơi, tương đương 5 triệu đồng/con, lỗ 2-3 triệu đồng nếu tính cả công chăm sóc. Năm ngoái, 10 con bò thịt của ông Giáp có thể bán được trên 60 triệu đồng, nhưng đầu năm nay giỏi bán mới được từ 35- 40 triệu đồng.
Đến các xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi đã chứng kiến cảnh bà con nông dân bán bò với giá rất rẻ. Tư thương vào tận buôn làng, chỉ cần ngắm, ước lượng rồi trả giá 2,5-3 triệu/con bò cỡ 200-250kg/con. Khi hỏi, nhiều thương lái giải thích vì phải bù khoản vận chuyển, rồi rủi ro do gia súc bị đau ốm, chết dọc đường rất cao, nên... phải mua gia súc với giá thấp. Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các vùng thuận lợi như ven thị xã Kon Tum, ven các thành phố Buôn Ma Thuật, Pleiku giá bò thịt vẫn rất thấp, chỉ ở mức trên dưới 24.000 đồng/kg, trong khi giá thịt bò thị trường các chợ vẫn ở mức cao - 80.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ đồng bào dân tộc các xã giáp ranh giữa các tỉnh chỉ bán được với giá rất rẻ là 1,5-2 triệu/con, tương đương 17.000- 20.000 đồng/kg hơi.
Điều tra thực tế, chúng tôi thấy việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm bò thịt ở Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng chủ yếu thông qua thương lái. Hầu như không có cơ quan, doanh nghiệp nào đứng ra thu mua của dân, nên thương lái đã lợi dụng điều này để thao túng thị trường. Thiết nghĩ đã đến lúc rất cần sự can thiệp của các ngành chức năng. Song song đó, cần một chiến lược phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh Tây Nguyên.
bannhanong.vietnetnam.net (29/03/2006)
(Nguồn: NTNN) |