Kiên quyết gải tỏa lồng bè nuôi cá trong hồ Dầu Tiếng.
Trong nhiều năm qua,việc nuôi cá lồng bè tự phát trên mặt nước hồ Dầu Tiếng đã làm ô nhiểm nặng nguồn nước lòng hồ.Các cơ quan chức năng của hai tỉnh Tây Ninh,Bình Dương đã điều tra,khảo sát và đã có kết luận các chỉ số ô nhiểm môi trường nghiêm trọng trong lòng hồ.
UBND tỉnh Tây Ninh và các ngành chức năng trong tỉnh đã có nhiều công văn thông báo, yêu cầu các hộ nuôi cá lồng trong hồ Dầu Tiếng phải tự giác giải toả lồng bè, chấm dứt hoạt động nuôi cá bè nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái trong khu vực lòng hồ. Gần đây nhất là Công văn số 344/UBND ngày 2.11.2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh về việc giải toả lồng, bè nuôi cá, chấm dứt các hoạt động nuôi cá bằng lồng, bè trong hồ Dầu Tiếng kể từ ngày 31.12.2005.
Thực hiện công văn trên, trong hơn 2 tháng qua, Đoàn công tác giải toả lồng bè nuôi cá trong lòng hồ Dầu Tiếng, UBND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng đã nhiều lần kiểm tra, thông báo, nhắc nhở các hộ nuôi cá lồng trong lòng hồ chấp hành quy định của Nhà nước. Đến cuối tháng 2.2006, đã có khá nhiều hộ tự tháo dỡ, di dời bè cá ra khỏi lòng hồ Dầu Tiếng nhưng vẫn còn một số hộ tiếp tục thả cá giống nuôi mới.
Tuy nhiên, để đối phó với việc chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh phối hợp với Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng “làm căng”, các hộ trên đã di dời lồng, bè từ các khu vực thuộc tỉnh Tây Ninh sang… “thuỷ phận” hồ Dầu Tiếng thuộc tỉnh Bình Dương như một sự thách thức pháp luật. Tính đến ngày 3.3.2006, trong hồ Dầu Tiếng còn tồn tại 234 lồng của 47 hộ, trong đó có 189 lồng đang nuôi cá tại các khu vực Bưng Bàng, Đầu Bò (xã Minh Hoà) và khu vực Bàu Sấu, đảo Đài Loan (xã Định Thành), huyện Dầu Tiếng, Bình Dương; khu vực Cầu Sắt, bến Năm Cự (xã Tân Thành, Tân Châu), và khu vực đập Tân Châu.
Ngày 8.2.2006, Trưởng Đoàn công tác giải toả lồng bè nuôi cá trong hồ Dầu Tiếng đã có công văn đề nghị UBND huyện Tân Châu tiến hành thực hiện thủ tục về cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt hành chính 19 hộ nuôi cá bè trên địa bàn Tân Châu; đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu kiểm tra không để phát sinh hộ nuôi cá bè trên địa bàn Dương Minh Châu, đồng thời đề nghị Sở NN&PTNT Bình Dương, UBND huyện Dầu Tiếng phối hợp với các đơn vị chức năng của Tây Ninh thực hiện đồng bộ công tác giải toả lồng bè nuôi cá, tiến hành xử phạt hành chính, giải toả các hộ nuôi cá bè hiện có trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Sau khi nhận được công văn đề nghị của đoàn công tác giải toả, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đã nhiệt tình phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh để bàn biện pháp xử lý những đối tượng nuôi cá bè trái phép hiện tồn tại trong lòng hồ thuộc địa phận của hai tỉnh. Vừa qua, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, công an huyện Dầu Tiếng và UBND huyện Dầu Tiếng đã thống nhất với các đơn vị chức năng của Tây Ninh về hướng xử lý những hộ nuôi cá trái phép trong địa bàn Dầu Tiếng như sau: Sau khi đoàn công tác giải toả tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính (lần 2) và cho thời hạn tự giải toả là 10 ngày, nếu quá thời hạn quy định mà những hộ trên vẫn cố tình không di dời, UBND huyện Dầu Tiếng sẽ lập biên bản xử phạt hành chính và sau đó sẽ có biện pháp tiến hành cưỡng chế giải toả. Về phía các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh sẽ có biện pháp tích cực để tránh trường hợp các hộ nuôi cá bè từ địa phận Bình Dương quay trở lại. Một cán bộ lãnh đạo Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng là thành viên của đoàn công tác giải toả cho biết: “Hiện nay, Công ty Khai thác Thuỷ lợi Dầu Tiếng vẫn không cho phép các hộ dân đang nuôi cá bè trong hồ thuộc xã Tân Thành (Tân Châu, Tây Ninh) hợp đồng khai thác đánh bắt thuỷ sản trong hồ. Chỉ khi nào các hộ trên giải toả lồng bè nuôi cá khỏi hồ Dầu Tiếng, họ mới được phép hợp đồng khai thác thuỷ sản trong hồ. Hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thống nhất: sẽ thực hiện giải toả xong số lồng bè cá còn lại trong hồ Dầu Tiếng trước ngày 31.3.2006”.
Nguồn:TNOL-bannhanong.vietnetnam.net (25/3/2006)
|