Phát triển nguồn lợi thuỷ sản: Từ hồ Trị An nhìn lại hồ Dầu Tiếng.
Hồ Trị An tỉnh Đồng Nai được hình thành sau và với quy mô nhỏ hơn hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh. Với diện tích mặt nước rộng hơn 27.000 ha, hồ Dầu Tiếng chứa đến 1,5 tỷ mét khối nước, đang tưới cho hàng trăm ngàn ha đất sản xuất. Thế nhưng so về tiềm năng thuỷ sản thì...
Nguồn lợi thủy sản hồ Trị An ngày càng tăng,hồ Dầu Tiếng ngày càng giảm.
Theo số liệu từ công trình nghiên cứu khả năng nuôi trồng thuỷ sản hồ Dầu Tiếng thì nguồn lợi thuỷ sản trong hồ trong nhiều năm qua liên tục giảm. Cụ thể từ năm 1990 đến nay sản lượng thuỷ sản khai thác được từ 2.500 tấn, giảm xuống gần 10 lần chỉ còn có hơn 300 tấn (năm 2005).
Trong khi đó, thống kê ở hồ Trị An (Đồng Nai) trong hơn 10 năm gần đây cho thấy sản lượng thuỷ sản ở đây gia tăng rất đáng kể. Năm 1993, sản lượng thuỷ sản khai thác được ở hồ Trị An chỉ có 800 tấn, đến năm 2004 sản lượng khai thác đạt hơn 3.500 tấn. Như vậy trong vòng 10 năm, sản lượng thuỷ sản hồ Trị An khai thác được đã tăng đến gần 5 lần.
Không chỉ gia tăng sản lượng hằng năm, mà thành phần loài cá ở hồ Trị An cũng phong phú và đa dạng hơn ở hồ Dầu Tiếng. Ở hồ Trị An hiện nay được ghi nhận có đến 109 loài cá thuộc 28 họ, 9 bộ. Trong khi đó ở hồ Dầu Tiếng hiện nay ghi nhận chỉ có 54 loài thuộc 19 họ, 9 bộ và cá có kích thước lớn ngày càng hiếm dần.
Từ sản lượng cá đánh bắt được ngày càng giảm dẫn đến số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản khu vực chung quanh hồ Dầu Tiếng cũng giảm. Trước đây có đến hàng ngàn hộ- có nơi thành lập hẳn một làng để hoạt động đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng, hiện nay chỉ còn vài trăm hộ. Trong khi ở hồ Trị An, khoảng 10 năm trước đây chỉ có khoảng 300 hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ, nay đã phát triển đến hàng ngàn hộ.
Vì sao nguồn lợi giảm sút?
Có nhiều nguyên nhân khiến cho nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng ngày càng cạn kiệt. Trong đó dễ nhận ra nhất là do những cách đánh bắt thuỷ sản có tính chất huỷ diệt như: đánh trái nổ, xung điện, thậm chí có chỗ còn sử dụng thuốc hoá học. Do đó mà nguồn lợi thuỷ sản hồ Dầu Tiếng cạn kiệt dần.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng nguyên nhân chính là do trong những năm qua, ngành chức năng chủ yếu chỉ quan tâm đến việc tích nước phục vụ tưới tiêu phát triển trồng trọt mà không quan tâm đến việc đầu tư phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hồ. Nhận định này có cơ sở, bởi vì nguyên nhân khiến cho nguồn lợi thuỷ sản hồ Trị An gia tăng chính là do có đầu tư phát triển hàng năm. Cụ thể từ năm 1995 tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương thả cá giống vào hồ Trị An để tái tạo nguồn lợi thuỷ sản cho hồ và công việc này được tiến hành thường xuyên hằng năm từ đó cho đến nay- năm có số lượng cá giống thả vào hồ cao nhất là 1997 với hơn 5 triệu con và năm thấp nhất cũng khoảng hơn 1 triệu con. Việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản bằng cách thả cá giống đã giúp cho sản lượng cá trong hồ gia tăng nhanh- khoảng vài trăm tấn mỗi năm, đã góp phần tăng trưởng kinh tế đồng thời giúp một bộ phận dân cư sinh sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản khu vực quanh hồ ổn định cuộc sống.
Cần tăng lượng cá giống cho hồ Dầu Tiếng.
Với dung tích chứa nước lớn đến 1,5 tỷ mét khối mà sản lượng cá đánh bắt hằng năm chỉ có hơn 300 tấn thì quả là quá lãng phí tiềm năng thuỷ sản ở hồ Dầu Tiếng. Hậu quả này là do chính các ngư dân trong hồ gây ra, nhưng không thể không kể đến sự hạn chế trong hoạt động đầu tư phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng của Nhà nước. Bởi vì trong nhiều năm qua, không có một cơ quan chuyên môn về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản được giao nhiệm vụ chính thức quản lý lĩnh vực này trong hồ. Do đó Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng quản lý luôn phần thuỷ sản này. Tuy nhiên, do chức năng chính của công ty là khai thác thuỷ lợi nên cũng không chú ý đến việc đầu tư tái tạo và phát triển thuỷ sản; mặt khác, Công ty cũng không đủ lực lượng cũng như biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng đánh bắt huỷ diệt, hậu quả là nguồn lợi thuỷ sản trong hồ ngày càng bị huỷ hoại nghiêm trọng.
Thực ra, vấn đề bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng đã được đặt ra ngay từ đầu khi công trình đưa vào sử dụng. Năm 1985- lúc hồ bắt đầu tích nước chuẩn bị vụ tưới đầu tiên, tỉnh đã cho thả vào trong hồ 500.000 con cá giống các loại. Nhưng rất tiếc là sau lần ấy thì việc thả cá không còn được tiếp tục thực hiện trong suốt thời gian… 20 năm.
Năm 2005, ngành chức năng thấy rằng việc khôi phục và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng là việc làm bức thiết và tham mưu với tỉnh đầu tư kinh phí tiếp tục thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng. Đến cuối năm 2005, đã có hơn 280.000 con cá giống được thả vào hồ, trong đó có 100.000 con cá trôi, 50.000 con cá mè vinh, 50.000 con cá mè trắng, 50.000 con cá trắm cỏ, gần 40.000 con cá lăng… với tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 100 triệu đồng. Năm 2006, ngành NN-PTNT Tây Ninh dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu đồng mua cá giống tiếp tục thả trong hồ Dầu Tiếng.
Việc tiếp tục thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng được ghi nhận như là nỗ lực của tỉnh trong việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong hồ. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, với trữ lượng nước lớn như hồ Dầu Tiếng thì số lượng cá giống thả vài trăm ngàn con chẳng thấm vào đâu. Chí ít thì mỗi năm lượng cá thả vào hồ phải có đơn vị hàng triệu con và thả liên tục hằng năm mới khai thác hết tiềm năng thuỷ sản của hồ.
Nguồn:TNOL-bannhanong.vietnetnam.net (25/3/2006)
|