Chữa bệnh đốm trắng cho tôm bằng tỏi.
Y học thế giới đến nay vẫn chưa tìm ra bài thuốc chữa bệnh đốm trắng cho tôm. Sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu, một nông dân ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tìm ra bài thuốc chữa bệnh cho tôm bằng tỏi.
Ý tưởng của người mới học đến lớp 7.
Ngôi nhà của anh Lê Đức Xuân nằm ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, ngay bên phá Tam Giang. Tuy mới gặp và tiếp xúc lần đầu nhung tôi rất có ấn tượng về người nông dân 47 tuổi này. Đôi mắt sáng, vầng trán rộng, thông minh, nói năng chuẩn mực đến từng từ, từng câu, đặc biệt anh rất khiêm tốn nhưng đầy cá tính. Chiếc áo vải mộc cũ kỹ ướt đẫm mồ hôi là vật bất ly thân đối với anh.
Ít ai biết rằng, anh Lê Đức Xuân có trình độ học vấn rất thấp. Bố anh hy sinh khi anh được 10 tuổi, nên khi mới học lên lớp 7, anh phải nghỉ học. Ở nhà giúp mẹ làm đồng kiếm tiền nuôi gia đình cho đến hôm nay. Đến khi cả làng, cả nước lao vào nuôi tôm xuất khẩu thì anh cũng không đứng ngoài cuộc.
Thế rồi, những mùa dịch bệnh liên tiếp xảy ra, tôm chết trắng hồ, ngân hàng đến kê biên, xiết nhà vì người nuôi tôm không thu được tiền để trả nợ, luôn ám ảnh cuộc đời người nông dân nghèo này.
Mời các bác sĩ, kỹ sư về kiểm tra ao tôm họ cũng chỉ bảo một câu tôm bị bệnh, chứ không có thông tin gì thêm. Niềm tin người nông dân chờ đợi từ các nhà khoa học nghiên cứu, tìm ra bài thuốc giúp dân ngày càng xa vời. Đi mua thuốc bán trôi nổi ngoài thị trường về chữa bệnh cho tôm vẫn không có kết quả. Lẽ nào khoa học hiện đại lại bó tay, anh Xuân trăn trở.
Thương bà con nông dân, thương cho cái thân phận của mình, cứ nghèo rớt mồng tơi. Rồi anh ngồi tiếc thầm, giá như anh được đi học đàng hoàng, trở thành kỹ sư nông nghiệp như lời trăn trối của cha anh để lại trước lúc hy sinh thì bây giờ anh đã có điều kiện về tri thức để giúp bà con.
Sau bao nhiêu năm trăn trở, tìm tòi, cuối cùng anh Xuân quyết chí làm được một điều gì đó giúp bà con. Từ một nông dân chân đất, anh Lê Đức Xuân quyết định mò mẫm đến với con đường khoa học. Theo anh Xuân, trong các bệnh của tôm thì đốm trắng là bệnh khó chữa nhất, thuốc chữa bệnh này vẫn chưa có loại đặc dụng. Rồi anh tự nhủ: "Không với tay được những vấn đề cao siêu của khoa học hiện đại, ít ra mình phải đi tìm cho ra những bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian đem về áp dụng chữa bệnh cho tôm. Thế rồi, sau nhiều năm tìm tòi, bài thuốc được tôi chọn ra làm thí nghiệm là dùng củ tỏi chữa bệnh cho tôm", anh Lê Đức Xuân nhớ lại cuộc hành trình đi làm khoa học của mình.
Cơ sở khoa học đầu tiên để anh Lê Đức Xuân chọn củ tỏi làm bài thuốc chữa bệnh cho tôm cũng rất... nông dân. "Trước đó, nhiều lần tôi đi rừng bị ốm, nhiễm trùng gây sốt, ở giữa rừng thuốc tây có đâu mà uống. Thế là tôi đều dùng củ tỏi chữa bệnh, lành hẳn. Nên bây giờ tôi suy nghĩ có thể dùng tỏi chữa bệnh cho tôm cũng được. Nhất định khi ăn tỏi vào sức đề kháng trong cơ thể tôm sẽ tăng lên, lúc đó nó sẽ tránh được dịch bệnh...".
Một "liều thuốc" dùng 5 ngày.
Anh Xuân dẫn tôi ra hồ tôm, nơi anh đang nghiên cứu thực nghiệm về bài thuốc chữa bệnh cho tôm bằng củ tỏi. Anh kể khó khăn nhất là giai đoạn anh quyết định đem bài thuốc thí nghiệm trên ao tôm. Nếu không may tôm chết sạch thì nguy to, cả nhà phải đi ở đợ. Vì ngôi nhà đang ở anh đã cầm cho ngân hàng lấy tiền nuôi tôm. Nhưng rồi anh nghĩ, làm khoa học phải dám hy sinh. Anh động viên vợ con mình chuẩn bị tinh thần chịu đựng nếu công trình của anh không thành công.
Lo lắng, nhưng anh Xuân vẫn bí mật làm thí nghiệm. Đầu tiên, anh chỉ dùng lượng tỏi đúng 100 g giã nhỏ trộn với ly dầu thực vật (chất bôi trơn) rồi đem nấu chín tỏi, sau đó trộn vào thức ăn cho tôm. Mỗi ngày một lần, anh lén ra ao tôm đang dịch bệnh, khoanh ra một diện tích mặt nước rất nhỏ cho tôm ăn thử. Một bữa, hai bữa... anh thấy những con tôm được đem làm thí nghiệm lành bệnh, khỏe mạnh, bơi tung tăng trở lại trong nước. Sung sướng quá, anh lội ra giữa hồ để bơi lội cùng bầy tôm vừa mới được chính bàn tay mình chăm sóc.
Mùa tôm sau, từ chỗ thí nghiệm ban đầu 100 g tỏi củ, anh Xuân nâng dần lên 1 kg tỏi củ và 1 lít dầu thực vật, tiền công tất cả hết 50 nghìn đồng. Số thức ăn này anh cho 3 vạn con tôm (sống trên diện tích tương đương 5 ha mặt nước hồ tôm) ăn trong vòng năm ngày. Tính ra tiền thuốc tỏi cần cho mỗi sào nuôi tôm ăn trong năm ngày chỉ mất 10 nghìn đồng, rẻ hơn rất nhiều so với thức ăn và thuốc chữa bệnh dịch tôm bán ngoài thị trường.
Anh Xuân cho biết, nên trộn tỏi vào thức ăn cho tôm ăn một lần vào buổi tối. Vì đây là thời gian kích thích con tôm ăn mạnh nhất. Cho tôm ăn liên tục trong năm ngày, con tôm đang bệnh dần dần chuyển sang khỏe mạnh và chóng lớn. Cách năm đến mười ngày sau, cho tôm ăn thêm một chu kỳ 5 ngày thuốc tỏi nữa để củng cố kháng thể trong cơ thể cho tôm.
Sau nhiều lần thí nghiệm thành công, từ tháng 1-2005, anh Xuân đem thực nghiệm đại trà mô hình chữa bệnh tôm bằng tỏi trên ao nhà mình. Kết quả đem lại thật khả quan. Liên tiếp trong hai mùa nuôi tôm của năm 2005, trên một vùng ven đầm phá Tam Giang, ao của những người khác không cho tôm ăn thức ăn tỏi thì dịch bệnh chết sạch, thất thu hàng chục tỷ đồng. Điều kỳ diệu đã đến, riêng 5 ha tôm của nhà anh Xuân lại không có một con nào chết vì dịch bệnh. Thu hoạch một năm nuôi tôm thành công, gia đình anh Xuân lãi được 50 triệu đồng.
Phát hiện ra bài thuốc hay nhưng anh Xuân rất khiêm tốn. Theo anh, biết rằng thuốc từ tỏi trong dân gian để chữa bệnh cho tôm là hiệu nghiệm nhưng quan trọng người nuôi tôm phải chú ý đến vấn đề giống môi trường và thức ăn hằng ngày cho tôm. Nếu giống tôm còi, về nuôi không lớn thì làm sao mà bán được. Hồ nuôi tôm không bảo đảm vệ sinh môi trường thì khả năng chữa bệnh cho tôm từ tỏi cũng không phát huy được tác dụng...
Nghĩ ra để giúp bà con.
Tin anh Xuân tìm ra bài thuốc chữa bệnh cho tôm lan nhanh. Người nuôi tôm khắp nơi tìm về học hỏi. Anh Xuân xuề xòa: "Tôi không giấu giếm gì bà con. Ai ưa học cách chữa bệnh cho tôm tôi tận tình chỉ bảo".
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, kỹ sư thủy sản - Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư - Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đây là thông tin hấp dẫn. Theo chị Hồng, tỏi tồn tại từ lâu trong đời sống hằng ngày của con người. Chữa bệnh cho con người bằng tỏi thì y học áp dụng thành công. Nhưng dùng tỏi chữa bệnh cho tôm bằng bài thuốc dân gian như ý tưởng của anh Xuân thật đáng khích lệ. Các nhà khoa học nên chắp bút, nghiên cứu sâu hơn về phát hiện độc đáo này của anh Lê Đức Xuân để làm sáng tỏ thêm hai vấn đề là nồng độ của tỏi trong liều lượng thức ăn và thời điểm diệt vi khuẩn gây bệnh cho tôm".
Không riêng gì nông dân Thừa Thiên- Huế đến ao tôm anh Xuân xin học bài thuốc chữa bệnh tôm độc đáo này, nhiều người trong và ngoài nước đã đặt vấn đề với anh Xuân để mua bản quyền sản xuất thuốc chữa bệnh tôm từ tỏi.
Đón nhận thông tin này anh Xuân rất vui, anh nói: "Nếu được cấp trên chấp thuận thì tôi đem bài thuốc này giúp bà con nghèo chữa bệnh cho tôm, chứ không lấy của họ một đồng nào".
Nguồn:Báo Nhân Dân -bannhanong.vietnetnam.net (24/03/2006) |