Những
Mở đầu câu chuyện với tôi, Chủ tịch UBND huyện miền
núi Hiệp Đức (Quảng Nam) Đào Bội Thuyên, bảo "Rồi đây nông dân Hiệp Đức sẽ mua…
ô tô". Nghe hơi khó tin. Uống vội chén trà, ông Thuyên hồ hởi "Họ bán bò mua ôtô
đấy, anh không tin hãy cứ đợi mà xem. Chừ về các làng quê, đâu đâu cũng nghe dân
tính chuyện nuôi bò đàn chất lượng cao. Mỗi hộ sở hữu 50-70 con đã không còn là
của hiếm".
Ông Trần Thọ, Trưởng phòng Kinh tế Hiệp Đức cho biết, ngay khi dự án
chính thức khởi động, ngân sách huyện đã đầu tư gần 255 triệu đồng để hỗ trợ
1.433 hộ dân phát triển vùng cỏ chuyên canh. Nhờ vậy, từ vài sào cỏ đầu tiên
được trồng cuối năm 2003 đến nay toàn huyện đã có hơn 250 ha cỏ. Đặc biệt, để
đồng vốn nhanh chóng đến tay nông dân, huyện đã tập trung nhân lực làm tốt công
tác giải ngân. Tính đến cuối năm 2005, huyện đã giải ngân 3,151 tỷ đồng cho 457
lượt hộ nông dân theo quyết định 66 của UBND tỉnh, ngoài 280 triệu đồng cho 140
hộ mượn không tính lãi, 399 hộ chăn nuôi khác cũng được hỗ trợ gần 65 triệu đồng
lãi suất tiền vay.
Không chỉ có thế, một số vùng giao thông đi lại khó khăn, không
thuận lợi cho công tác phối giống nhân tạo, huyện Hiệp Đức đã hỗ trợ 50% kinh
phí cho 1 chủ trang trại mua 2 con bò đực giống lai Zêbu. Tại 2 xã vùng cao là
Phước Trà và Phước Gia, ngân sách huyện đầu tư mua 4 con bò đực giống cấp cho 4
hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận nuôi, chăm sóc để phục vụ công tác phối giống
tại địa phương. Đặc biệt, tranh thủ tài trợ từ nhiều phía, kết hợp với kinh phí
của huyện, Hiệp Đức đã triển khai xây dựng 2 mô hình "điểm" trồng cỏ, bắp lai
nuôi bò tại thôn 1 (Hiệp Hòa) và thôn 5 (Quế Lưu). Bên cạnh các khoá tập huấn,
huyện đã cho vay và cho mượn 505 triệu đồng để nông dân hai địa phương này mua
95 con bò nái sinh sản; đồng thời, hỗ trợ 70kg giống bắp lai và gần 16 triệu
đồng mua cỏ giống cho nông dân. Ngoài ra, nông dân cũng được hỗ trợ 680 tấm lợp
để xây dựng chuồng trại kiên cố và 2 con bò đực giống để phục vụ cho việc phối
giống... Ngân sách huyện cũng đầu tư 242 triệu đồng mua 42 con bò nái sinh sản
cấp cho nhiều hô đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Trà, Phước Trà và Phước Gia
nuôi theo hình thức quay vòng; 12 hộ ở xã Hiệp Thuận, Hiệp Hòa và Quế Bình cũng
được hỗ trợ 6 con bò đực giống (trị giá 78 triệu đồng) để thực hiện phối giống
cho số bò nái trong vùng.
Để nhanh chóng nâng cao tỷ lệ bò lai trong cơ cấu tổng đàn thì
công tác phối giống bằng thụ tinh nhân tạo được xem là khâu đặc biệt quan trọng,
vì thế ngoài việc mua sắm các trang thiết bị, huyện đã đầu tư 50 triệu đồng để
phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp và khuyến nông tỉnh mở khóa đào tạo cho 32
dẫn tinh viên. Đến nay, bình quân mỗi xã của Hiệp Đức có 3 dẫn tinh viên. Thật
lòng mà nói, tôi mới chỉ đi vài xã "điểm" của Hiệp Đức nhưng đã thấy "ngợp"
trước những đàn bò đông nghịt, béo nục. Bò nhiều vô kể, hễ dong xe qua những bản
làng là thấy bò đủng đỉnh gặm cỏ, nông dân thì quần quật bên những đồng cỏ voi
xanh mơn mởn... Thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Hiệp Đức, cuối năm 2003 tổng
đàn bò của địa phương này chỉ 9.482 con, đến đầu năm 2006 con số ấyđã hơn 17.900
con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 33%. Bí thư Huyện uỷ Hiệp Đức, ông Đoàn Văn
Viên cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư
mạnh cho chăn nuôi bò đàn với hàng loạt cơ chế thoáng", phấn đấu đến cuối năm
2006, nâng tổng đàn lên trên 20.000 con. Tỷ lệ bò lai chiếm khoảng hơn
60%...
Với một "bệ đỡ" khá vững chắc cùng tầm nhìn chiến lược của
những nhà hoạch định chăn nuôi, hơn hết là sự cần cù, chịu khó và sáng tạo của
những người nông dân, tin rằng trong tương lai không xa con bò sẽ giúp nông dân
Hiệp Đức làm nên những cuộc "đổi đời" ngoạn mục. Và tôi tin, lời ông Chủ tịch
Đào Bội Thuyên nói, sẽ thành hiện thực.
Nguồn:VCN/NNVN-bannhanong.vietnetnam.net
(22/3/2006)
|