Nông dân nuôi bò sữa:mỗi người mỗi cảnh khóc- cười!.
Nông dân nghèo trở thành… con nợ.
Khát vọng đổi đời từ bò sữa của bao nông dân nghèo sắp
trắng tay. Bây giờ nhắc đến bò sữa, nhiều người nuôi ở Long An tỏ ra ngán
ngẩm.
Chị Võ Thị Thể (ấp 3, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An)
tâm sự: Gia đình hiện còn nuôi 3 con, trong đó đã lai một con bê thịt. Bò nái
cho sữa tôi cũng chẳng thèm vắt mà để nuôi bê thịt này thôi!". Gia đình chị Thể
nuôi bò từ nhiều năm nay, được Nhà nước hỗ trợ một con theo chương trình là 3
triệu đồng. Từ dạo bò sữa giống xuống giá, chị bán đổ bán tháo và ráng cầm cự
nuôi, cho lai bò thịt để gỡ vốn. Nguyên nhân, theo chị Thể, giá một con bò thịt
cái giống 6 tháng tuổi hiện khoảng 8 triệu đồng, còn bò sữa giống cũng chừng ấy
tuổi chỉ có 4 triệu! Nếu bò sữa giống chất lượng vào thời điểm 2003 có giá 23
triệu thì nay còn có 10 triệu. Trong khi hàng ngày phải tốn chi phí mua cỏ, tiền
điện nước tắm bò, cám...cao hơn nên càng khổ sở.
Bài học của anh Đỗ Thành N. (ấp 3, xã Nhị Thành) làm
nhiều người trong vùng lo sợ. Anh N. "máu" nuôi bò sữa nên đầu 2004 đầu tư
chuồng trại chừng 100 triệu, bắt 12 con bò giống và đầu tư 1 ha đất trồng cỏ rất
quy mô. Vài tháng sau giá bò tụt xuống, anh N. hoảng quá bán sạch. Chuồng trại
bây giờ... bỏ hoang!. Ông Nguyễn Văn Của (ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ
Thừa) cho hay: Thời bò sữa được giá tôi nuôi 11 con nhưng giờ còn 5 con. Trong
số này 1 con đang cho sữa để có tiền nuôi lại… 4 con kia!. Lấy hết sữa, tôi loại
thải và cho đi thịt, bắt con khác và quay vòng". Theo ông Của, hiện nhiều hộ
nuôi vay tiền ngân hàng trả lãi; trong đó có cả tổ viên của Tổ chăn nuôi bò sữa
của ấp đã bán bò. Ông đang bàn tính còn nuôi nữa hay không, nếu nuôi thì xin gia
hạn ngân hàng thêm 3 năm để hy vọng... có tiền trả nợ hàng chục triệu đồng. "Thế
chấp ngân hàng hết, chẳng thằng nào còn sổ đỏ đâu?!"- ông Của nói.
Tại tỉnh Tiền Giang, tổng đàn bò sữa trong tỉnh đã phát triển
lên tới gần 800 con. Dù vậy, mục tiêu phát triển hơn nữa đàn bò sữa thì tỉnh này
còn đang phải cân nhắc vì "đầu ra, đầu vào" đang làm người nuôi bế tắc. Nông dân
Nguyễn Văn Kiều và Nguyễn Thanh Hải (ấp Hưng Ngãi, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ
Gạo) nuôi bò sữa với quy mô lớn nhất ở đây, than vãn: "Chúng tôi đã gắn bó với
nghề nuôi bò sữa hơn chục năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy "ngán bò", "ngán sữa"
như hiện nay. ở ấp Hưng Ngãi này có trên 40 hộ nuôi bò sữa, nhưng một nửa số hộ
đã bán sạch bò vì càng nuôi càng như "ôm nợ" trong nhà nên không ai dám đầu tư
nữa. Chị Nguyễn Thị Tiếp- Chủ tịch UBND xã Đăng Hưng Phước cho biết: Quy mô mỗi
hộ nuôi bò sữa từ 8-10 con, một số hộ nuôi nhiều nhất là 20 con, đến nay đều
trong tình trạng "bế tắc" đầu ra. Nhiều hộ dân nay đã bán hết bò, dọn chuồng
trại và chuyển hẳn sang nghề làm vườn, trồng thanh long. Chúng tôi nhiều lần
xuống tận hộ chăn nuôi để động viên bà con ráng nuôi cầm cự giữ lại đàn giống
nhằm tìm hướng khắc phục...
Hiện trạng bò sữa ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang làm điêu
đứng nhiều gia đình nếu không có giải pháp nhanh chóng. Các tỉnh phía Nam chỉ là
một minh chứng sinh động cho tình hình bò sữa. Đi xem nông dân nuôi bò mới thấy
hết những cám cảnh đang diễn ra. Chúng tôi không phủ nhận những trang trại nuôi
có quy mô lớn, đầu tư bài bản đã trở thành điển hình ở một số địa phương. Thế
nhưng ở một số nơi chúng tôi đi qua vẫn có những báo cáo, con số trơn tru được
"phát ra". Có lẽ, những báo cáo này các địa phương nêu chỉ để khỏi "mắc cỡ" với
chương trình, mục tiêu triển khai (?). Bởi vậy mà nông dân nuôi bò ở ĐBSCL đang
truyền miệng: "Muốn giàu nuôi cá, muốn khấm khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi thỏ,
muốn vợ bò nuôi... bò sữa!". Nghe ngồ ngộ nhưng điều đó nông dân đều đúc kết,
rút ra từ thực tiễn...
GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Khang: Xem việc nuôi bò sữa
để "xoá đói giảm nghèo" là sai lầm
Tiền Giang hơn một năm qua không có chủ trương phát triển thêm
đàn bò sữa nữa mà chủ yếu phát triển bò thịt. Do đặc thù của vùng, chúng tôi đã
xác định con bò sữa cũng không thích nghi lắm. Hơn nữa, người nuôi bò sữa phải
có khả năng, kỹ năng, nguồn vốn và kỹ thuật. Quan điểm xem việc nuôi bò sữa "xoá
đói giảm nghèo" là sai lầm. Nếu phát triển đàn bò sữa lên nữa thì sẽ rất khó,
chắc chắn sữa sẽ bị ế nhiều. Chủ trương chung của tỉnh đến 2010 là chỉ phát
triển lên khoảng 1.500-2.000 con bò sữa, tập trung vào các huyện Châu Thành, Chợ
Gạo, Gò Công Tây. Những hộ muốn nuôi bò sữa thì phải được tập huấn kỹ thuật, nếu
muốn mua bò sữa giống thì phải đăng ký với ngành Thú y. Vừa qua, tỉnh cũng đã tổ
chức cho một số hộ dân vay vốn mua bò sữa về nuôi, trước khi ngân hàng giải ngân
thì phải có giấy chứng nhận của ngành nông nghiệp là bò giống đó tốt và đã được
tiêm phòng thì ngân hàng mới cho giải ngân… Còn các huyện khác chỉ khuyến khích
nông dân nuôi bò thịt.
Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An Liêu Trung Ngươn: Khiếm khuyết của dự
án là không cấp số bấm tai để theo dõi bê con
Con bò sữa ở Long An từng mang lại hiệu quả cho nông dân nhưng
gần đây đã nảy sinh những khó khăn. Từ lúc dự án triển khai (2001-2005), phong
trào nuôi bò rầm rộ, xảy ra tình trạng thiếu bò. Nông dân ở tỉnh lên TP.HCM mua
bò với giá cao, trên 20 triệu/con nhưng thực tế chất lượng con bò có khác với
năng suất mà lái đưa ra. Người nuôi nhỏ lẻ chưa am hiểu kĩ thuật nên ảnh hưởng
đến chất lượng, năng suất. Thời điểm sốt bò, người dân có tâm lý nóng vội phải
thế chấp số ngân hàng, vay tiền nhưng mua phải những con có vấn đề về sinh sản.
Địa bàn chăn nuôi còn nhỏ lẻ, dẫn tinh viên có nhưng rải rác. Lúc bò động dục,
nông dân cần dẫn tinh viên đến thụ tinh nhân tạo, anh em không đến kịp phải đợi
đến 24 ngày sau. Có lúc nông dân cũng chán ngán. Lúc triển khai chương trình ở
trung ương cũng hỗ trợ thiết bị, giống, tinh nhằm kích thích phát triển đàn
nhưng khiếm khuyết của dự án là không cấp số tai để theo dõi bê con.(Báo Nông
nghiệp số 51 ra ngày 13/3/2006).
Chuyện bán sữa và con giống.
Phong trào nuôi bò sữa từng mang lại lợi ích cho nhà bán
giống bao nhiêu thì nay nông dân đang rơi vào cảnh khốn đốn bấy nhiêu.
Anh Lê Quang Liêm (ấp 4, Cầu Bông, xã Nhị Thành, Long An) nói:
"Cuối năm 2003 tôi vay được 22 triệu nuôi 2 con bò sữa, Nhà nước hỗ trợ được 3
triệu nhưng nuôi thấy không lời nên đã bán. Hiện tôi vẫn còn nợ". Anh Liêm nói
mình liên tục bị ép giá sữa, thậm chí đại diện thu mua sữa của Vinamilk (nằm ở
chân Cầu Voi, huyện Thủ Thừa) còn "quên" trả tiền! "Mỗi ngày tôi giao chừng 15
lít nhưng đến cuối tuần người ta nói sữa không đạt rồi không trả tiền. Tôi bị ít
nhất 2 lần. Người ta muốn đánh giá chất lượng kiểu nào cũng được. Cả tuần người
ta mới báo là sữa không đạt nhưng sao không trả sữa lại?" - anh Liêm bức xúc.
Ông Huỳnh Văn Hai (Tổ trưởng Tổ chăn nuôi bò sữa số 2 - xã Bình Thạnh, huyện Thủ
Thừa) cho biết: "Hiện việc bán sữa tươi nông dân đều phải qua trung gian vì sợ
bị "bẻ cổ". Cho nên giá bọ bán ra bình quân chỉ 3.650 đ/kg, còn người trung gian
hưởng từ 200 - 300 đ/kg. Thức ăn tăng lên nhưng giá sữa không tăng. Nếu không có
đồng cỏ, người chăn nuôi phải mua 200 đ/kg cỏ thì cũng đủ chết!".
Giá sữa ở Tiền Giang cũng tương tự, từ 3.200 - 3.900 đ/kg. Theo
ông Nguyễn Văn Khang - GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang, vấn đề tiêu thụ sữa hiện đang
gặp phải bế tắc. Người dân nếu không rành kỹ thuật thì chăn nuôi sẽ thất bại. Để
hỗ trợ đầu ra cho nông dân, tỉnh từng đặt trạm thu mua và chế biến sữa ở ngay
cửa ngõ thành phố. Tuy nhiên chẳng có người dân nào chịu đến đây bán mà họ
thường đưa thẳng sữa bò lên điểm thu mua sữa của Vinamilk đặt tại Long An. Do
vậy đến nay điểm này đành phải dẹp bỏ. Về việc này, ông Trần Thanh Tuấn - Phó
phòng Chăn nuôi (Sở NN- PTNT Long An) giải thích: "Giá bò xuống thấp, chi phí
đầu vào tăng mà đầu ra - giá sữa chỉ 3.900 đ/kg, trong khi tại huyện Đức Hòa
cũng công ty đó mua với giá 4.100 đ/kg. Tại các địa điểm thu mua, do công ty
khống chế về số lượng sữa mua trong ngày ở từng bồn sữa nên người nuôi vắt sữa
mang đến, lỡ bồn vượt mức cho phép thì người dân gánh chịu".
Tại Tiền Giang, tìm hiểu nguồn gốc mua bò sữa của nông dân mới
biết nhiều hộ cũng tự tìm mua qua thương lái ở TP.HCM nên cũng không biết được
lý lịch nguồn gốc bò bố mẹ. Điển hình như trại nuôi bò sữa của hộ anh Ngô Bằng
Phi (ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức, huyện Châu Thành) có tổng cộng 55 con bò sữa. Tuy
nhiên, anh Phi cho biết, phân nửa số bò đang nuôi trong trại nhà anh đều mua qua
thương lái và không biết được nguồn gốc lý lịch bò bố mẹ. Hiện nay có 15 con
đang cho sữa, nhưng sản lượng sữa thấp và không đều. Nhiều nông dân xin giấu tên
cũng tâm sự, vấn đề quản lý giống ở các địa phương gần như bỏ ngỏ. Mua bán bò
qua lái nên lý lịch, gia phả con bò chẳng biết đâu mà nắm, trong khi người nuôi
lại nôn nóng có thêm thu nhập từ con bò sữa. Vì vậy, chuyện mua bò giống trở
thành chuyện "hên xui", và xảy ra trường hợp bò bị bệnh sinh sản. Có con gieo
giống hoài không đậu nên đành bán thịt!
Chất lượng đàn bò cũng cần kể đến lực lượng dẫn tinh viên hiện
nay. Chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng khi tiếp xúc, họ nói: "Nông dân tin mình,
gọi đến gieo tinh cho bò sữa của họ. Ngược lại mình cũng có lòng tin với các
công ty cung cấp tinh bò chứ chẳng rõ gốc tinh bò ra sao?!". Những điều mà các
dẫn tinh viên phần nào đã nói lên sự thật. "Hết tinh, tui mang bình ni tơ chạy
lên TP.HCM mua mang về rồi nông dân nào gọi đến gieo thì gieo" - một dẫn tinh
viên ở Bình Dương tâm sự. Tồn tại khác cũng xảy ra ở một số địa phương là công
tác thú y chậm, thức ăn thả trôi nổi phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa…
Cảnh tượng này dễ nhận thấy khi nhiều nông dân ở huyện Dầu Tiếng, Bến Cát (Bình
Dương) từng nuôi gia công bò sữa cho công ty Dutch Lady đến nay đang rơi vào
cảnh lận đận, sổ đỏ đã nằm hết ở ngân hàng. Bò "nằm" (nằm bệnh), bò "đứng" (còn
khỏe nhưng gieo tinh không đậu) đang ám ảnh nông dân nhưng "bỏ thì thương, vương
thì tội...". Nông dân nghèo nuôi bò sữa chỉ còn biết than thân, trách phận. Có
lẽ trong chuyện này, lỗi của nông dân có một phần là đã ham làm giàu. Nhưng còn
việc định hướng, quản lý giống từng địa phương lâu nay được giám sát như thế
nào? Dư luận trong ngành cũng đặt vấn đề các dự án được minh bạch ra sao khi
người ta thấy "cò giống" xuất hiện công khai ở một số hội thảo, hội nghị về bò
sữa.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Hoàng Kim Giao: Chưa thống kê
được bao nhiêu hộ vắt sữa bằng máy
Trong năm 2005, theo tính toán tổng đàn bò sữa ở nước ta có
104.000 con. Hiện có bao nhiêu hộ vắt sữa bằng máy thì chưa thể thống kê được
nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ thì vắt sữa bằng tay là chủ yếu. Về vấn đề nhập tinh,
quản lý tinh bò cả nước có 5 đơn vị. Các chương trình, dự án thì nhập theo dự
án. Thời hạn, quy định năm quản lý tinh thì chưa có quy định cụ thể nào.(Báo
Nông nghiệp số 52 ra ngày 14/3/2006).
Nguồn:VCN/NNVN-bannhanong.vietnetnam.net (22/3/2006) |