Khắc phục tình trạng thiếu cá ba sa, cá tra nguyên lệu.
Vấn đề quan tâm của ngư dân nuôi cá và doanh nghiệp chế
biến xuất khẩu là giá cá nguyên liệu có còn tăng? Điều này đang phụ thuộc vào
việc đàm phán của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với đối tác khách
hàng nhập khẩu.
Doanh nghiệp thương thảo hộ nuôi cá tăng giá.
Trước tình trạng thiếu nguyên liệu cá tra, ba sa
phục vụ chế biến xuất khẩu tiếp tục trở nên gay gắt, các doanh nghiệp ở An Giang
có hướng đàm phán lại với đối tác nước ngoài để tăng giá xuất khẩu, đồng thời
nâng giá thu mua nguyên liệu cho nông dân.
Với việc áp dụng giá mua mới, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu
Thủy sản An Giang đã có đủ nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Theo kết quả điều tra thủy sản của liên ngành Sở NN&PTNT An
Giang và Cục Thống kê An Giang, với qui mô nuôi cá tra, ba sa hiện tại của An
Giang, sản lượng thu hoạch trong quí II-2006 khoảng 37.221 tấn, giảm 23.264 tấn
so với quí II-2005. Với sản lượng này, các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản
trong tỉnh hoạt động bình thường, mỗi tháng thiếu 3.000 tấn cá nguyên liệu. Các
chuyên gia nhận định giá cá tra, ba sa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chế biến xuất
khẩu có thể tăng lên 14.000 đồng/kg, nguy cơ khan hiếm cá nguyên liệu sẽ trở nên
gay gắt hơn trong những tháng tới. Trong khi nhiều ngư dân nuôi cá đang “ghim”
bè, ao hầm chờ tăng giá.
Ông Phan Văn Danh, Phó Chủ tịch Hiệp hội AFA, giải thích tình
trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cá tra, ba sa chế biến xuất khẩu hiện nay do
ngư dân nuôi cá thua lỗ từ quí IV-2004 và kéo dài hết cả năm 2005. Đã có lúc cá
tra, ba sa nguyên liệu rớt giá thảm hại dưới 7.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi cá
thua lỗ phá sản, bán bè, bỏ ao không nuôi hoặc chỉ dám nuôi cầm chừng, hay
chuyển sang nuôi các loại cá khác. Tuy nhiên, ở thời điểm này, giá cá loại I
đang dao động ở mức 13.000 – 14.000 đồng/kg là điều kiện tốt cho ngư dân nuôi
cá. Ông khuyến cáo ngư dân không nên “ghim” bè, ao hầm chờ tăng giá, bởi làm như
thế sẽ không có lợi cho đôi bên, khi giá cá tuột giảm, người chịu thiệt trước
tiên là ngư dân. Còn nhà máy ngưng hoạt động sẽ gây khó khăn khâu giải quyết lao
động việc làm cho công nhân. Hiện tại, chỉ một số doanh nghiệp ký hợp đồng đến
hạn giao hàng đang mua cá với giá cao để chế biến, các nhà máy còn lại đang hoạt
động cầm chừng 30 -40% công suất.
Doanh nghiêp và người nuôi phải đều có
lợi.
Vấn đề quan tâm của ngư dân nuôi cá và doanh nghiệp chế biến
xuất khẩu là giá cá nguyên liệu có còn tăng? Điều này đang phụ thuộc vào việc
đàm phán của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với đối tác khách hàng
nhập khẩu. Tuy nhiên, trước tình hình dịch cúm gia cầm thế giới đã lan rộng qua
4 Châu lục, nhiều nước nhập khẩu ở thị trường châu Âu và Bắc Mỹ đã tạm ngưng “ăn
thịt gà” và tăng hợp đồng nhập khẩu cá đang có lợi cho Việt Nam, nhưng với điều
kiện chất lượng cá nuôi phải đạt theo tiêu chuẩn nhập khẩu. Ông Danh cảnh báo
với ngư dân, nếu thả nuôi ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả khủng hoảng thừa cá nguyên
liệu vào cuối năm và giá cả sẽ rớt thảm hại. Chú Ba Phước, Chi hội trưởng Chi
hội nuôi cá Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, cho biết sản lượng cá
tra nuôi của 34 hội viên sắp thu hoạch khoảng 500 – 600 tấn, còn cả năm 2006 (2
vụ nuôi) ước đạt 3.500 tấn. Hiện thời cá tra nuôi hầm đạt loại II bán giá 12.800
đồng/kg, nông dân có lãi từ 1.800 – 2.000 đồng/kg. Chú Ba Phước khuyến cáo các
hội viên, cá đúng size thì thu hoạch bán để thả nuôi mới, không nên cầm lại, vừa
hao tốn thức ăn, cá lớn dễ phát sinh dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh 7- Công
ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGIFISH CO) cho biết, công ty vừa
đàm phán với đối tác theo khung giá mới xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ
3-3,2 USD/kg. Đây là giá ở ngưỡng cao nhất, rất lý tưởng và hài hòa cho cả doanh
nghiệp chế biến xuất khẩu và ngư dân nuôi cá. Công ty đang mua cá tra, ba sa
nguyên liệu loại thịt trắng giá 13.500 đồng/kg, mỗi ngày 150 tấn cá nguyên liệu
đủ cho hai nhà máy (Xí nghiệp đông lạnh 7 và 8) hoạt động 100% công suất. Ngoài
đơn đặt hàng xuất khẩu và hợp đồng mua cá với ngư dân, AGIFISH CO còn có liên
hợp sản xuất cá sạch với 40 thành viên là hộ nuôi cá, sản lượng đủ cung ứng cho
nhà máy hoạt động hết công suất trong hai tháng tới.
Theo bà Hoàng Yến, thị trường xuất khẩu ngày càng rộng và sản
lượng cá tra, ba sa phi lê xuất khẩu tăng mỗi năm 20%, đặc biệt là thị trường
các nước châu Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Ba Lan, Đức...) và châu Úc, Canada... nếu
bà con ngư dân tổ chức lại nuôi cá đạt chất lượng thì sản lượng cá tra, ba sa
nuôi Việt Nam như hiện nay không đủ bán.
Nguồn:CTOL-bannhanong.vietnetnam.net (20/3/2006) |