Tp HCM đề nghị ngưng nuôi gia cầm đến 2007?
Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm Tp.HCM vừa
kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép Tp.HCM được duy trì
biện pháp ngưng nuôi gia cầm trên địa bàn đến thời điểm ngày 28/2/2007.Hiện
thành phố HCM chỉ có 6 hộ đảm bảo các điều kiện chăn nuôi, với tổng đàn là
120.000 con.
Tại Hội thảo "Bàn các giải pháp tiếp theo để thực
hiện tốt công tác phòng chống cúm gia cầm" vào ngày 8/3/2006, Chi cục thú y
Tp.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp.HCM và các ban ngành liên quan
đưa ra nhiều lý do giải thích việc tạm ngưng nuôi gia cầm trên địa bàn Tp.HCM
trong năm nay.
Thứ nhất, tuy tình hình dịch cúm đã ổn định nhưng nguy cơ tái
phát vẫn còn cao. Do thời gian qua giá gia cầm cao, một số hộ ở các tỉnh đã khôi
phục chăn nuôi trong điều kiện không đảm bảo và không khai báo với cơ quan thú y
để tiêm phòng và giám sát dịch bệnh. Việc tiêm phòng vaccine cúm gia cầm không
được thực hiện chặt chẽ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, trên 96 đàn gia cầm đã được tiêm
phòng từ các tỉnh nhập về thành phố giết mổ từ tháng 11/2005 đến tháng 2/2006,
có đến 72 đàn không đủ kháng thể bảo hộ. Trong đó có 16 đàn đã tiêm phòng 2 lần
và 41 đàn đã tiêm phòng 1 lần hoàn toàn không có kháng thể bảo hộ.
Hơn nữa, dịch bệnh trên đàn chim hoang dã tuy chưa phát hiện
trường hợp dương tính, nhưng nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao, nhất là trên
các đàn chim sống trên môi trường nước như cò, lele...
Thứ hai, việc khôi phục chăn nuôi gia cầm với phương thức
chuồng hở hoặc theo kiểu nhỏ lẻ truyền thống rất khó cho việc giám sát dịch bệnh
và không thể thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Còn trường hợp đủ điều
kiện chăn nuôi như: cách xa dân cư, an toàn sinh học, chuồng kín... cũng cần xem
xét lại.
Hiện thành phố có 6 hộ đảm bảo các điều kiện chăn nuôi, với
tổng đàn là 120.000 con, ước tính vòng quay chăn nuôi trong năm nay là 4 vòng,
cho lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là quá thấp so với kinh phí
phòng chống nếu có dịch bệnh xảy ra.
Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Tp.HCM nhấn mạnh: "Nếu cho phép người dân chăn nuôi lại gia cầm trên
địa bàn trong năm nay chẳng khác nào chấp nhận cho người dân gánh chịu rủi ro
lần nữa khi dịch bệnh xảy ra".
Tp.HCM là nơi có mật độ dân cư cao, rất nhạy cảm với vấn đề an
toàn dịch bệnh; cùng với các tỉnh lân cận là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,
nếu xảy ra dịch bệnh rất bất ổn về kinh tế-xã hội. Vì vậy, trước đây, UBND Tp.
HCM cũng đã có văn bản quy định về hỗ trợ, khuyến khích các hộ, cơ sở chăn nuôi,
giết mổ, kinh doanh gia cầm di dời và chuyển đổi ngành nghề.
Trong đó, tập trung giải quyết hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi di
dời sang các tỉnh, đào tạo ngành nghề cho các hộ chăn nuôi không có điều kiện
duy trì chăn nuôi và giới thiệu các mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.
Tp.HCM cũng đã làm việc với các tỉnh lân cận về việc phối hợp
xây dựng vùng cung cấp sản phẩm gia cầm cho thị trường, nhằm từng bước chấm dứt
hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố. "Còn việc khôi phục chăn nuôi trên
địa bàn Tp.HCM cần được thực hiện một cách thận trọng", ông Nguyễn Phước Thảo,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Tp.HCM nói.
Về lâu dài, các nhà khoa học công tác tại các viện trường trong
Tp.HCM cho rằng khi thành phố cho phép chăn nuôi lại cần xây dựng mô hình khép
kín từ sản xuất đến kinh doanh gia cầm.
Cụ thể, cần khoanh vùng nuôi cụ thể và nên cách ly môi trường
thú hoang dã để tránh nguy cơ lây nhiễm. Biện pháp chuồng kín và tiêm ngừa
vaccine trong chăn nuôi là bắt buộc cần thiết.
Về đầu ra, để an toàn cho người tiêu dùng, cần trang bị dây
chuyền giết mổ. Các cơ sở giết mổ phải có hợp đồng với chủ nuôi và có sự xác
nhận với cơ quan thú y là gia cầm của hộ nuôi không dịch bệnh. Đồng thời, nhiều
ý kiến cho rằng Tp.HCM nên tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận xây dựng vùng
chăn nuôi an toàn và di dời các cơ sở giết mổ ở Tp.HCM về các tỉnh.
Nguồn:VNECONOMY-bannhanong.vietnetnam.net
(10/03/2006)
|