Đồng bằng sông Cửu Long: tôm chết...nợ chất chồng!
Những ngày này, nông dân ĐBSCL tất bật bước vào vụ tôm
mới 2006. Thế nhưng tại Cà Mau, Sóc Trăng… đã xuất hiện tình trạng tôm chết đầu
vụ, cộng thêm giá con giống tăng cao, người nuôi thiếu vốn vì ngân hàng không
chịu “giải ngân” bởi nợ cũ chưa trả… Khó khăn đang đè nặng lên hàng trăm ngàn hộ
nuôi tôm.
Điêu đứng... vì tôm!
Tại vùng chuyên tôm ở Phú Hưng, Tân Hưng, Lương Thế
Trân (Cái Nước, Cà Mau), nắng trưa trút xuống gay gắt. Lão nông Chín Ty, đầu
trần chân đất, tay cầm thùng đi dỡ lú tôm. Đi một vòng xung quanh hầm tôm rộng
1,5 ha, chỉ bắt được vài con tôm bằng ngón chân cái. Lão Ty lắc đầu: “Mấy ngày
nay, nắng dữ quá làm cho lượng nước dưới hầm bốc hơi và nóng lên nhiều, độ mặn
tăng cao… các yếu tố này đều gây bất lợi cho tôm. Hầm nào thiếu ao lắng, xa kênh
thủy lợi, không chủ động được nguồn nước thì coi như… bỏ mạng!”. Xã Phú Hưng có
3.159 ha tôm, đa số bà con thả giống cách nay 1 tháng.
Theo cán bộ chuyên môn của xã cho biết, mấy ngày nay thời tiết
thất thường, thủy triều lên xuống khác hơn mọi năm, đưa độ mặn lên cao khiến
nhiều hầm tôm bị bệnh và tình trạng tôm chết xảy ra nhiều nơi. Sở Thủy sản Cà
Mau cho biết, tôm chết đầu vụ đang xuất hiện ở các huyện Cái Nước, Phú Tân, Đầm
Dơi, Năm Căn… nguyên nhân do tôm bị sốc bởi nhiệt độ quá cao, mặn lên đột ngột
làm tôm không chịu nỗi. Biện pháp cấp bách là khống chế bệnh không để lây lan,
tăng cường nạo vét thủy lợi đảm bảo nguồn nước, theo dõi chặt thời tiết để ứng
phó kịp thời, giảm thiệt hại.
Tại xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) người dân cũng lo lắng
vì chuyện tôm chết đầu vụ. Theo thống kê ban đầu của UBND xã Gia Hòa 2, có ít
nhất 6 hộ nuôi tôm thuộc 2 ấp Tân Hòa và An Hòa bị thiệt hại do thả sớm. Phó Chủ
tịch xã Trần Ngọc Diệp cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo từ cuối tháng 2 đến tháng
4 mới được xuống giống, nhưng thấy tôm có giá nên bà con lén lút nuôi, mới xảy
ra tôm chết”.
Ngoài việc khoanh vùng xử lý mầm bệnh thì Gia Hòa 2 vận động
người dân thả đúng tiến độ. Cái khó hiện nay là con giống tăng vùn vụt, bởi
nhiều nơi đang vào vụ tôm cao điểm. Hiện tại, giống loại 1,6 – 1,8 phân/con từ
35 đồng/con tăng lên 55 - 60 đồng/con và dự báo còn tăng trong những ngày tới.
“Sốt con giống sẽ dẫn đến tình trạng kém chất lượng tràn lan và lúc đó người
nuôi sẽ lãnh đủ” - ông Diệp lo lắng.
Khó khăn đè nặng lên vai!
Theo ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Thủy sản Bạc Liêu, hàng
năm, tôm từ 1 tháng tuổi trở lên rất dễ chết nếu gặp thời tiết bất lợi. Có năm
thiệt hại 10% – 50% diện tích. Để khắc phục rủi ro, năm nay Bạc Liêu khuyến cáo
bà con nuôi thưa nhằm hạn chế ô nhiễm, đồng thời nâng được kích cỡ tôm đều hơn.
Không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng, có thể
nuôi rải vụ để có lượng tôm dài ngày, bán được giá. Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện
nay là hệ thống thủy lợi bất cập, phần lớn thủy lợi cho con tôm ở ĐBSCL là từ
cây lúa chuyển sang nên không đảm bảo nguồn nước. Nhiều nơi sử dụng cùng một con
kênh cho việc lấy nước vào và tháo nước ra nên chỉ cần 1 vuông tôm bị bệnh là
lây lan toàn khu vực.
Để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm, mỗi năm Bạc
Liêu cần trên 50 tỷ đồng, nhưng huy động tối đa chỉ được 20 tỷ đồng. Cà Mau còn
thê thảm hơn: cần 4.000 tỷ đồng để xây dựng 18 tiểu vùng thủy lợi, nhưng ngân
sách chỉ đầu tư vài tỷ mỗi năm. Các địa phương khác cũng tương tự. Thủy lợi yếu
kém dẫn đến môi trường ngày càng ô nhiễm nặng, nhiều hộ đang “dỡ khóc – dỡ cười”
vì nuôi tôm chẳng được, trồng lúa cũng không xong.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Tân, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cảnh báo:
Việc khai thác nuôi tôm tràn lan sẽ làm đất nhiễm mặn trầm trọng, sau này con
tôm không nuôi được, lúa cũng chết… hậu quả khó lường. Thực tế đã cho thấy, dọc
các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, ruộng tôm “bỏ hoang” ngày càng nhiều lên.
Có nơi giá đất từ 2 đến 3 cây vàng/công, nay rao bán 1 triệu đồng/công hổng ai
thèm ngó!
Thêm khó khăn khác là hiện nay nhiều ngân hàng “ngại” giải
ngân, bởi nợ cũ chưa trả. Riêng ở xã Gia Hòa 2, dư nợ từ con tôm lên đến 20 tỷ đồng,
trong đó có trên 1.000 hộ nợ quá hạn. Ở xã Phú Hưng (Cái Nước – Cà Mau), khoảng
3.000 hộ vay nợ ngân hàng, hộ ít vài triệu - nhiều hàng chục triệu đồng chưa trả
được. Tại Bạc Liêu, các ngân hàng cho vay nuôi thủy sản đến 1.111 tỷ đồng; còn
Ngân hàng NN-PTNT Cà Mau dư nợ khoảng 1.291 tỷ đồng từ con tôm “đang chết đứng”!
Bạc Liêu và Sóc Trăng đã từng kiện ra tòa hàng trăm vụ “nợ tôm” quá hạn, nhưng
thu hồi chẳng được bao nhiêu.
Hôm chúng tôi về ấp Hòa Phước (Hòa Tú 1, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng),
nơi từng nổi danh là “Làng triệu phú” nhờ tôm, nay điêu đứng vì “nợ tôm” chất
chồng. Ở xã Hòa Tú 1, hiện số hộ nghèo chiếm đến 30,34%!
Chúng ta có thể tự hào khi xuất khẩu thủy sản năm qua đạt
khoảng 2,65 tỷ USD và phấn đấu lên 2,8 tỷ USD trong năm 2006. Tuy nhiên nhìn lại
đời sống người dân lại thấy lo khi nghề nuôi tôm vẫn còn tính tự phát, thiếu quy
hoạch, đầu tư và thiếu yếu tố bền vững. Vùng nuôi tôm ở ĐBSCL đang cần giải pháp
đồng bộ cứu lấy con tôm!
Nguồn:SGGP-bannhanong.vietnetnam.net ( 6/3/ 2006)
|