Năm 2006:Hoàn thiện mạng lưới thú y cơ sở!
Nâng cao trình độ, năng lực cán bộ và kiện toàn hệ
thống đang là vấn đề cấp thiết của ngành Thú y nhằm đảm bảo phòng chống dịch
bệnh và hội nhập kinh tế quốc tế.
NNVN đã trao đổi chủ đề trên với Cục trưởng Cục Thú y
Bùi Quang Anh nhân Hội nghị Thú y toàn quốc được tổ chức hôm 3/3/2006.
Trước mắt, việc phòng chống dịch bệnh năm 2006 được thực
hiện ra sao, thưa ông?
-Cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc phòng chống dịch cúm gia
cầm, đặc biệt khâu tổ chức tiêm phòng phải đồng bộ, mạnh mẽ như đã làm trong năm
2005. Bộ NN- PTNT đã xây dựng đề án quốc gia về tăng cường năng lực quản lý Nhà
nước về thú y giai đoạn 2006- 2010, từ Trung ương tới cơ sở. Trong đó, hoàn
thiện hệ thống văn bản pháp quy và các quy định, tiêu chuẩn, quy trình trong
chuyên môn để thống nhất trong chỉ đạo, chẩn đoán. Tăng cường hệ thống tổ chức
ngành thú y. Đặc biệt nhấn mạnh phải có thú y phường, xã và thú y thôn bản,
trong đó thú y phường, xã được hưởng phụ cấp từ ngân sách địa phương. Khuyến
khích hình thành hệ thống thú y dân lập ở những vùng chăn nuôi phát triển...
Vậy bao giờ mạng lưới thú y cơ sở mới được hoàn thiện để có
thể kiểm soát dịch bệnh từ gốc?
-Đến nay đã có 44 tỉnh, thành có mạng lưới thú y xã, phường.
Trong đó, 30 tỉnh đã có phụ cấp cho cán bộ. Các địa phương đã bước đầu quan tâm
đến thú y cơ sở nhưng nhiều nơi cũng đang chờ đợi một văn bản chính thức từ các
Bộ, ngành liên quan. Đợt phòng chống dịch vừa qua cho thấy vai trò của thú y
phường, xã rất rõ rệt. Cách đây 40 năm hệ thống này đã được quan tâm xây dựng,
nhưng quá trình chuyển đổi do không có chế độ nên lực lượng này bị mai một dần.
Chúng tôi hy vọng trong năm 2006, hoàn thiện được hệ thống thú y phường, xã,
thôn, bản. Nguồn tài chính để chi trả thú y cơ sở chắc chắn nhỏ hơn rất nhiều so
với số thiệt hại khi dịch bệnh xảy đến.
Vậy khả năng đáp ứng của đội ngũ cán bộ, trình độ và năng
lực ra sao, thưa ông?
-Lực lượng cán bộ đã có. Thống kê sơ bộ thì hiện nay có 23.000
cán bộ thú y cơ sở và 25.000 cán bộ thú y tự do. Trong số 23.000 cán bộ thú y cở
sở thì 4,6% tốt nghiệp Đại học, 38% qua Trung cấp còn lại là đạo tạo khác. Điều
này chứng tỏ đội ngũ cán bộ có thể đáp ứng được nếu ta liên tục đào tạo bổ sung.
Trong vài năm qua ngành thú y đã có bước tiến lớn. Nhiều chi cục đã có năng lực.
Tuy nhiên, vẫn có vấn đề về kỹ thuật, lực lượng cán bộ ở nhiều nơi. Hiện nay một
số tổ chức quốc tế có thể trang bị máy móc nhưng một số chi cục không có người
để làm...
Một vấn đề rất lớn nữa là trở ngại của các doanh nghiệp khi
xuất khẩu hàng nông sản do không đạt tiêu chuẩn về kiểm soát, kiểm dịch động
thực vật. Ngành Thú y đã có biện pháp gì để đáp ứng yêu cầu này?
-Vừa qua, một số đối tác của Việt Nam khi đàm phán gia nhập WTO
như Mỹ, Canada cho rằng ngành Thú y Việt Nam chưa có những quy định cụ thể,
những tiêu chuẩn hoá mà vẫn còn làm tuỳ tiện. Hiện, chúng tôi đã có một bộ phận
để trả lời các câu hỏi về SPS của WTO. Các tiêu chuẩn cũng đang được xây dựng.
Song song với việc xây dựng các tiêu chuẩn, là công khai, tổ chức hướng dẫn,
kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện. Lộ trình đang chậm do đa số sản xuất trong
nước là nhỏ lẻ. Đối với doanh nghiệp, việc xuất khẩu động vật và sản phẩm động
vật gặp khó khăn do chất lượng sản phẩm và tình hình dịch bệnh. Do đó, phải có
biện pháp tổng thể. Ví như muốn xuất khẩu thịt lợn phải có vùng an toàn về dịch
bệnh, nhà máy chế biến đạt GMP, HACCP và các tiêu chuẩn sử dụng vacxin, thuốc
thú y, thức ăn. Cần sự đồng bộ từ chăn nuôi, thú y và sản xuất nhưng chúng ta
chưa làm được. Chúng ta có ý tưởng xuất khẩu thịt lợn sang Singapore 5 năm nay,
hoặc mật ong đưa sang EU phải có lượng kháng sinh rất thấp nhưng vẫn chưa đạt
được yêu cầu phía bạn...
Hiện hệ thống tiêu chuẩn của ngành Thú y so với quốc tế đã
cập nhật được chưa, sự phối hợp với các quốc gia khác ra sao?
-Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thú y thế giới nhưng vấn đề
hoàn thiện để những tiêu chuẩn được phê duyệt còn yếu. Chúng ta sẽ cố gắng hoàn
thiện trong thời gian sớm nhất.
Nguồn:NNVN/KNQG-bannhanong.vietnetnam.net
(03/03/2006)
|