Thái Bình: xã
Là xã mới thành lập từ vùng đất bãi bồi ven biển, song
Nam Phú (huyện Tiền Hải) là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất
tỉnh Thái Bình: trên 14%/năm và hàng năm nộp ngân sách hơn 5 tỷ đồng. Xã hiện có
gần 100 chủ đầm nuôi trồng thủy hải sản có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở
lên. Người dân trong tỉnh vẫn gọi Nam Phú là xã... "tỷ
phú".
Ấn tượng đầu tiên khi khách tới xã Nam Phú là sự
giàu có, trên 90% số hộ trong xã có nhà xây mái bằng kiên cố, nhiều nhà cao tầng
mọc lên san sát; trường học, trạm y tế... khang trang sạch đẹp; đường làng được
bêtông hoá len lỏi tới từng hộ gia đình. Nam Phú như một "phố biển" đang chuyển
mình. Ông Đăng Văn Khương - Bí thư Đảng ủy xã - khẳng định: “có được bộ mặt nông
thôn như ngày nay là nhờ xã phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản... Chỉ riêng
nghề này, hàng năm đã mang lại cho xã doanh thu từ 30 đến 40 tỷ đồng”.
Nam Phú có trên 1.000 hộ, với gần 5.000 khẩu; tổng diện tích
đất sản xuất nông- ngư nghiệp gần 1.200 ha; trong đó diện tích vùng đầm ven biển
gần 900 ha. Trước đây, diện tích vùng đầm ven biển chủ yếu chỉ được khai thác tự
nhiên nên hiệu quả kinh tế không cao. Còn trên 90% diện tích đất nông nghiệp bị
nhiễm chua mặn, rất khó khăn trong sản xuất... Vì vậy, đời sống của nhân dân
trong xã gặp muôn vàn khó khăn.
Trước thực trạng trên, xã đã xác định: Chỉ có thể chuyển đổi và
quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thì mới đẩy nhanh tốc độ phát
triển kinh tế. Đầu năm 2002, được sự đồng ý của tỉnh và huyện, xã đã quy hoạch
diện tích vùng đầm ven biển cho 120 hộ đấu thầu để nuôi trồng thủy hải sản; đồng
thời, chuyển 60 ha diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm, cua... Sau
một năm, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, bình quân 1 ha chuyển đổi mang lại
thu nhập hơn 100 triệu đồng, gấp 10 lần so với trước.
Gia đình anh Phạm Huy Thục (thôn Bình Thành) có 50 ha đầm nuôi
ngao, mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng. Anh Thục cho biết, việc nuôi ngao khá đơn
giản, bà con chỉ việc khoanh vùng đầm bãi, thả ngao giống xuống, canh coi sau
hơn một năm rồi thu hoạch. Ngao sống được từ lượng phù du có sẵn trong nước biển
mỗi khi thuỷ triều lên, không cần phải bổ sung thêm thức ăn. Anh Phan Văn Khôi
(thôn Thủy Nạt) có 6 sào đầm chuyển đổi từ diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả,
đang tất bật chăm sóc vùng đầm của mình. Anh Khôi cho biết: “trừ mọi chi phí,
mỗi năm gia đình tôi cũng thu lãi hơn 30 triệu đồng từ vùng đầm này"...
Dẫn khách ra thăm vùng đầm nuôi trồng thủy hải sản của xã, ông
Chủ tịch Vũ Xuân Thủy tâm sự: “Cũng như nhiều xã ven biển mới thành lập khác,
trước đây Nam Phú là một trong những xã nghèo nhất của huyện Tiền Hải. Thế rồi 5
năm trở lại đây, mọi sự đã đổi thay kể từ khi xã phát triển nuôi trồng thủy hải
sản, khai thác mọi tiềm năng kinh tế biển”. Năm 2002, xã còn tới hơn 15% hộ
nghèo, đến nay con số này giảm xuống chỉ còn dưới 5%. Đặc biệt, số hộ khá và
giàu tăng lên nhanh chóng, chiếm trên 70% tổng số hộ trong xã; thu nhập bình
quân đầu người đạt gần 8 triệu đồng/năm. Nhiều hộ đã trở thành tỷ phú từ phát
triển nuôi trồng thủy hải sản, như gia đình anh Phạm Văn Cường (thôn Bình Thành)
có 100 ha đầm, doanh thu mỗi năm trên 8 tỷ đồng; gia đình chị Phạm Thị Huê có
gần 40 ha đầm, doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng… Cũng theo ông Thủy cho biết: để
thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, xã đang tiến hành quy hoạch chợ đầu mối
tiêu thụ thủy sản, bến xe, trại sản xuất giống…
Nguồn:TTXVN-bannhanong.vietnetnam.net (3/3/2006)
|