Năm 2005:Thiệt hại mức độ thấp do cúm gia cầm.
Thông báo từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tại Hội nghị triển
khai công tác thú y hôm (2/3) cho thấy, tổng thiệt hại do dịch cúm gia cầm
gây ra trong năm 2005 khoảng 100 tỷ đồng. So với những đợt dịch trước
(2004-2005), con số này giảm tới 30 lần.Trong lúc đó, kinh phí chi cho công tác
tiêm phòng vắc-xin vào khoảng 360 tỷ đồng(cả ngân sách TW và địa
phương).
Thiệt hại giảm tới 30 lần.
Theo báo cáo tổng kết của Cục Thú y, đến cuối năm
2005 thiệt hại do phải tiêu hủy đàn gia cầm trong ổ dịch khoảng hơn 100 tỷ đồng,
kể cả công tiêu hủy. Một số vùng tuy không có dịch nhưng việc duy trì đàn gia
cầm khó khăn, đặc biệt với những cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn do không
tiêu thụ được gia cầm đã tự nguyện tiêu huỷ đàn gia cầm.
So với dịch cúm đầu năm 2004 (đã làm giảm 0,5% tăng trưởng GDP
quốc gia, tương đương trên 3.000 tỷ đồng), mức thiệt hại đã giảm đáng kể, tới 30
lần.
Trong năm 2005, tổng số gà, vịt, ngan mắc bệnh chết tiêu hủy là
hơn 4,7 triệu con (trong đó có 2,38 triệu con tiêu hủy trong ổ dịch, 2,4 triệu
con tiêu hủy tự nguyện hoặc thủy cầm phải tiêu hủy bắt buộc do ấp nở trái phép).
Tỷ lệ này chỉ chiếm 2,17 tổng đàn. Ngoài ra còn hơn 1 triệu con chim cút và các
loại chim khác bị chết và tiêu hủy. Như vậy, số gia cầm tiêu hủy năm 2005 chỉ
bằng 1/10 so với 3 đợt dịch trước (với khoảng 46,6 triệu con).
Phó Cục trưởng Cục Thú y, ông Hoàng Văn Năm, còn vui mừng thông
báo, từ 15/12/2005 đến nay cả nước không có ổ dịch mới phát sinh và từ 6/1/2006
không có thêm gia cầm bị tiêu hủy tự nguyện. Như vậy, đã hơn 2 tháng, cả nước
khống chế được dịch cúm gia cầm và hơn 3 tháng không ghi nhận thêm trường hợp
nhiễm cúm A (H5N1) ở người.
"Điều quan trọng là ý thức của người chăn nuôi người tiêu dùng
gia tăng mọi mặt; năng lực ngành thú y được tăng cường. Chúng ta đã khôi phục
thị trường tiêu thụ gia cầm. Ngành chăn nuôi bước đầu đã được chuẩn bị điều kiện
tái xuất trở lại, từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển sang chăn
nuôi tập trung và buôn bán, tiêu thụ gia cầm theo hướng đảm bảo VSATTP", ông Năm
nói.
Thêm vào đó, kinh phí cho việc mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn
gia cầm (kể cả của TW và địa phương) vào khoảng 360 tỷ đồng.
APEC 2006 "không cúm gà".
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiêm trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng
chống Dịch cúm gia cầm Cao Đức Phát khẳng định: việc thực hiện các biện pháp
phòng chống quyết liệt, tránh để dịch cúm gia cầm xảy ra trong thời gian tới là
rất cần thiết. Bởi, tháng 11 tới Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình
Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Nhiều nguyên thủ quốc gia sẽ đến Việt Nam
trong dịp này, cùng hàng nghìn DN. Các hoạt động của APEC 2006 sẽ diễn ra tấp
nập từ nay đến tháng 11, và cao điểm vào tháng 11.
Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu lực lượng thú y 64 tỉnh thành,
ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cần phát hiện sớm các ổ dịch
và triển ngay ngay những biện pháp dập dịch, tránh để ổ dịch lây lan vì khi đó,
việc dập dịch sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
Đồng thời, nghiêm cấm ấp nở mới thủy cầm đến hết 28/2. Nếu địa
phương nào phát hiện thấy trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm khắc.
Ông cũng lưu ý việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm cũng cần
được triển khai nhanh và cố gắng hoàn thành trước tháng 10/2006, đảm bảo 80% gia
cầm trong diện tiêm được tiêm phòng, và mỗi đợt tiêm cho 80 triệu con gà, 30
triệu con vịt.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành tổ chức quy hoạch lại
chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững; khuyến khích các hộ gia đình chuyển đổi
sang chăn nuôi tập trung, công nghiệp và bán công nghiệp; hạn chế dần chăn nuôi
nhỏ lẻ tại gia đình. Một hệ thống giết mổ gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm cũng đang được nhanh chóng triển khai.
Nguồn:VietNamNet -bannhanong.vietnetnam.net
(3/3/2006)
|