An Giang:đầu tàu phát triển ngành nuôi thủy sản cho ĐBSCL !
Năm 2005, An Giang có 1.836 ha ao hầm, đất bãi bồi
và 3.058 lồng bè nuôi cá, đạt sản lượng cá nguyên liệu 180.809 tấn, chiếm 60%
tổng sản lượng cá tra, ba sa nuôi ở ĐBSCL (chưa kể 51.329 tấn cá đồng khai thác
tự nhiên), chế biến thành phẩm được 54.982 tấn và đạt kim ngạch xuất khẩu hơn
122 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho
biết: Cái được lớn nhất trong năm qua là doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy
sản cùng với ngư dân nuôi cá tự sắp xếp, tổ chức lại sản xuất theo quy trình
nuôi cá sach. Chỉ trong mấy tháng cuối năm, liên tiếp có 3 liên hợp sản xuất cá
sạch của Công ty AGIFSH, Nam Việt và Công ty AFIEX lần lượt ra đời (ngư dân nuôi
cá theo tiêu chuẩn quốc tế SQF 1000 và SQF 2000 dành cho doanh nghiệp chế biến
xuất khẩu).
Tuy nhiên, cũng bộc phát những hạn chế từ việc sản xuất tự phát
ngoài tầm kiểm soát, quản lý của ngành chức năng và địa phương, đã có lúc xảy ra
tình trạng khủng hoảng “thiếu nguyên liệu cá sạch để chế biến xuất khẩu nhưng
lại thừa nguyên liệu cá nuôi không rõ nguồn gốc”, làm giảm sức cạnh tranh thị
trường và vướn vào rào cản kỹ thuật của một số nước, làm thiệt hại cho ngư dân.
Cũng chính từ sự khó khăn này mà các doanh nghiệp đã năng động mở rộng thị
trường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản và hơn 40 nước trên thế giới. Kế hoạch năm
2006, An Giang sẽ tăng diện tích nuôi thủy sản lên 3.086 ha và 3.720 lồng bè để
đạt sản lượng 211.020 tấn, chế biến thành phẩm 55.000 tấn sản phẩm và nâng kim
ngạch xuất khẩu lên 160 triệu USD.
Cùng với kế hoạch trên, tỉnh sẽ thực hiện đồng thời 4 giải pháp
về con giống, quản lý chất lượng, tổ chức lại sản xuất và mở rộng thị trường
xuất khẩu, các chính sách đầu tư. Ông Thạnh cho biết: Ngành Nông nghiệp sẽ tiến
hành lập lý lịch, đeo thẻ cho đàn cá giống bố mẹ và tổ chức chứng nhận tiêu
chuẩn SQF 1000 cho Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản An Giang, các
hợp tác xã, chi hội nghề cá, các trang trại sản xuất con giống. Đầu tư trang
thiết bị kiểm tra, kiểm soát các chất kháng sinh, hóa chất cấm và hạn chế sử
dụng trong thủy sản. Hướng dẫn ngư dân ứng dụng kỹ thuật nuôi cá tiên tiến và
xây dựng các mô hình nuôi cá chất lượng. Đầu tư nâng công suất và cải tiến công
nghệ chế biến các nhà máy thủy sản, thành lập thêm các hội nuôi cá sạch, mở rộng
thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu…
An Giang đang giữ vai trò Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá
tra, basa Việt Nam, tỉnh đề nghị Bộ Thủy sản hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các dự
án cho kế hoạch phát triển của tỉnh và khu vực ĐBSCL. Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ
tịch UBND tỉnh An Giang (Trưởng ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa
Việt Nam ở ĐBSCL) nhận định: Mặt hàng cá tra, basa đang vươn tới chất lượng và
thương hiệu, cần phải liên kết người nuôi với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để
tiến tới liên kết vùng, trên cơ sở này sẽ thống nhất về sự phân công, quản lý để
kiểm soát sản lượng và chất lượng thủy sản.
Năm 2006, An Giang sẽ thực hiện 4 dự án phát triển thủy sản
của tỉnh và cho cả khu vực ĐBSCL: Dự án Thống kê và công nghệ thông tin giữa các
tỉnh thành viên của Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, basa Việt Nam;
thương hiệu và chất lượng cá tra, basa ĐBSCL; Phòng Kiểm nghiệm vùng ĐBSCL và dự
án xây dựng các trạm quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh cho các vùng
nuôi thủy sản.
Nguồn:AGOL-bannhanong.vietnetnam.net (28/2/2006)
|