Hưng Yên: bò sữa chưa ngọt đã đắng!
Hơn 2 năm qua, hy vọng làm giàu từ bò sữa của bà
con huyện Ân Thi (Hưng Yên) không những vụt tắt mà còn lâm vào cảnh điêu đứng dở
khóc, dở mếu. Hàng chục hộ nông dân chưa kịp tận hưởng những giọt ngọt từ sữa bò
nhưng đã phải nếm đủ vị đắng cay.
Từ bò sữa thành ...ễnh ương!
Chị Chu Thị Như, cán bộ thú y xã Văn Nhuệ là một trong số hộ
đang lao đao vì bò sữa than phiền: Khi cùng bà con đi mua bò giống tại Trung tâm
giống gia súc Phù Đổng (Hà Nội), chị phát hiện đàn bò có triệu chứng ký sinh
trùng đường máu và đề nghị chọn đàn giống khác. Nhưng cán bộ Trung tâm cho hay
là đàn bò đã được tiêm thuốc điều trị và sẽ khỏi. Hơn nữa bà con buộc phải dắt
bò về vì đã trót hợp đồng, đặt cọc mỗi con 1 triệu đồng nên không còn cách nào
khác. Sau một thời gian chăm sóc, bệnh của bò vẫn không giảm; trong đàn 5 con
của chị Như, 2 con bị ngã quị cầu mong bán với giá 500 nghìn đồng nhưng chẳng ai
thèm mua, trong khi giá vốn mỗi con gần 10 triệu đồng. Của đau con xót, chị Như
bấm bụng nuôi tiếp 3 con còn lại, nay đã hơn một năm vẫn còm cõi "bụng ỏng, đít
nhòi", chị Như đành tiếp tục làm đơn xin loại thải. Nay số tiền vay ngân hàng 30
triệu chị Như không biết xoay sở ra sao. Điêu đứng hơn là gia đình chị Nguyễn
Thị Thoa ở cùng thôn. Sau khi 3 con bò sữa bị loại thải đã sa cơ lỡ vận, kinh tế
túng quẫn, chị Thoa phải bỏ quê đi xa nhà kiếm sống để lo kéo cày trả nợ ngân
hàng sau này.
Cùng cảnh ngộ với chị Như, chị Thoa là hơn 20 hộ khác ở Văn
Nhuệ và các xã Vân Du, Xuân Trúc, Đào Dương, Phù Ủng cũng không kém phần khốn
đốn. Điển hình là hộ các anh Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Anh Tú (xã Xuân Trúc), Bùi
Ngọc Chén, Đỗ Văn Bạch (xã Vân Du)... bị khuynh gia bại sản, dù bán nhà cũng
không trả hết nợ. Hàng chục hộ nuôi bò sữa ở Ân Thi đang trở thành con nợ khó
trả của ngân hàng. Tính ra, mỗi con bò sữa thua lỗ không dưới 10 triệu đồng,
chưa kể công chăm sóc, thuốc men, trong khi mỗi hộ đều từ 3 đến 5 con. Anh
Nguyễn Thanh Long, ở thôn Đình Trúc, xã Xuân Trúc hiện nuôi 5 con bò sữa dù vẫn
khoẻ mạnh nhưng đã hơn 2 năm qua vẫn "điếc" không sinh đẻ. Nay tính sơ cũng thua
lỗ không dưới 50 triệu. Đó là chưa kể công chăm sóc cùng 7 sào trồng cỏ đã qua 5
vụ, nếu để cấy lúa ít cũng thu 7 tấn thóc.
Ân Thi hiện có hơn 90 con bò sữa tập trung ở 25 hộ của 5 xã Vân
Du, Đào Dương, Xuân Trúc, Văn Nhuệ, Phù Ủng. Trên thực tế, hơn 2 năm qua, mới có
30 con đẻ, trong đó chỉ có 9 con vắt được sữa, các con khác may ra đủ sữa cho bê
bú. Gần 60 con còn lại vừa ốm yếu vừa xiêu vẹo, có con đã chết; con béo khoẻ thì
vô sinh, bà con đã làm đơn đề nghị huyện cho loại thải. Hiện tại, cảnh "trâu
toi, bò ngã" làm nhiều hộ chán nản không muốn chăm sóc đành thả rông hoặc bỏ đói
như bò thường.
"Tham mâm" nên "mất bát"
Khi chương trình nuôi bò sữa triển khai, nông dân Ân Thi chỉ
nhìn rõ "bề nổi" của các chính sách khuyến khích như: mỗi con tỉnh hỗ trợ 3
triệu đồng cùng với 1 triệu đồng bảo hiểm, 200 nghìn đồng để trồng cỏ, được vay
ngân hàng 10 triệu đồng không lãi 3 năm, lại thêm hỗ trợ 1 triệu đồng của
huyện... Nhiều hộ nhẩm tính: không mất vốn lại thu lãi cao, có gì khó mà không
nuôi. Nhận thức nông cạn ấy đã thôi thúc hàng chục hộ hăm hở đăng ký. Nói như
một chủ nuôi bò ở Ân Thi : "chúng tôi cứ nghĩ đơn giản mỗi con bò sữa sau một
năm sẽ cho mỗi ngày 15 lít, thu lãi 30 nghìn đồng, chỉ nuôi 3 con là mỗi ngày có
tiền tươi 100 nghìn đồng, chưa kể tiền bán bê con. Ai ngờ...". Song chính điều
không ngờ ấy đã được huyện phân tích ngay từ đầu, đề nghị bà con cân nhắc kỹ tuy
rằng chủ trương của tỉnh là đúng. Bởi Ân Thi chưa phải là "đất" nuôi bò vì điều
kiện đồng cỏ, môi trường, trình độ chuyên môn kỹ thuật không có. Do vậy tính khả
thi sẽ không cao và sẽ vấp phải nhiều khó khăn.
Với riêng Ân Thi, nguyên nhân thất bại sâu xa là do chất lượng
con giống chưa đảm bảo. Hơn nữa, kỹ thuật chăm sóc kém. Trong khi bò sữa phải
chăm sóc thật cẩn thận tỉ mỉ theo qui trình nghiêm ngặt từ khâu vệ sinh chuồng
trại, chế độ dinh dưỡng, dẫn tinh đến khi vắt sữa. Nhưng do kinh nghiệm chưa có
lại áp dụng không đúng kỹ thuật chăm sóc, việc chăn nuôi còn mang tính tự phát,
thủ công đơn giản, nhiều hộ chăn thả và chăm sóc như bò thịt. Anh Nguyễn Thanh
Long, chủ nuôi bò xã Xuân Trúc thừa nhận: các hộ chăn nuôi đã sai lầm trong tính
toán. Ngay cả khâu lựa chọn giống ban đầu vì không có kinh nghiệm nên mua phải
giống chưa tốt. Bên cạnh đó, kỹ thuật dù được đào tạo nhưng chưa qua kinh nghiệm
cọ xát thực tế. Phần vì bà con "đếm cua trong hang" thấy lợi thì tự phát làm lấy
được, không suy tính kỹ. Theo đó, thất bại, phá sản là điều khó tránh.
Điều đáng buồn hơn, tình trạng trên đang diễn ra phổ biến ở
Hưng Yên. Trong đó Ân Thi chỉ nằm trong số các huyện có đàn bò sữa ít nhất tỉnh
nên thất bại chưa đáng kể so với các huyện khác.
Nguồn :TTXVN-bannhanogn.com (27/02/2006)
|