Doanh nghiệp cân nhắc việc nộp đơn xem xét mức thuế kiện phá giá tôm.
Sau một năm áp thuế đối với mặt hàng tôm nhập khẩu
từ 6 nước, trong đó có Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ tiến hành xem xét lại
mức thuế (administration review) đối với các công ty trong vụ kiện, nếu các
doanh nghiệp có đơn yêu cầu.
Ngày 28/2 tới là thời hạn cuối cùng để các công ty xuất khẩu
tôm sang Mỹ nộp đơn đề nghị xem xét lại thuế chống bán phá giá.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Ủy ban Tôm Việt Nam (thuộc Hiệp
hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - VASEP) đồng thời là Giám đốc Công
ty Seaprodex Minh Hải, nói rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang
xem xét việc nộp đơn yêu cầu lên DOC. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng "đây là một
quá trình phức tạp" và chưa thể tiết lộ thêm thông tin.
Phó tổng thư ký VASEP, ông Trương Đình Hòe, cho biết, còn 10
ngày nữa mới hết hạn nộp đơn lên DOC. VASEP cũng chỉ biết danh sách này vào "giờ
chót" vì các công ty còn cân nhắc và thường ra quyết định cuối cùng vào
28/2.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang bị áp thuế chống
bán phá giá theo quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ là: Seaprodex Minh
Hải (Bạc Liêu) 4,30%, Minh Phú (Cà Mau) 4,38%, Camimex (Cà Mau) 5,24%, Kim Anh
(Sóc Trăng) 25,76%; các doanh nghiệp là “bị đơn tự nguyện” 4,57% và toàn bộ các
doanh nghiệp khác 25,76%.
Chi phí để xem xét lại thuế đối với một công ty ít nhất là
75.000 USD. Sau khi được lựa chọn, các công ty có 90 ngày để quyết định đồng ý
tham gia quá trình xem xét lại hoặc có thể rút lui. Sau ngày 8/3 tới, DOC sẽ cho
công bố danh sách các công ty được lựa chọn từ 6 nước, gồm Trung Quốc, Thái Lan,
Ấn Độ, Brazil, Ecuador và Việt Nam, tham gia vào quy trình xem xét lại thuế hàng
năm.
Tin từ mạng Seafood.com cho biết, tại Ấn Độ, có ít nhất 25 công
ty xuất khẩu tôm lớn được dự đoán sẽ nộp đơn tham gia quá trình xem xét lại thuế
chống bán phá giá năm nay, trong đó có công ty Devi Seafoods (bị áp thuế 4,9%)
và HLL (15,36%).
Theo quy trình, Bộ Thương mại Mỹ sẽ lựa chọn 3 công ty bất kỳ
trong số những công ty nộp đơn và tiến hành xem xét mức giá xuất khẩu của họ
trong vòng một năm so với đánh giá ban đầu. Kết thúc quá trình, DOC sẽ xác định
các mức thuế mới cho những công ty này, và tính toán mức thuế trung bình để áp
dụng cho tất cả những công ty khác.
Theo các luật sư đã quen thuộc với quá trình xem xét lại thuế
chống bán phá giá, trong hầu hết các trường hợp, mức thuế chung đều được hạ
bớt.
"Việc các công ty nộp đơn xin xem xét lại thuế cũng sẽ ngăn
không cho DOC ra lệnh cho Hải quan Mỹ tiến hành thu các khoản tiền thuế phải nộp
của các lô hàng nhập khẩu trong năm trước đó, vì khoản tiền này có thể sẽ thay
đổi", mạng này bình luận.
Về lý thuyết, mọi công ty đều có quyền đệ đơn xin xem xét lại
thuế. Ví như những năm 1990, các công ty cá hồi của Chilê (bị áp thuế chống bán
phá giá) đều nộp đơn xin xem xét lại mức thuế, kết quả, tất cả các công ty này
đều được hưởng mức thuế tối thiểu.
Tuy nhiên, DOC cũng có thể từ chối tiến hành xem xét lại nếu
khối lượng công việc quá lớn và DOC không có đủ nhân lực. Vụ kiện tôm là một
trong những vụ kiện chống bán phá giá lớn và phức tạp nhất từ trước đến nay và
DOC luôn gặp phải những vấn đề về nhân lực để xử lý hết các đơn xin xem xét lại
thuế của các công ty. Đó là chưa kể việc xem xét hành chính mức thuế vụ kiện tôm
có thể sẽ phức tạp hơn do có quy định về việc đóng tiền ký quỹ (bond).
Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil là những nước xuất khẩu tôm bị ảnh
hưởng nhiều nhất bởi thuế chống bán phá giá. Xuất khẩu của cả ba nước này sang
Mỹ trong năm qua đều giảm mạnh. Quá trình xem xét lại thuế có thể sẽ làm giảm
"mức thuế chung'' cho các nước này, nhưng quyết định này sẽ chỉ được đưa ra sau
một năm nữa và có khả năng hồi tố.
Nguồn:VietnamNet-VNECONOMY -bannhanong.vietnetnam.net
(20/02/2006)
|