Kết luận của diễn đàn
1.Diễn đàn "Chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh ở nông hộ" do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi (Viện Chăn nuôi) và các ban nghành, địa phương tổ chức ngày 12/1/2006 tại TP. Cần Thơ là hết sức cấp bách và thiết thực đối với chăn nuôi gia cầm ở nông hộ, nhất là trong bối cảnh xảy ra dịch cúm gia cầm. Mặt khác, chăn nuôi gia cầm của nước ta còn phân tán nhỏ lẻ, nuôi gia cầm thả rông và nuôi thủy cầm chạy đồng còn phổ biến, vận chuyển và giết mổ gia cầm ở nhiều địa phương chưa tuân thủ quy định của ngành thú y, khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
2. Diễn đàn đã quy tụ được 150 đại biểu là các nhà quản lý Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi gia cầm đến từ các tỉnh phía Nam. Diễn đàn đã đạt được mục tiêu đề ra là cung cấp nhiều thông tin quý giá có tính thời sự và thiết thực về an toàn sinh học, phòng chống dịch cúm gia cầm, chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi giết mổ tập trung, áp dụng các quy trình chăn nuôi thú y và giết mổ như thế nào để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm ở nông hộ, thực hiện triệt để chủ trương của Nhà nước là cấm nuôi gia cầm thả rông, thủy cầm chạy đồng.
3. Các điều kiện về chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm đã được quy định trong Văn bản số 3065/QĐ-BNN-NN ban hành ngày 7/11/2005 của Bộ NN-PTNT. Sau đây là một số điểm cần lưu ý, nhấn mạnh thêm:
- Muốn chăn nuôi gia cầm phải xin phép cơ quan chức năng.
- Con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, mua từ các cơ sở giống đã được kiểm dịch, tiêm phòng các bệnh nguy hiểm theo quy định của thú y. Khi mua con giống phải có giấy kiểm dịch.
- Không nhốt chung các loại gia cầm với nhau, gia cầm với gia súc, gia cầm khỏe với gia cầm bệnh.
- Một số điểm cần lưu ý thêm về quy trình chăn nuôi gia cầm ở nông hộ như sau để chuyển đổi sang hình thức nuôi tập trung cho có hiệu quả:
- Chuồng trại làm theo dạng hở, sử dụng vật liệu rẻ tiền để giảm chi phí đầu tư, nhưng phải đảm bảo nền khô ráo, tránh ngập nước. Xung quanh phải có hàng rào bao quanh. Cổng ra vào phải có hố sát trùng.
- Dinh dưỡng thức ăn: Sử dụng thức ăn hỗn hợp công nghiệp hoặc thức ăn địa phương (lúa, cám gạo, cua còng, ốc, đầu tôm, khô cá…) có bổ sung thêm thức ăn hỗn hợp (dạng đậm đặc hay thành phẩm) và prêmix vitamin-khoáng. Đảm bảo dinh dưỡng cho gia cầm là rất quan trọng để tăng sức đề kháng và năng suất. Khi nuôi vịt đẻ tập trung, không nên cho vịt nghỉ đẻ theo nhiều kỳ như hiện nay đang làm khi nuôi vịt chạy đồng.
- Đảm bảo đầy đủ nước sạch cho gia cầm. Đây là khâu rất quan trọng, nhưng nhiều khi người chăn nuôi không để ý. Thiếu nước làm giảm năng suất và sức đề kháng của gia cầm.
- Một số điểm cần lưu ý thêm về quy trình thú y:
- Thực hiện tốt khâu vệ sinh thú y để đảm bảo an toàn sinh học là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thực hiện triệt để và thường xuyên sát trùng tẩy uế theo hướng dẫn của ngành thú y. Chương trình sát trùng tiêu độc: 2 lần/tuần, trong thời gian chống dịch là 1 lần/tuần. Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh gây ra hiện tượng nhờn thuốc.
- Chương trình sử dụng vắc xin: Dựa vào tình hình đặc điểm cụ thể của từng hộ gia đình, từng địa phương, từng vùng sinh thái, loại vắc xin dùng có thể áp dụng như sau:
Vịt: Dịch tả vịt, cúm gia cầm H5N1.
Gà: Marek, New Castle Disease, gumboro, cúm gia cầm.
- Tăng cường sức khỏe cho đàn gia cầm bằng cách sử dụng một số thuốc bổ trợ, vitamin, khoáng, axít amin… theo chỉ dẫn của các nhà chuyên môn, nhưng tránh lạm dụng chúng.
Về giết mổ gia cầm cần lưu ý thêm một số điểm sau đối với các cơ sở thủ công và hộ gia đình:
- Gia cầm đưa vào giết mổ phải đảm bảo tiêu chuẩn thú y, sau tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm ít nhất là 14 ngày.
-Trước khi mổ 12 giờ cho gia cầm nhịn ăn, nhưng phải cho uống nước đầy đủ.
- Dốc ngược đầu gia cầm khi cắt tiết để lấy hết máu ra, nếu máu còn trong thịt sẽ là môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển, làm cho thịt bị nhũn và biến màu.
- Khi giết mổ không được để vỡ ruột, nếu để vỡ ruột thì phải rửa sạch ngay, vì trong đường tiêu hóa có chứa nhiều vi khuẩn như Salmonella, Clostridium… gây ô nhiễm thịt.
Nguồn:NNVN-bannhanong.vietnetnam.net (15/2/2006)
|