Lại đổ xô nuôi cá tra!
Mô hình sản xuất cá sạch theo tiêu chuẩn SQF buộc
người nuôi phải cam kết đảm bảo chất lượng ở tất cả các khâu chăn nuôi nhưng
được đảm bảo một mức giá cao khi tiêu thụ. Ngư dân đều làm chủ công nghệ nuôi cá
sạch sẵn sàng các cam kết cung cấp sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, cải tiến hệ
thống sản xuất...
Giá cá tra tăng mạnh đã kích thích nhiều người ở đồng
bằng sông Cửu Long đổ xô nuôi cá trở lại.
Nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang cố gắng “tái lập trật tự” bằng
mô hình nuôi cá sạch để duy trì môi trường nuôi và ngăn không để xảy ra tình
trạng “nuôi nhiều giá cũng rớt mạnh” như năm 2005.
Ùn ùn thả cá xuống ao…
Nhu cầu nuôi tăng đã đẩy giá con giống tăng nhanh. Ở An Giang,
Đồng Tháp giá con giống kích thước 2,5cm đã tăng từ 900 đồng lên 1.100 đồng/con,
có nơi 1.200 đồng/con. Tuy chưa xảy ra sốt cá tra giống, nhưng không ít người
nuôi mua phải giống kém chất lượng. Theo các nhà chuyên môn, con giống kém dễ bị
nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là môi trường nước vào mùa khô
này.
Tại các khu vực dọc sông Tiền (Đồng Tháp) có nhiều hộ dân bỏ ao
trống nay đã nuôi lại. Có nơi 2-3 hộ đào ao nuôi cá nhỏ lẻ. Theo thạc sĩ Dương
Nghĩa Quốc - phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Đồng Tháp,
việc nuôi nhỏ lẻ tự phát ở khu vực gần sông ảnh hưởng đến môi trường thủy sản,
rất khó khắc phục.
Đồng Tháp đang vận động số hộ nuôi cá không chuyên, nuôi theo
phong trào nên chuyển sang nuôi các loại cá khác để tiêu thụ nội địa, giảm thiểu
rủi ro cho cộng đồng. “Sắp tới Đồng Tháp sẽ không cấp giấy đủ điều kiện chăn
nuôi cho hộ nuôi cá ngoài vùng qui hoạch thủy sản; muốn vay vốn của ngân hàng để
đầu tư mở rộng sản xuất phải có giấy xác nhận của hội nghề cá” - ông Quốc nói.
Thế nhưng, rút kinh nghiệm lần trước, không ít người nuôi cũng
dè dặt có nên đầu tư nuôi cá trở lại không. Ở TP Cần Thơ, thạc sĩ Lê Ngọc Diện -
phó Chi cục Thủy sản thành phố - cho biết nhiều hộ dân điện thoại, email nhờ các
kỹ sư tư vấn. Nhiều người nêu câu hỏi “liệu giá còn tăng, có ổn định đến cuối
vụ?”. Trước tình hình này, các địa phương đang vận động người nuôi nên tìm hiểu
và gắn kết với các doanh nghiệp có uy tín để hợp đồng sản xuất, tiêu thụ cá
sạch.
Mô hình sản xuất cá sạch theo tiêu chuẩn SQF buộc người nuôi
phải cam kết đảm bảo chất lượng ở tất cả các khâu chăn nuôi nhưng được đảm bảo
một mức giá cao khi tiêu thụ. Ngư dân đều làm chủ công nghệ nuôi cá sạch sẵn
sàng các cam kết cung cấp sản phẩm sạch, bảo vệ môi trường, cải tiến hệ thống
sản xuất...
Cá “tự phát” đe dọa cá sạch.
Nhưng sự trở lại của phong trào nuôi cá tra tự phát đang đe dọa
các ao, bè cá sạch. Ông Ngô Phước Hậu - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu
thủy sản An Giang (Agifish An Giang) - nói đó là nỗi lo chung của các thành viên
của Liên hiệp sản xuất cá sạch Agifish. Hiện liên hợp thường xuyên cảnh báo với
ngành chức năng xử lý các trường hợp vi phạm môi trường vùng nuôi.
Thời gian qua để hạn chế người nuôi cá theo phong trào, nhiều
địa phương đã đẩy mạnh nuôi cá sạch và qui hoạch vùng nuôi đảm bảo an toàn môi
trường. Năm 2006, theo kế hoạch, Đồng Tháp sẽ sản xuất 50.000 tấn cá sạch, Cần
Thơ 40.000-50.000 tấn. “Rồi đây người dân nuôi cá tra có trình độ sẽ đủ sức tự
lo cho mình và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ môi trường. Từ đó tạo được sự đồng
thuận giữa người nuôi, doanh nghiệp và nhà quản lý vì mục tiêu phát triển bền
vững”- ông Hậu nói.
Ông Hậu cho biết bốn tháng trước, trên Internet, sau khi Công
ty Agifish đưa liên hiệp chăn nuôi cá sạch vào hoạt động, nhiều khách hàng Âu -
Mỹ đã đồng ý mua cá của công ty với giá cao hơn 5% so với cá tra khác.
Công ty đang chuẩn bị thu hoạch lứa cá tra sạch đầu tiên ở khu
vực ĐBSCL, dự kiến trong năm 2006 sẽ thu hoạch 40.000 - 60.000 tấn cá tra sạch
xuất khẩu. Hiện công ty đã tổ chức được 5 vùng nuôi an toàn phù hợp với qui
hoạch vùng nuôi thủy sản của cả tỉnh. Trên 30 thành viên là nông dân được cấp
giấy chứng nhận nuôi cá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế SQF- 1000.
Sau Công ty Agifish, các công ty chế biến thủy sản trong khu
vực như: Nam Việt, Vĩnh Hoàn, Afiex cũng tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng nhận
cho các thành viên để thành lập vùng nuôi cá sạch. Ông Nguyễn Hữu Khánh - chủ
tịch Hiệp hội nghề cá tỉnh An Giang - lạc quan cho biết trong năm 2006 tỉnh sẽ
có 100.000 tấn cá tra sạch.
Công ty Agifish sẽ là đơn vị đầu tiên đăng ký thương hiệu cá
sạch (gọi tắt là ATTUP) quảng bá uy tín ra thế giới. Nhưng chưa rõ con cá tra
sạch có được an toàn khi mà nhiều người bất chấp qui hoạch, môi trường nuôi đang
ùn ùn trở lại nuôi cá...
Nguồn:TTOL-bannhanong.vietnetnam.net (13-2-06)
|