Phát triển thuỷ sản Việt Nam thành ngành sản xuất hàng hoá lớn và bền vững .
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thuỷ sản đến
năm 2010 và định hướng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu
rõ cần phát triển ngành thuỷ sản thành một ngành sản xuất hàng hoá lớn, có năng
suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao và bền vững…
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg phê
duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng
đến năm 2020.
Theo quy hoạch, phát triển ngành thuỷ sản thành một
ngành sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh
cao, có cơ cấu sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng trong
nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, tiếp tục giữ vững là ngành có kim ngạch xuất
khẩu cao và có tỷ trọng GDP đáng kể trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong
các năm tới. Phát triển ngành thuỷ sản nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác,
sử dụng tốt mọi tiềm năng về đất đai, mặt nước và lao động, đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá; áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học – công nghệ sản xuất; tiếp
tục chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, có cơ cấu hợp lý
giữa khai thác với nuôi trồng, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và
bảo vệ môi trường sinh thái.
Định hướng đến năm 2020 tiếp tục phát huy lợi thế về tiềm năng,
trên cơ sở công nghiệp hoá-hiện đại hoá, phát triển các vùng sản xuất tập trung
gắn với phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ nghề cá, hình thành các trung
tâm nghề cá lớn tại một số trọng điểm ven biển và đồng bằng Nam Bộ. Đa dạng cơ
cấu sản phẩm thuỷ sản chế biến, đồng thời phát triển sản xuất một số loại sản
phẩm chủ lực mang tính đặc trưng của thuỷ sản Việt Nam, có giá trị và sức cạnh
tranh cao để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, giữ vững là ngành có kim ngạch
xuất khẩu cao. Đồng thời với phát triển khai thác xa bờ hợp lý, ổn định khai
thác vùng ven bờ, phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản, đa dạng hình thức nuôi và
cơ cấu giống nuôi, nhất là nuôi trên biển, nhằm khai thác tiềm năng còn lớn,
giải quyết việc làm lao động nông thôn ven biển, có thu nhập ổn định, góp phần
quan trọng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái ven biển bền
vững, đồng thời là nguồn cung cấp chủ yếu nguyên liệu cho xuất khẩu.
** Ngay từ đầu năm nay, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản xuất khẩu đã
tăng mạnh. Các doanh nghiệp chế biến cá tra, cá ba sa đã có rất nhiều đơn đặt
hàng từ EU, Nhật Bản và Mỹ với thời hạn giao hàng đến hết qúy I/2006. Tuy nhiên
trong khi đó, nguồn cá nguyên liệu lại thiếu mà giá lại cao do giá cá tra, ba sa
giữa năm 2005 giảm mạnh nên nhiều hộ ngừng nuôi hoặc chuyển sang nuôi loại
khác;đợt cá chết hàng loạt tại các ao nuôi lên đến 75-80
tấn ở Đồng Tháp và các tỉnh lân cận, dẫn đến sản lượng cá tra ở
các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… cũng giảm theo.
Các doanh nghiệp phải mua cá tra, ba sa với giá từ 12.500 -
13.000 đồng/kg. Đặc biệt có một số nơi không có hàng để bán. Dự báo trong quý I
này, các nhà máy chế biến có thể bị thiếu nguyên liệu.
Trong tháng 1/2006, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 190
triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Bộ Thuỷ sản dự báo nhu cầu nhập
khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam vào thị trường Nhật, EU sẽ tăng từ 10-15%. Các doanh
nghiệp cần tăng cường các mối liên kết để đảm bảo đủ nguyên liệu với chất lượng
tốt.
Nguồn:VOV-BANNHANONG(11/02/2006)
|