Chất lượng hàng thuỷ sản Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế.
Năm 2005, hàng thuỷ sản Việt Nam đã có mặt tại 108
Quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng nghĩa với việc chất lượng, an toàn vệ sinh sản
phẩm thuỷ sản đã được chấp nhận rộng rãi trên thị trường quốc tế…
Năm 2005, vượt qua không ít khó khăn, xuất khẩu thuỷ sản đạt
trên 2,6 tỷ USD, đánh dấu một chặng đường 5 năm liên tục phấn đấu và liên tục
thành công của Ngành Thuỷ sản Việt Nam. Trong thành tích chung đó có sự đóng
góp không nhỏ của Cục quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y Thuỷ sản
(NAFIQAVED). Đánh giá cao những nỗ lực của cán bộ, công nhân viên của Cục và cả
hệ thống kiểm tra Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản, thừa lệnh Chủ
tịch nước, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã ký lệnh phong tặng Huân chương Lao
động hạng II cho NAFIQAVED.
Theo đánh giá của NAFIQAVED, trong khoảng 10 năm
trở lại đây, vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm thuỷ sản về cơ bản được giải
quyết, đáp ứng yêu cầu hội nhập Quốc tế. Đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu
tôm của Việt Nam chưa kịp lấy lại “phong độ” sau vụ kiện bán phá giá đầy phi lý
của phía Mỹ thì tiếp tục phải đối diện với một “đại hạn” khác. Việc 3 bang miền
Nam nước Mỹ là Alabam, Missisipi và Lousiana ra lệnh cấm nhập khẩu cá tra, cá ba
sa từ Việt Nam do phát hiện một số lô hàng nhiễm dư lượng kháng sinh
Fluoroquinolones. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – An toàn vệ sinh và thú y
thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản) – ông Nguyễn Tử Cương cho rằng, nếu viện lý do có chất
kháng sinh bị cấm trong hai lô cá để ra quyết định cấm sản phẩm cá ba sa của
Việt Nam, thì rõ ràng 3 bang của nước Mỹ đã không làm đúng quy định của chính
phủ liên bang, cũng như hoạt động của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ
(FDA), quy định, một lô hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ không được nhập
khẩu vào Mỹ hoặc bị tiêu huỷ tại chỗ. Sau đó tên doanh nghiệp sẽ bị đưa lên mạng
cảnh báo của FDA và các lô hàng tiếp theo sẽ tự động bị giữ lại kiểm tra, cho
đến khi năm lô hàng tiếp theo đạt yêu cầu an toàn thực phẩm của Mỹ. Lúc này
doanh nghiệp mới có văn bản gửi FDA đề nghị được bỏ tên ra khỏi danh sách cảnh
báo.
Tuy nhiên, thông tin về ba tiểu bang của Mỹ ra lệnh cấm bán sản
phẩm thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam do nhiễm kháng sinh có hoạt chất
Fluoroquinolones đã gây dư luận xấu ảnh hưởng tình hình nuôi và chế biến thuỷ
sản. Chưa bao giờ giá cá lại tụt dốc không phanh như vậy. Đầu tháng 9 năm nay,
cá tra, cá basa thịt trắng tuột giá chỉ còn 9.400 – 9.700 đ/kg; cá thịt vào
khoảng 7.500 đ/kg… tính bình quân đều thấp hơn chi phí giá thành 1000 – 2000
đ/kg. Như vậy, hàng chục ngàn hộ nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ lỗ
trắng tay, có đến 40% số hộ nuôi cá bè đã chuyển nghề hoặc phải bán bè, trong
khi đó doanh nghiệp chỉ tiến hành thu mua nhỏ giọt, viện cớ nhiều lô hàng của bà
con không đảm bảo chất lượng.
Để kiểm soát các chất kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquiolones,
NAFIQAVED đã cập nhật đủ các loại kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquiolones vào danh
mục các chất hạn chế sử dụng. Mới đây nhất, sau khi nhận được thông tin cảnh báo
của FDA về chính sách cấm sử dụng kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquiolones Bộ Thuỷ
sản đã ban hành quyết định cấm sử dụng 11 loại kháng sinh thuộc nhóm chất
Fluoroquiolones trong sản xuất, kinh doanh thuỷ sản xuất khẩu sang Mỹ và khu vực
Bắc Mỹ. Ngoài ra, hàng năm FDA đều cử đoàn thanh tra sang Việt Nam kiểm tra
chương trình HACCP của các Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ và
các kết quả đánh giá đều rất lớn. Điều này chứng tỏ hoạt động bảo đảm an toàn vệ
sinh trong sản xuất thuỷ sản của Việt Nam theo quy định của Mỹ, đã và đang được
thực hiện rất hiệu quả.
Năm 2005, hàng thuỷ sản Việt Nam đã có mặt tại 108 quốc gia và
vùng lãnh thổ, đồng nghĩa với việc chất lượng, an toàn vệ sinh sản phẩm thuỷ sản
đã được chấp nhận rộng rãi trên thị trường Quốc tế. Ông Nguyễn Tử Cương, Cục
trưởng NAFIQAVED cho biết, tuy mới có 44 tỉnh trong tổng số 64 tỉnh, thành phố
thành lập tổ chức chuyên trách quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thuỷ
sản nhưng đội ngũ cán bộ được đào tạo vững về chuyên môn trong các tổ chức này
có khả năng đáp ứng tất cả các chỉ tiêu cần kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan
chức năng trong nước và thị trường quốc tế.
Năm 2005 cũng là năm ngành thuỷ sản triển khai rộng rãi chương
trình kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại trong nuôi thuỷ sản với việc tiến hành
đối với hầu hết các loài thuỷ sản nuôi tập trung như tôm sú, tôm thẻ chân trắng,
tôm càng xanh, cá basa, cá tra, cá rô phi và cua. Ngoài ra, NAFIQAVED còn
thực hiện khá tốt nhiều biện pháp kiểm soát trong việc đưa tạp chất vào nguyên
liệu thuỷ sản, chất lượng giống thuỷ sản nhập khẩu, kiểm dịch thuỷ sản, hoạt
động của những người hành nghề thú ý thuỷ sản.
Trong bối cảnh chịu nhiều áp lực từ thị trường Mỹ, Nhật Bản,
châu Âu thì các doanh nghiệp của chúng ta đã chủ động tìm hướng đi sang các thị
trường mới, điều tiết sản lượng xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào những thị
trường truyền thống trước đây. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ yêu
cầu và được phép xuất khẩu vào những thị trường khó tính đang ngày càng tăng
lên. Tính riêng thị trường EU, Thuỵ Sĩ, Na Uy, con số này hiện nay đã tăng hơn
3,2 lần so với năm 2000, đạt 171 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp xuất khẩu vào các
thị trường khác đều tăng bình quân 39% năm; chẳng hạn thị trường Hàn Quốc hiện
có 266 doanh nghiệp, thị trường Mỹ có 350 doanh nghiệp, Canada có 279, Trung
Quốc có 337 doanh nghiệp. Như vậy với sự nỗ lực vượt bậc của bà con, sự chủ động
của doanh nghiệp, đặc biệt là sự quán xuyến chỉ đạo sát sao của ngành thuỷ sản,
năm nay, ngành thuỷ sản đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra, vượt qua sóng
gió, bước vào năm 2006 với sự tự tin trước những thử thách mới.
Tuy vậy, hiện cả nước vẫn còn 209 cơ sở chế biến thuỷ sản chưa
đạt tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó hầu hết là
các cơ sở đã được xây dựng từ lâu, trang thiết bị lạc hậu, chưa được đầu tư nâng
cấp. Ông Nguyễn Tử Cương cũng cho biết, để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác
kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thuỷ sản, năm 2006, NAFIQAVED sẽ tiếp tục
hoàn thiện hệ thống tổ chức, thành lập tổ chức quản lý chất lượng và thú y thuỷ
sản ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và chú trọng triển khai công tác
này đến cấp huyện, xã.NAFIQAVED cũng sẽ mở nhiều lớp đào tạo để nâng cao nghiệp
vụ của cán bộ trong lĩnh vực này. Trước mắt, ngay trong quý 1/2006 này, website
của NAFIQAVED dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ
những vướng mắc trong việc giải quyết các rào cản an toàn vệ sinh, an toàn dịch
bệnh của thị trường hàng thuỷ sản.
Nguồn:VOV(21/1/2006)
|