Vấn nạn hàng thủy sản ngoại lấn át hàng nội!
Cá thu đao, nục bông của Đài Loan đang
dần chiếm ưu thế trên thị trường VN và cung ứng hàng khá ổn định theo chiều
hướng tăng. Gần đây, thị trường lại xuất hiện cá thác lác từ Campuchia hay nghêu
sò từ Thái Lan...Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn không mấy mặn mà với thị trường
nội địa.
Doanh nghiệp tập trung vào xuất khẩu để
tăng lợi nhuận mà quên mất thị trường trong nước?
Trao đổi với VnExpress bên lề hội nghị tổng kết ngành Thủy sản
giữa tháng 1/2006, ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Xuất
nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) cũng thừa nhận tình trạng bỏ ngỏ thị
trường nội địa của các doanh nghiệp. Càng ngày sản phẩm ngoại càng tràn vào
nhiều hơn với những chủng loại ngày một phong phú. "Đây là một thực tế của ngành
thủy sản Việt Nam và đã được nói đến rất nhiều. Các địa phương và cơ quan quản
lý cũng đã nhắc nhở doanh nghiệp nhưng sự tiến triển vẫn còn chậm", ông Hậu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hậu, cũng không thể chỉ trách
doanh nghiệp bởi ngay từ đầu thủy sản xác định lấy xuất khẩu làm mũi nhọn đột
phá cho toàn ngành. Khi đã xây dựng được thị trường xuất khẩu - mà đây là một
công việc không hề dễ dàng - doanh nghiệp dễ tập trung nhiều vào xuất khẩu để
tạo uy tín và tăng lợi nhuận mà quên mất thị trường trong nước.
Chia sẻ quan điểm này, ông Quách Đình Liên, Hiệu
trưởng Đại học Thủy sản Nha Trang, cho rằng, trên thực tế ngay cả các cơ quan
quản lý cũng không có định hướng hàng nên người tiêu dùng trong nước không thích
sử dụng sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Chẳng hạn như con cá basa, hay cá tra,
phần lớn người tiêu dùng trong nước vẫn chưa quen và chưa thích ăn loại cá này,
trong khi đó nó lại là loại cá xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thực tế này cộng
với tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt đã khiến sức mua của thị trường
với hàng thủy sản Việt Nam bị hạn chế.
Cơ cấu hàng thủy sản thường chia làm 3 loại: Tươi
sống, đông lạnh và chế biến. Trong đó, mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp
thủy sản Việt Nam là hàng đông lạnh. Song tập quán của người tiêu dùng lại là
hàng tươi sống. "Chính tập quán tiêu dùng của người dân và sức mua còn thấp của
thị trường đã ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp khiến chúng tôi chưa mấy mặn mà
với thị trường trong nước", đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Ngoài những lý do trên, các doanh nghiệp cho rằng,
cơ sở hạ tầng và điều kiện lưu thông phân phối hàng thủy sản trong nước còn yếu
kém cũng cản trở đơn vị họ phát triển thị trường trong nước. Gần đây, có một số
siêu thị đầu tư xây dựng các kho lạnh, bến bãi để vận chuyển và bảo quản hàng
đông lạnh, song yêu cầu thực tế lớn hơn rất nhiều. Các chuyên gia trong ngành
cho rằng, thị trường nội địa chỉ phát triển được nếu cơ sở hạ tầng cũng được đầu
tư phát triển tương xứng.
Nguồn thủy sản ngoại vào thị trường nội
làm phong phú thêm mặt hàng, người tiêu dùng cũng có nhiều cơ hội chọn lựa
hơn?
Hàng thủy sản nhập ngoại đến nay được nhận định là
chưa ảnh hưởng gì tới thị trường nội địa. Theo Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc,
việc nhiều nguồn thủy sản ngoại tham gia vào thị trường đã làm phong phú thêm
mặt hàng, người tiêu dùng cũng có nhiều cơ hội chọn lựa hơn. Ngoài ra, chính các
dòng sản phẩm ngoại vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra thế cạnh tranh cho các
doanh nghiệp trong nước. Nhờ vậy, họ sẽ tìm ra được một sự so sánh tương đối để
từ đó điều chỉnh phương pháp nuôi trồng cũng như sản xuất cho phù hợp.
Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu
thị trường nội địa theo hai góc độ là cung cầu thực tế của thị trường và đảm bảo
an ninh lương thực. "Đây là một vấn đề lớn và Bộ sẽ phải triển khai trong kế
hoạch 2006-2010", ông Tạ Quang Ngọc nói.
Trong năm 2005, kim ngạch xuất
khẩu của toàn ngành thủy sản đạt khoảng 2,65 tỷ USD, tăng 10,38% so với năm
2004. Hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 105 nước và vùng lãnh
thổ, trong đó thị trường Mỹ, Nhật, EU chiếm trên 69,8% về giá trị và 55,8% lượng
hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng chính là những thị trường có đòi hỏi khắt
khe về điều kiện vệ sinh thực phẩm.
Hàng thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường thế
giới thường gặp các rào cản pháp lý như chống bán phá giá. Song, rào cản về kỹ
thuật - tức là những yêu cầu về vệ sinh - ngày càng được áp dụng một cách khắt
khe hơn. Vụ cá tra, basa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị nghi ngờ sử dụng dư chất
kháng sinh bất hợp pháp vừa qua là một ví dụ điển hình. Ngư dân thì thắt ruột
đứng nhìn cảnh cá bị bán tống bán tháo với giá quá rẻ trong khi doanh nghiệp
cũng đành phải hạ giá và xuất sang những thị trường dễ dãi hơn, ít hấp dẫn hơn
do bị mất uy tín.
Càng ngày, bản danh sách các chất kháng sinh bị
cấm sử dụng càng dài. Cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng ngày một gay gắt,
trong khi khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam còn thấp. Các chuyên
gia cho rằng, sản xuất kinh doanh thủy sản đã đến lúc không thể chỉ trông chờ
vào khai thác tự nhiên, mà cần có đầu tư đồng bộ mới có thể phát triển với tốc
độ cao. Các doanh nghiệp cũng phải chịu khó tìm hiểu về luật pháp của những nước
nhập khẩu, tăng cường hiểu biết về các lực lượng kinh tế và thế lực khác tác
động đến thị trường các nước nhập khẩu. Và quan trọng hơn, doanh nghiệp phải
biết liên kết với nhau trong quá trình xử lý tranh chấp.
Nguồn:VNEXPRESS |