Dịch cúm gia cầm: Nguy cơ tái phát rất cao!
Chiều 5-2, phó cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm
cảnh báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm. Trong khi đó,
tại Indonesia có thêm hai trường hợp tử vong vì cúm A (H5N1).
Cơ hội bùng phát dịch.
Theo nhận định của ông Hoàng Văn Năm, thời điểm sau Tết Nguyên
đán (tháng hai, tháng ba) luôn là “cơ hội” để dịch bùng phát. Qua các đợt dịch
vừa qua cho thấy thời điểm này luôn bùng phát dịch ồ ạt trên diện rộng.
Thời tiết lạnh ở miền Bắc rất thuận lợi cho virus phát triển,
tồn tại. Hơn nữa, trước và trong dịp tết, lượng gia cầm, thủy cầm vận chuyển
buôn bán rất lớn, khả năng kiểm soát từ khâu vận chuyển đến giết mổ vì thế gặp
rất nhiều khó khăn.
Mặt khác đàn thủy cầm (nơi cư trú của virus cúm gia cầm) của VN
lại lớn (trên 60 triệu con), chủ yếu chăn nuôi theo hình thức chăn thả tự do nên
càng khó kiểm soát, virus cúm gia cầm có thể phát tán từ đàn thủy cầm. Đây chính
là những nguyên nhân, điều kiện thuận lợi để virus cúm gia cầm phát triển và tái
phát dịch vào tháng hai, tháng ba.
Ông Năm cho biết Cục Thú y đã có kế hoạch chủ động đối phó với
dịch. Trước và trong tết đã tăng cường nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát
kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn cũng đã làm
thủ tục và nhập về 150 triệu liều văcxin phòng cúm từ Trung Quốc (chưa kể 40
triệu liều văcxin còn thừa từ đợt tiêm phòng năm 2005) để chuẩn bị tiêm đợt 2
cho toàn bộ đàn gia cầm cả nước.
Ngày 16-2, Nam Định và Tiền Giang sẽ là hai địa phương đầu tiên
triển khai tiêm văcxin phòng cúm gia cầm đợt 2 (năm 2006).
Chiều mai (7-2), Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia
cầm sẽ họp bàn về các biện pháp đối phó với nguy cơ tái phát dịch.
Hong Kong cảnh báo đại dịch.
Ngày 4-2, một quan chức Bộ Y tế Indonesia cho biết kết quả xét
nghiệm tại phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Hong Kong xác nhận
thêm hai trường hợp tử vong tại Indonesia do virus H5N1, đó là một người bán
thịt gà 22 tuổi chết tháng trước và một thiếu niên 15 tuổi chết hôm 1-2 vừa qua,
nâng tổng số người chết vì căn bệnh này tại Indonesia lên đến 16 trường hợp.
Ngoài ra còn có hai bệnh nhân khác được phòng thí nghiệm trên
xác nhận là nhiễm cúm gia cầm nhưng cả hai người hiện vẫn còn sống. Như vậy, cho
đến nay ở Indonesia đã có 23 trường hợp được xác nhận nhiễm cúm gia cầm.
Trong khi đó tại Hong Kong, kết quả kiểm tra trên một con gà
chết được đem từ Trung Quốc đại lục đến cho thấy nó bị nhiễm virus H5N1. Người
đứng đầu ngành y tế Hong Kong York Chow cảnh báo virus H5N1 có nguy cơ trở thành
đại dịch ở Hong Kong.
Tuy nhiên ông Chow đề nghị công chúng không nên quá lo lắng khi
nói rằng cúm gia cầm không đe dọa nghiêm trọng đến cư dân thành thị Hong Kong,
trừ những người làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm hoặc có nuôi gà tại nhà.
Ông Chow cũng đặt ra câu hỏi về sự minh bạch trong việc báo cáo
tình hình cúm gia cầm ở Trung Quốc và liệu các biện pháp bảo vệ mà Trung Quốc áp
dụng có thật sự hiệu quả chưa. Hiện tại để ngăn chặn dịch cúm lây lan, Hong Kong
đã đề nghị cấm nuôi gia cầm trong sân nhà của các hộ dân.
Trong nỗ lực ngăn chặn cúm gia cầm, Liên minh châu Âu (EU) đang
xem xét tăng cường các biện pháp giữ gia cầm trong khu chăn nuôi tại những khu
vực chưa bị cho là có nguy cơ cao về cúm gia cầm. Đức và Pháp đã ban hành lệnh
yêu cầu người nuôi gia cầm không được thả chúng ra ngoài kể từ ngày 1-3 trong
vòng ít nhất hai tháng để tránh tiếp xúc với chim di trú.
Nguồn:TTOL-TTXVN- Reuters
|