Mô hình nuôi thỏ tạo việc làm
Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, ngoài nuôi trồng
các loại cây con truyền thống, nông dân luôn tìm kiếm các mô hình sản xuất phù
hợp, có giá trị kinh tế cao để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay,
ở các quận, huyện phổ biến mô hình nuôi thỏ các loại để xóa đói giảm nghèo, với
vốn đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc và tỷ lệ rủi ro, thất thoát không đáng kể,
có thể góp phần tăng nguồn dinh dưỡng, thay thế cho nguồn gà, vịt đang bị dịch
cúm.
Vợ chồng ông Mai Văn Long, khu vực Tân Thạnh, phường Trường
Lạc, quận Ô Môn chăm sóc giống thỏ mắt then.

Dọc tuyến lộ về thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ xuất hiện nhiều
điểm treo bảng bán thỏ giống, thỏ thịt. Điểm bán thỏ giống của ông Nguyễn Văn
Sát (thường gọi là ông Sáu bán thỏ), ấp Thới Bình A2, xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ
là địa chỉ được khách hàng gần xa tín nhiệm, không chỉ vì thỏ giống ở đây khỏe
mạnh, đẻ sai mà khi mua khách hàng còn được ông tư vấn cách chăm sóc thỏ. Vốc
từng nắm xác dừa trộn lẫn cám cho vào các ô trong chuồng, vuốt nhẹ bộ lông bóng
mượt của các chú thỏ, ông Sáu, nói: “Hôm qua, tôi vừa bán mấy chục thỏ giống cho
khách hàng ở tận Sóc Trăng, Cà Mau với giá 100.000 đồng/cặp. Bầy thỏ con mới đẻ
vài ngày đã có người đặt mua rồi, giống thỏ này bán “chạy” lắm!”.
Hơn một năm trước, thấy ông Sáu làm ăn trầy trật, không khá nổi
với nghề làm ruộng, nuôi heo, sui gia của ông Sáu ở Vũng Tàu bày cho ông cách
nuôi thỏ. Lúc đầu, ông Sáu chỉ nuôi 5 con thỏ giống để học hỏi, rút kinh nghiệm,
sau đó thấy hiệu quả, ông đóng thêm chuồng trại, nuôi nhiều thỏ hơn. Ông có hẳn
một quyển sổ ghi chép theo dõi ngày phủ giống, ngày thỏ đẻ. Cho tôi xem số thuốc
dành tiêm cho thỏ có ghi chú công dụng một cách cẩn thận, ông Sáu nói: “Nuôi thỏ
ít rủi ro, thất thoát, vì tôi rất chú trọng vệ sinh chuồng trại, tiêm thuốc
phòng dịch bệnh cho thỏ. Thức ăn cho thỏ có bán sẵn ở các cửa hàng, nhưng nếu
biết tận dụng cỏ, rau các loại thì lợi nhuận tăng hơn nhiều”. Chỉ riêng phần bán
thỏ giống đã mang lại cho ông Sáu một khoản lãi đáng kể, bình quân 4 triệu
đồng/tháng.
Cách nhà ông Sáu không xa là điểm bán các loại thỏ của anh
Hoàng Ngọc Lâm, con rể ông Sáu từ Vũng Tàu vào. Từ tháng 3-2004, anh Lâm mướn 1
công đất giá 5 triệu đồng/3 năm để nuôi thỏ giống và thỏ thịt. Việc làm ăn đang
hồi phát đạt, ngày nào cũng có khách hàng khắp nơi đến mua thỏ giống. Anh Lê Văn
Vũ, ấp Thới Bình A, xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ cũng đang nuôi khoảng 120 con
thỏ, cho biết: “Tui cũng theo ông Sáu ra Vũng Tàu mua thỏ giống về nuôi. Trước
đây, tui bán thỏ giống cũng chạy lắm, có khi không đủ nguồn cung ứng cho khách
hàng. Sau này, điểm bán thỏ giống của cha con ông Sáu “mạnh” quá nên tui chuyển
sang cung ứng thỏ thịt cho các nhà hàng, với giá 25.000 đồng/kg”. Anh Vũ khoe
chuẩn bị ăn tân gia căn nhà mới xây trị giá 90 triệu đồng, trong đó có tiền tích
lũy từ nuôi thỏ.
Theo Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ, mô hình nuôi thỏ giống, thỏ thịt
đang nhân rộng ở các xã, thị trấn nhiều nhất là xã Thới Hưng, Thới Thạnh, Trường
Thành, Đông Hiệp, Xuân Thắng... Bên cạnh việc phát triển mạnh mô hình nuôi cá
trên ruộng, mô hình nuôi thỏ đã giúp cho nhiều nông hộ tăng thu nhập, ổn định
kinh tế gia đình. Các cấp Hội Nông dân trong huyện đang tổ chức cho hội viên
tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả, đồng thời, có kế hoạch hỗ
trợ về phương pháp và con giống để giúp các hộ nghèo có điều kiện giảm nghèo nhờ
nuôi thỏ.
Mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả đáng kể trong giải quyết
việc làm tại chỗ, giúp nhiều hộ dân cải thiện thu nhập. Gia đình ông Mai Văn
Long, khu vực Tân Thạnh, phường Trường Lạc trước nay chuyên nuôi heo. Vốn đầu tư
nuôi heo khá lớn, giá cả lại bấp bênh nên lỗ lã, suýt gây nợ. Đang loay hoay tìm
nghề khác, một hôm, con trai ông mang về cặp thỏ mắt then mua ở Sa Đéc, Đồng
Tháp rồi đóng chuồng thả nuôi. Thấy nuôi thỏ thuận lợi, ông Long che thêm khu
đất phía sau nhà, xây chuồng nuôi thêm giống thỏ Đài Loan, Bắc Thảo. Hiện chuồng
thỏ của ông Long có khoảng 30 thỏ cái từ 3 kg trở lên. Tuy nhà ông ở khá xa
trung tâm xã nhưng vẫn có đông khách hàng khắp nơi tìm đến mua thỏ giống mắt
then, vì giá cả rất phải chăng. Ông Long cho biết: “Nuôi thỏ dễ mà khó, điều
quan trọng là phải biết giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm ngừa các loại bệnh
theo mùa, chú ý đừng để thỏ mắc nước dễ bị ghẻ”.
Chị Hứa Thị Kiều Loan, hội viên phụ nữ khu vực Tân Hưng, phường
Trường Lạc cũng nhờ nuôi thỏ mà kinh tế gia đình ổn định, sau một thời gian lao
đao vì heo mất giá, rồi dịch cúm gia cầm lan nhanh. Hiện nay, nhiều chị em phụ
nữ trong khu vực thường đến trại thỏ nhà chị Loan tham quan, học hỏi cách nuôi.
Chị Nguyễn Thị Thê, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trường Lạc, cho biết: “Lúc
đầu, các chị mua 1, 2 cặp thỏ, giá 80.000 – 100.000 đồng/cặp về nuôi, bỏ công
hái rau, cắt cỏ, chăm sóc theo hướng dẫn. Chỉ một thời gian ngắn, số thỏ tăng
nhanh và có thu nhập ngay. Trong tổng số trên 1.200 hội viên phụ nữ của phường,
có gần 20% chị áp dụng mô hình nuôi thỏ. Mức tiêu thụ thỏ thịt khá lớn và ổn
định, có lúc không cung ứng đủ cho các nơi”. Để khuyến khích chị em phát triển
kinh tế gia đình, Hội liên kết ngân hàng Chính sách – Xã hội cho chị em vay vốn
từ 2 triệu – 7 triệu đồng/chị, trong đó, co tạo điều kiện mở rộng mô hình nuôi
thỏ. Các lớp tập huấn khuyến nông, nuôi trồng thủy sản do địa phương tổ chức đều
có lồng ghép giới thiệu mô hình nuôi thỏ đạt hiệu quả cao nhiều nơi, hướng dẫn
cách chọn con giống tốt, ăn khỏe, mau lớn, đẻ sai...
Hầu hết ô dinh dưỡng phường Thường Thạnh, quận Cái Răng đều
nuôi thỏ để “cải thiện thực phẩm ô dinh dưỡng”; sử dụng tiền bán thỏ mua thức ăn
chăn nuôi cá. Chị Huỳnh Ngọc Ánh, cán bộ phụ trách chương trình dinh dưỡng, trạm
Y tế phường Thường Thạnh, cho biết: “Để tiếp tục nấu cháo dinh dưỡng phục vụ trẻ
ở 11 khu vực, từ tháng 4-2005, tôi mua cặp thỏ giá 50.000 đồng, giao cho anh
Tiên Hồng Phát, cộng tác viên dinh dưỡng (CTVDD) khu vực Thạnh Phú thả nuôi ở ô
dinh dưỡng. Đến nay, hầu hết ô dinh dưỡng của phường đều nuôi thỏ, từ 2 – 4
con/ô”. Thấy mô hình đạt hiệu quả, anh Phát đang đóng thêm chuồng nuôi thỏ để
tăng thu nhập gia đình. Chị Trần Ngọc Lan, CTVDD khu vực Yên Hạ, vừa được cung
cấp 4 thỏ giống nuôi ở ô dinh dưỡng, nói: “Mới hơn 1 tháng mà thỏ lớn mau như
thổi. Tôi chịu khó đi cắt cỏ, hái rau, cho ăn thêm lúa, khỏi tốn tiền mua thức
ăn. Tính ra, nuôi thỏ hiệu quả hơn các giống khác nhiều. Có vốn và nơi tiêu thụ,
nuôi nhiều thỏ sẽ mau khá lắm!”.
Đồng chí Phạm Thanh Cường, Chủ tịch UBND phường Thường Thạnh,
quận Cái Răng, cho biết: “Từ hiệu quả mô hình nuôi thỏ ô dinh dưỡng, phường đang
khuyến khích các Hội, đoàn thể áp dụng mô hình này để làm kinh tế phụ, góp phần
giảm nghèo. Khi mô hình phổ biến rộng rãi, số hộ nuôi tăng lên, phường sẽ liên
kết ngành chức năng hỗ trợ thêm về vốn, con giống đạt chuẩn, kỹ thuật”. Tuy
nhiên, khó khăn hiện nay là tìm đầu mối tiêu thụ thỏ thịt để ổn định giá cả,
không biến động khi lượng thỏ dồi dào... Đó cũng là nỗi lo của nhiều địa phương
đang khuyến khích phát triển mô hình nuôi thỏ. Theo anh Trần Việt Hùng, Phó Chủ
tịch Hội Nông dân xã Thới Thạnh, huyện Cờ Đỏ: Hầu hết các ấp trong xã đều có mô
hình nuôi thỏ. Theo các hộ nuôi thỏ với qui mô lớn, hiện nay, nguồn thỏ giống và
thỏ thịt không đủ cung ứng cho các nơi tiêu thụ. Thỏ mau đẻ và đẻ rất sai, nếu
trở thành phong trào rầm rộ thì hướng ra của số lượng thỏ này cũng là vấn đề cần
tính toán, tiên liệu trước khi nhân rộng mô hình.
Hiện nay, mô hình nuôi thỏ ở các địa phương đều tự phát, nông
dân tự đầu tư mua con giống về nuôi theo kinh nghiệm, tự tìm nơi tiêu thụ. Nhiều
nông hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trở thành nơi cung ứng con giống đáng tin
cậy cho các hộ mới nuôi thỏ. Điều này đã góp phần cải thiện thu nhập cho các hộ
và thay thế nguồn thực phẩm gà, vịt đang trong thời kỳ phải ngưng chăn nuôi và
sử dụng. Tuy nhiên, khi nuôi thỏ đã trở thành phong trào thì sẽ phát sinh những
vấn đề về vốn, kỹ thuật và giá cả, đầu mối tiêu thụ sản phẩm... rất cần sự can
thiệp giải quyết của các cấp, ngành chức năng để mô hình phát triển căn cơ, bền
vững. |