Mỏ nghêu Bến Tre:Biển lành ...nghêu hội.
Trong nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, con
nghêu đang mang lại lợi nhuận kinh tế khá cao, đặc biệt nghêu thịt được đánh giá
cao về dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện tại, con nghêu xuất xứ từ Bến
Tre có uy tín và chiếm lĩnh nhiều thị trường ở châu Âu, châu Á. Song, để con
nghêu Bến Tre trở thành thương hiệu mạnh, bền vững, cốt lõi của vấn đề vẫn là
làm sao có được môi trường sinh thái trong lành để con nghêu quần cư sinh sản,
phát triển. Một vùng sinh thái lý tưởng
Bến Tre có trên 65km bờ biển với 4 cửa sông lớn đổ ra biển
Đông là cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên. Theo chế độ bán nhật triều,
chính dòng triều ra vào từ 4 con sông lớn trên đã tạo thành hàng chục ngàn ha
đất bãi dọc theo bờ biển Bến Tre. Điều kiện tự nhiên ưu đãi hợp cùng với vùng
ven biển nhiệt đới gió mùa đã tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế
biển, trong đó nguồn lợi từ con nghêu quần cư ở các bãi triều ven biển là một
tiềm năng kinh tế lớn cho Bến Tre. Con nghêu hiện đóng góp quan trọng vào tỉ
trọng xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Và cũng từ con nghêu, những năm gần đây, đã
góp phần làm tăng lợi ích cộng đồng, cơ sở hạ tầng của các xã ven biển Bến Tre
được nâng cấp và cải thiện.
Hiện tại, diện tích bãi nghêu trên toàn tỉnh Bến Tre tới trên
15.000 ha, trong đó huyện Bình Đại (Thới Thuận, Thừa Đức) có diện tích lớn nhất
là 5.400 ha, Ba Tri (Bảo Thuận, An Thủy) gần 5.000 ha, Thạnh Phú (Thạnh Phong,
Thạnh Hải) trên 3.700 ha. Diện tích bãi nghêu bố/mẹ (nằm ở cửa sông Ba Lai) 389
ha. Sản lượng nghêu cho thu được hiện từ 100.000 – 150.000 tấn/năm.
Qua khảo sát của những nhà làm “Luận chứng khoa học của một số
giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi nghêu, sò huyết ở bãi triều ven biển tỉnh
Bến Tre”: Chế độ dòng chảy vùng triều ven biển Bến Tre là sự kết hợp động lực
của quá trình mưa lũ và thủy triều. Cấu trúc dòng chảy khá phức tạp ở vùng giao
thoa giữa sông và biển, đã tạo nên vùng giáp nước có đặc trưng riêng về động
lực. Vùng giáp nước thường có cấu trúc dòng biến đổi theo độ sâu, dòng chảy giảm
dần từ mặt xuống và có hướng ngược với tầng mặt. Hiện tượng này tạo ra cho vùng
giáp nước là nơi tích tụ vật chất từ sông đưa ra và từ biển đưa vào. Đó cũng
chính là sự hình thành các bãi nghêu ven biển Bến Tre. Các bãi nghêu thuộc loại
bãi triều cát mịn-trung (chiếm trên 87%), môi trường địa hóa mang tính khử yếu
và rất ít sunfua…Diện tích bãi thường biến đổi từ vài trăm ha đến hàng ngàn ha.
Chiều dài bãi từ vài trăm mét đến hàng chục ngàn mét. Chiều rộng bãi từ vài chục
mét đến 5.000 mét.
Nghêu là loài nhuyễn thể ăn lọc, thành phần thức ăn chủ yếu là
mùn bã hữu cơ. Thành phần thức ăn không biến đổi lớn theo kích thước cá thể,
nhưng nghêu biến đổi khá rõ theo mùa khí hậu. Nghêu ở vùng ven biển Bến Tre sinh
sản hầu như quanh năm, nhưng mùa đẻ tập trung vào tháng 3 đến tháng 6-7 hàng
năm. Chất lượng môi trường sống và sản phẩm nghêu ven biển Bến Tre vẫn đang ở
trạng thái sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, bãi nghêu Bình Đại và
Thạnh Phú là một trong 7 điểm của cả nước được Bộ Thủy sản chọn làm thí điểm về
chất lượng môi trường và Bến Tre cũng là đơn vị có đủ tiêu chuẩn về quản lý chất
lượng để xuất khẩu con nghêu vào thị trường châu Âu (HACCP).
Những năm trước đây, nghêu chở đến các chợ, đổ đầy đàng đầy
đống, bán ra chỉ giá 2.000 -3.000 đồng/ kg (nghêu vỏ). Còn vào thời điểm giáp
Tết Bính Tuất 2006, tại các sân nghêu, giá nghêu luôn ở mức 12.000 – 13.000
đồng/kg, có bao nhiêu cũng bán hết. Tại chợ thị xã Bến Tre, giá nghêu lên cao
chưa từng có: 15.000 đồng/kg, những người “thèm” nghêu giờ đây mua nghêu phải…
nhăn mặt! Theo Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi thủy sản Rạng Đông Nguyễn Quốc Dũng,
chỉ riêng HTX hàng năm đã khai thác trên 8.000 tấn nghêu thịt lẫn nghêu giống và
hiện nay, trữ lượng nghêu trên toàn tỉnh xem ra sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa.
Nguyên do? Ông Dũng cho rằng: “Đất lành… nghêu tựu”.
Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bến Tre (BESEACO) Bùi Văn
Kính cho biết: “Nghêu thịt đông lạnh đang xuất mạnh vào thị trường châu Âu,
Nhật, Trung Quốc, Đài Loan… Năm 2002, khi nghêu bắt đầu xuất khẩu mạnh, một tấn
nghêu thịt đông lạnh thành phẩm xuất khẩu giá 1.800 – 1.900 USD, còn hiện nay
lên tới 3.200 – 3.500 USD. Các công ty đông lạnh thủy sản xuất khẩu chủ lực ở
Bến Tre như FAQUIMEX (Công ty xuất nhập khẩu Lâm Thủy sản Bến Tre), AQUATEX
(Công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Bến Tre) và công ty BESEACO của chúng tôi
sản xuất bấy nhiêu đều xuất hết bấy nhiêu. Với thị trường châu Âu, khách hàng
thích con nghêu trắng (nghêu ở vùng biển Bến Tre) hơn con nghêu lụa (nghêu màu
hồng, có nhiều ở vùng biển Bình Thuận). Bởi thế, hiện giá xuất khẩu nghêu trắng
luôn cao hơn nghêu lụa…”.
Tại Công ty Aquatex, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu hiện nay cũng
là nghêu. Giám đốc Đặng Kiết Tường cho biết: “Để đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn
HACCP, Công ty đã đưa vào hoạt động băng chuyền đông rời (IQF) để tăng năng suất
và bảo đảm chất lượng nghêu đông lạnh xuất khẩu. Để giữ thị trường, nhất là thị
trường “khó tính” như châu Âu, khâu thành phẩm được công ty kiểm tra nghiêm ngặt
và luôn được khách hàng đánh giá cao…”. Và với Nhà máy chế biến thủy sản đông
lạnh xuất khẩu Ba Lai (FAQUIMEX), công ty đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền
trang thiết bị chế biến hiện đại để làm hàng tôm và nghêu xuất khẩu, như hệ
thống băng chuyền cấp đông siêu tốc IQF thẳng 500 kg/giờ, hệ thống băng chuyền
cấp đông siêu tốc IQF xoắn 500 kg/giờ, cả hai hệ thống trên đều cùng hiệu
Frigoscandia (Thụy Điển) sản xuất năm 2003. Cùng với chất lượng tốt của con
nghêu Bến Tre, việc tỉnh nhà mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại trong chế biến
thủy sản đông lạnh đã giúp nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm nghêu xuất
khẩu theo yêu cầu “khó tính” của các thị trường nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre, Trần Thị Thu Nga, cho hay:
“Trữ lượng nghêu của toàn tỉnh Bến Tre ước tính khoảng 216.000 - 456.000 tấn,
khả năng khai thác là 150.000 – 312.000 tấn/năm, trong đó sản lượng chủ yếu là
khai thác tự nhiên, còn sản lượng nuôi chỉ khoảng 20.000 – 50.000 tấn/năm. Rõ
ràng, việc khai thác tự nhiên và qui hoạch nuôi chưa hợp lý đã làm giảm tiềm
năng thực tế ở các bãi nghêu”. Theo bà Nga, phương thức quản lý thích hợp hiện
nay cho các bãi nghêu là khoán diện tích mặt bằng và quản lý cộng đồng.
Xin nêu một hiệu quả về phương thức quản lý cộng đồng như sau: Sự sinh
trưởng của con nghêu trong năm đầu nhanh hơn những năm tiếp theo. Khi nghêu đạt
trên 3 năm tuổi, mức sinh trưởng rất chậm (tuổi thọ nghêu khoảng 11 năm, tương
ứng với chiều dài thân 85 mm). Với quản lý cộng đồng, các HTX sẽ thu hoạch nghêu
thịt theo lịch qua theo dõi tiến trình sinh trưởng của nghêu tại các bãi do HTX
quản lý, tránh tình trạng khai thác nghêu vô tội vạ lúc nghêu đang tăng trưởng
nhanh và ngược lại. Ngoài ra, quản lý cộng đồng còn là phương thức tối ưu để tạo
công bằng trong ăn chia sản phẩm nghêu, giải quyết lao động và tăng thu nhập cho
người lao động tại địa phương thông qua công sức của họ đóng góp vào công việc
quản lý HTX hoặc khai thác nghêu. Sức mạnh tập thể đó là thế trận hữu hiệu nhất
để bảo vệ các bãi nghêu trước nạn trộm cắp vẫn thường xuyên diễn ra, nhất là với
nguồn nghêu giống quý giá của địa phương.
Đến cuối năm 2005, Bến Tre có 10 HTX nuôi nghêu: huyện Thạnh
Phú 5 HTX, Ba Tri 3 HTX và Bình Đại 2 HTX, trong đó 2 HTX ở Bình Đại là Rạng
Đông (Thới Thuận) và Đồng Tâm (Thừa Đức) là nơi làm ăn có hiệu quả nhất với gần
100% sản lượng nghêu sinh sản được quản lý và khai thác tốt. Với HTX Rạng Đông
và Đồng Tâm, cách thức quản lý tập thể theo nguyên tắc: quản lý dân chủ - bình
đẳng - cùng có lợi, đã giúp cho các xã viên thể hiện rõ quyền làm chủ tập thể;
góp phần cùng chính quyền địa phương tại các xã ven biển Bến Tre thực hiện tốt
các chính sách xã hội, đền ơn đáp nghĩa, giải quyết phần lớn việc làm cho nhân
dân lao động, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển rõ rệt.
Để con nghêu Bến Tre càng đi xa, phát triển bền vững, mới đây,
Sở Thủy sản Bến Tre phối hợp với Hội đồng quản lý hải sản Nhật (MSC) xây dựng
thương hiệu cho con nghêu Bến Tre. Hiện tại, phái đoàn MSC đang tiếp tục quá
trình điều tra, khảo sát, tổ chức hội thảo, định hướng các bước còn lại để tiến
đến chứng nhận thương hiệu. “Thương hiệu con nghêu Bến Tre”, tại sao không?
Nguồn:BĐT CT
|