Đồng Nai: Phát triển nuôi dê bằng các giống mới
Hiện đàn dê trong tỉnh Đồng Nai đã lên tới khoảng 40.000 con,
tăng gần 2 lần cách đây 2 năm và bình quân mỗi ngày cung ứng cho thị trường cả
chục tấn thịt. Những nơi có đồng cỏ lớn và nhiều phụ phẩm nông nghiệp như huyện
miền núi Xuân Lộc, Thống Nhất, Long Thành, Cẩm Mỹ, Tân Phú ngoài việc chú trọng
phát triển nuôi bò sinh sản, bà con đang đầu tư nguồn vốn nuôi dê thịt theo 2
phương thức nuôi thả và nuôi nhốt chuồng tùy theo hoàn cảnh, khả năng đang mang
lại hiệu quả kinh tế cao, giúp không ít hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm
giàu.
Kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi cho thấy: chỉ cần nuôi từ 20
con dê trở lên, mỗi năm sẽ cho thu nhập vài chục triệu đồng. Đấy là chưa kể
nguồn phân bón dồi dào trong việc thâm canh các loại cây ăn trái và cây công
nghiệp.
Phong trào nuôi dê mới phát triển ở Đồng Nai từ năm 2000 với số
lượng vài nghìn con. Do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng và điều kiện tự
nhiên khá thuận lợi nên 5 năm qua, số lượng dê tăng đột biến, nhất là ở các địa
phương có đồng cỏ và điều kiện chăn thả như huyện miền núi Xuân Lộc hiện có đàn
dê lên tới gần 10.000 con, trong đó riêng xã Xuân Bắc nuôi tới gần 1.000 con.
Các giống dê nuôi ở Đồng Nai chủ yếu là các giống dê cỏ, bách thảo, giống
Alpine, Saanen, Barbari, Beetan... Tuy khi xuất chuồng chỉ cân nặng từ 35 đến 40
kg, nhưng các loại dê này mắn đẻ, phàm ăn và ít bệnh tật, dễ nuôi.
Đặc biệt cách đây hơn 1 năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng
Nai nhập về từ úc gần 100 dê giống Boer để nuôi khảo nghiệm tại xã An Phước,
huyện Long Thành đang phát triển khá thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông
dân trong tỉnh nhân nhanh giống để thay thế dần các giống dê năng suất thịt thấp. Đàn dê Boer đã phát triển lên hơn 200 con với
trọng lượng khi trưởng thành từ 120 đến 135 kg/con, cao gấp 3 lần trọng lượng và
sản lượng sữa tăng 1,5 lần so với các giống dê khác đang nuôi tại Đồng Nai. Dê
Boer có ưu điểm phàm ăn, sinh sản nhanh, bình quân mỗi năm đẻ từ 1,5 đến 2 lứa,
mỗi lứa từ 1 đến 2 con và trọng lượng lượng dê sơ sinh từ 3 đến 3,5 kg/con. Hiện
giá một con dê Boer giống trưởng thành khoảng 35 triệu đồng và dê dưới 25 kg giá
8 triệu đồng mà vẫn không đủ số lượng cung cấp cho nhân dân mặc dù đã có một số
hộ chăn nuôi bước đầu lai tạo thành công giữa giống dê Boer với giống bách thảo,
tạo ra giống F1có ưu thế vượt trội so với các giống đang nuôi tại địa phương.
Trong những năm qua, Trung tâm khuyến nông Đồng Nai phối hợp
với Trạm khuyến nông các huyện không ngừng chuyển giao kỹ thuật nuôi dê cho nông
dân từ khâu làm chuồng trại, chọn giống đến cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh,
nhờ đó đàn dê không ngừng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đầu
năm đến nay, giá dê thịt ở Đồng Nai dao động ở mức từ 33.000 đến 35.000 đồng/kg,
giá dê cái giống 150.000 đồng/kg, dê đực giống 150.000 đồng/kg và giá sữa dê
khoảng 20.000 đồng/kg, cao gần 5 lần so với sữa bò. Đặc biệt vừa qua, tại xã Tây
Hòa, huyện Trảng Bom đã thành lập Câu lạc bộ nuôi dê chất lượng cao đầu tiên ở
tỉnh Đồng Nai gồm 12 hộ chăn nuôi với hơn 500 con, do ông Hồ Sáu, Chủ tịch Hội
Nông dân xã là chủ nhiệm. Riêng ông Hồ Sáu có đàn dê chăn thả lớn nhật huyện với
khoảng 200 con.
Ngoài việc hướng dẫn người chăn nuôi kỹ thuật chăm sóc, phòng
chống dịch, Câu lạc bộ nuôi dê chất lượng cao của xã còn lo đầu ra cho các thành
viên cũng như bà con nông dân trong xã. Hiện mỗi ngày Câu lạc bộ xuất xuất cho
các nhà hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh hơn 10 con dê và khả năng còn tăng cao
trong những tháng tới. Ông Hồ Sáu cho biết: nuôi dê không khó, chỉ cần làm
chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, lát ván gỗ cao 0,7 m; đến mùa mưa phải hun muỗi
ban đêm; cho dê ăn đầy đủ lượng cỏ, lá và bổ sung lượng muối cần thiết; đối với
dê mẹ sau khi sinh đẻ phải xổ giun và tăng hàm lượng thức ăn. Ông Sáu cũng cho
biết; chỉ với đàn dê 200 con, mỗi năm gia đình ông có mức thu nhập khoảng 200
triệu đồng.
Còn ông Ngô Công Hải ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom có đàn dê
125 con, trong đó có 60 con nái đẻ mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng...
Việc nuôi dê ở Đồng Nai đang phát triển khá thuận lợi với quy mô lớn không ngừng
tăng nhưng hiện các giống dê nuôi lâu nay trên địa bàn tỉnh đã và đang bị thoái
hóa, ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng thịt, sữa. Đấy là chưa kể
nhiều hộ nghèo rất muốn nuôi dê nhưng do giá dê giống ngày một tăng và ít vốn
nhưng lại không có tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng nên khó bề nuôi dê. Cùng
với việc nhanh chóng lai tạo ra giống dê lai F1 từ giống dê Boer với giống bách
thảo để cung ứng cho nông dân, Trung tâm khuyến nông tỉnh đang tìm mọi nguồn vốn
để nhập thêm giống dê Boer từ úc và các giống dê khác từ Hoa Kỳ để tạo đà cải
tạo cơ bản giống dê địa phương trong vài năm tới.
Nguồn tin:SX&TT
|