Hòa Khương giàu nhờ nuôi cá
Nuôi cá nước ngọt là mô hình SX-KD đem lại hiệu quả kinh tế
cao, đang phát triển mạnh ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang - TP Đà Nẵng). Từ mô
hình này, nhiều khu đất cỗi cằn đã hóa thành những hồ nước "hái ra vàng" và
nhiều nông dân nhờ đó trở thành triệu phú.
"Đại gia" trong nghề nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương phải kể đến
ông Nguyễn Ngọc Xảo ở thôn Phú Sơn 2 và ông Ngô Văn Năm ở thôn 5. Hai ông là
những "chiến sĩ tiên phong" nuôi cá quy mô lớn, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu
đồng. Ông Nguyễn Ngọc Xảo hiện nay đã ươm được cá giống để cung cấp cho nông
dân. Hễ ai cần cá giống là đến ông mua mấy cũng có. Còn ông Ngô Văn Năm thì nhận
khoán cả khu hồ rộng gần 80.000 m2, kết hợp nuôi cá với trồng sen, đạt hiệu quả
kinh tế cao và tạo việc làm thời vụ cho nhiều người.
Sau hai đại gia này, nhiều nông dân Hòa Khương lần lượt chuyển
đổi vườn tạp, vườn cây lâu năm và cả ruộng lúa để làm thành những hồ nuôi cá.
Mặt thuận lợi cơ bản ở đây là có hệ thống kênh mương chảy từ hồ Đồng Nghệ với
giá thủy lợi phí rất rẻ (nước cung cấp cả năm chỉ tốn 50.000 đ/sào). Hồ cá nào
cũng có ống dẫn nước vào và ống dẫn nước ra, nước thay đổi thường xuyên, tạo nên
môi trường tốt cho cá phát triển. Thức ăn của cá là bột cám, bánh dầu, phân cút
và cỏ đều là những thứ rẻ tiền hoặc có sẵn trong tự nhiên. Nuôi cá ít lo dịch
bệnh, chỉ chú trọng khâu xử lý ao trước khi thả cá. Tất cả yêu cầu kỹ thuật,
cách chọn cá giống, hàm lượng thức ăn và phương pháp cho cá ăn đều đã được các
cấp Hội Nông dân tập huấn, hướng dẫn tỉ mỉ. Do đó, phong trào đã phát triển mạnh
tại 7/10 thôn trong xã, với các loại cá trắm, chép, mè, trôi, lóc, rô phi đơn
tính. Loại nào cũng chỉ nuôi từ 6-8 tháng là thu hoạch. Những năm gần đây, Hội
Nông dân TP còn hỗ trợ giống cá chim trắng, cho năng suất rất cao.
Các hộ ông Ngô Viết (thôn 4), ông Trần Văn Hòa (thôn Phú Sơn
1), ông Nguyễn Ngọc Mai (thôn Phú Sơn 2), ông Nguyễn Tâm (thôn Phú Sơn 3)...,
vốn là những hộ nghèo khó, nhờ nuôi cá nước ngọt đã trở thành khá giả, ai cũng
có lái buôn đến tận nhà để mua cá. Ông Trần Vinh ở thôn Phước Sơn là cán bộ hưu
trí, con cái đã trưởng thành, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Hồi mới về
hưu, ông cũng một nắng hai sương, ra sức cày cấy để tăng thu nhập. Âëy vậy mà,
bao năm "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" vẫn không giúp ông cải thiện được đời sống gia
đình. Từ năm 2000 đến nay, ông chuyển sang nuôi cá trên diện tích 4.000 m2. Ông
làm hẳn một trại chứa thức ăn ngay trên mặt hồ. Ngày ngày, ông chỉ việc rải thức
ăn xuống nước theo một lịch trình mà ông đã được tập huấn và có sách hướng dẫn
cụ thể. Công việc nhẹ nhàng, nhưng đem lại khoản lãi ròng cho ông mỗi năm trên
30 triệu đồng.
Cũng tại thôn Phước Sơn, ông Lê Đức Bảy đã đầu tư cải tạo cả
khu đất hoang ở chân núi Sơn Gà, xây dựng một hồ cá giống và 5 hồ cá thịt với
tổng diện tích 10.000 m2 mặt nước và 5.000 m2 đất xung quanh các hồ. Trên cơ
ngơi này, ông chăn nuôi liên hoàn giữa cá, lợn, gà, vịt, bổ trợ nhau phát triển
khá tốt. Ông đã trồng 3 sào cỏ lùng để làm thức ăn cho cá và hợp đồng với một
chủ trại chim cút để lấy phân cút cho cá ăn. Ông cho biết, ban đêm ông bắc một
bóng điện giữa hồ, loài phù du thấy sáng là thi nhau bay vào và thi nhau rơi
xuống nước, trở thành "món ăn đặc sản" cho cá! Từ ngày có các hồ cá, kinh tế gia
đình ông khá hẳn. Chẳng những ông đã xây được nhà tầng, lo cho các con học hành
chu đáo mà còn có điều kiện đóng góp, ủng hộ cho các hoạt động từ thiện - xã hội
tại địa phương.
Phong trào nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương ngày càng mở rộng,
trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở xã. Từ dăm ba hộ nuôi
nhỏ lẻ trước kia, đến nay toàn xã đã có 258 hộ chuyên nuôi cá với tổng diện tích
trên 80 ha, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha/năm (tức là gấp 3 lần so với
trồng lúa). Hiện nay, nhiều hộ mới đang hối hả cải tạo đất vườn, đất hoa màu, kể
cả đất ở các triền núi để làm hồ cá.
Nguồn tin:NNVN
|