Hướng tới mục tiêu một triệu tấn sữa năm 2010
Mặc dù sản lượng sữa đã tăng 7,2 lần trong mười năm qua, nhưng
cũng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sữa tươi trong nước, số còn lại phụ thuộc hoàn toàn
nhập khẩu. Ngành chăn nuôi bò sữa vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cần phải
vượt qua trong lộ trình đạt một triệu tấn sữa vào năm 2010. Những kết quả
đáng mừng
Mặc dù ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam đã đi qua chặng đường
hơn 50 năm, nhưng chỉ đến khi có Chương trình quốc gia về phát triển bò sữa giai
đoạn 2000-2010, thể hiện bằng Quyết định số 167 (ngày 26-10-2001) của Thủ tướng
Chính phủ về các biện pháp và chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò
sữa, ngành kinh tế này mới có bước phát triển cả về tổng đàn, sản lượng lẫn năng
suất sữa.
Theo số liệu thống kê, đến ngày 1-8-2005, tổng đàn bò sữa cả
nước đạt 104.120 con (mục tiêu là 100 nghìn con vào năm 2005), tương ứng với sản
lượng sữa là 197.679 tấn, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Như vậy, trong năm năm trở lại đây, tốc độ tăng đàn trung bình đạt
27,8%/năm, sản lượng sữa tăng 30%/năm. Có khoảng 94% số bò sữa được nuôi tại
19.805 hộ, quy mô phổ biến từ 3 đến 20 con trong một hộ; đã xuất hiện một số
trang trại quy mô chăn nuôi từ 200 đến 2.000 con bò sữa.
Ngoài những vùng nuôi bò sữa truyền thống, như Mộc Châu, Lâm
Đồng, Ba Vì.., đến nay, đã có 32 tỉnh, thành phố tham gia Chương trình phát
triển bò sữa; hình thành nhiều vùng chăn nuôi bò sữa mới như TP Hồ Chí Minh,
Tuyên Quang, Bình Định, Long An, Sơn La.
Nhờ những tiến bộ mới trong lai tạo giống bò, năng suất sữa đã
tăng đáng kể. Nếu như năm 2000 chỉ đạt 3.300-3.400 lít/chu kỳ vắt sữa đối với bò
lai HF thì nay lên tới 3.800 lít (12,5 lít/con/ngày), tương tự với bò thuần là
4.500 lít/chu kỳ.
Công tác quản lý giống bước đầu tiếp cận được công nghệ sinh
học và công nghệ thông tin. Việc quản lý trên mạng máy tính đã cập nhật được số
liệu bò và kiểm soát chất lượng con giống của hơn 42% tổng đàn. Đặc biệt, việc
áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ đã theo dõi được lý lịch
từng con giống, góp phần nâng cao chất lượng đàn bò sữa.
Giá sữa thấp, chưa tương xứng với việc đầu tư chăn nuôi
PGS, TS Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Chăn nuôi tính: "Với sản
lượng sữa hơn 197 nghìn tấn, ngành chăn nuôi bò sữa đã mang lại lợi nhuận khoảng
750 tỷ đồng/năm, và nếu tính theo giá nhập khẩu, sẽ là 1.800 tỷ đồng". Song, nếu
tính hiệu quả thu nhập cho các hộ chăn nuôi bò sữa thì lại chưa tương xứng mức
đầu tư cao, bởi thế nhiều hộ muốn bỏ nghề. Mặc dù sản lượng sữa đã tăng 7,2 lần
trong mười năm qua, nhưng cũng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sữa tươi trong nước, số
còn lại phụ thuộc hoàn toàn nhập khẩu.
Một nghịch lý là, giá thu mua sữa của các nhà máy chế biến quá
thấp, không đủ để khuyến khích nông dân đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa, còn bản thân
các nhà máy lại thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu với giá cao.
Trong nhiều năm, giá thức ăn tinh tăng rất nhanh trong lúc giá
sữa mua của nông dân hầu như tăng không đáng kể, phổ biến giá sữa còn thấp hơn
do không đạt tiêu chuẩn của nhà máy. Tương quan giữa giá sữa và giá thức ăn chưa
hợp lý gây khó khăn cho nông dân, nhất là ở những vùng ven thành phố.
Theo điều tra của Viện Chăn nuôi, giá thành thu mua sữa tại
trang trại của các nhà máy chế biến trong nước chỉ từ 3.000 đồng/kg (Mộc Châu,
Sơn La) đến 3.900 đồng. Duy nhất có nhà máy sữa Milass Thanh Hóa đang mua sữa
của nông dân với giá 4.500 đồng/kg tại trang trại và 4.800 đồng/kg tại nhà máy
(so với giá nhập khẩu, mức này vẫn rẻ hơn 1.100 đồng/kg).
Thiếu nguyên liệu, chúng ta phải nhập sữa bột, sau khi hoàn
nguyên thành sữa tươi với tỷ lệ 1/8, giá đã gần 5.900 đồng/kg (cao gấp rưỡi so
với giá thu mua sữa tươi của nông dân).
Tại vùng bò sữa Phù Đổng (Hà Nội), nơi được coi là có thâm niên
cao về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa, có hệ thống dịch vụ thu mua sữa ổn
định, vậy mà số hộ chăn nuôi bò sữa cũng giảm, chỉ còn 448 hộ so với 560 hộ của
năm trước. Ông Hoàng Trọng Thuyên, Chủ nhiệm HTX dịch vụ chăn nuôi bò sữa Phù
Đổng, cho biết: "Mỗi ngày, Phù Đổng sản xuất hơn một tấn sữa. Công ty VINAMILK
thu mua với giá 3.900 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ đạt 3.600-3.700 đồng/kg do sữa
chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Gia đình nào nuôi tốt, năng suất đạt 12-13
lít sữa/con/ngày, thì tính ra cũng chỉ được 20-25 nghìn đồng/công lao động".
Đối với một ngành đòi hỏi kỹ thuật và đầu tư cao, thì sự phát
triển nhanh trên một địa bàn quá rộng đã gây ra bất cập về nhiều mặt. Trước hết,
phải kể đến "cơn sốt" giống vào năm 2002, 2003, khi có thêm 16 tỉnh, thành phố
gia nhập Chương trình quốc gia về phát triển bò sữa, so với quy hoạch ban đầu là
16 tỉnh.
Tiếp đến, một số địa phương do quá nôn nóng, cho nên tìm mọi
cách nhập khẩu bò sữa từ Australia và New Zealand, trong khi chưa chuẩn bị đầy
đủ các điều kiện về nhân lực và kỹ thuật. Rồi do tâm lý lo ngại thiếu giống, cho
nên các hộ nông dân đổ xô đi mua cả những con giống kém chất lượng. Ở nhiều nơi,
người chăn nuôi còn ít hiểu biết về cách thức nuôi dưỡng và phòng bệnh (phần lớn
nuôi sai kỹ thuật, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y), trong khi cán bộ thú
y về bò sữa còn yếu về trình độ chuyên môn, nhất là các bệnh sinh sản ở bò. Việc
chuẩn bị thức ăn thô xanh còn bị xem nhẹ, nông dân còn ít chú ý việc chế biến
phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò sữa. Dịch vụ chăn nuôi lẫn thu mua sữa ở
một số nơi còn thiếu, chưa xây dựng được các mô hình thí điểm để hỗ trợ nông dân
trong kinh nghiệm chăn nuôi. Ở nhiều địa phương, do cách làm dự án chưa hợp lý,
người nuôi vẫn còn quan niệm đây là "bò dự án", vì vậy trách nhiệm trước vốn vay
không cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đàn bò sữa.
Cần những giải pháp hữu hiệu
Việc phát triển bò sữa chỉ có ý nghĩa khi tạo thêm được công ăn
việc làm và đem lại lợi nhuận cho những hộ chăn nuôi nhỏ. Trong sự cạnh tranh
thị trường gay gắt hiện nay, phải có các hình thức và giải pháp hữu hiệu để giúp
ngành này vượt qua thử thách. Một trong những giải pháp quan trọng là, các địa
phương cần quy hoạch cụ thể vùng chăn nuôi bò sữa (vừa thuận lợi cho việc tổ
chức các dịch vụ thú y, thức ăn, trao đổi giống, vừa là nơi để nông dân học hỏi
kinh nghiệm và hình thành những tổ hợp tác). Có chính sách trợ giúp kỹ thuật
thông qua đào tạo kiểu mẫu, cho các hộ nông dân tiếp tục vay vốn mở rộng quy mô
chăn nuôi, đồng thời, tổ chức quản lý hệ thống giống thật tốt. Nên chăng, thu
hẹp diện phát triển bò sữa, tập trung vào các vùng thuận lợi về thức ăn, nhất là
thức ăn thô xanh, trình độ kỹ thuật của người nuôi tương đối tốt. Không phát
triển bò sữa ở các vùng hằng năm bị lũ lụt như đồng bằng sông Cửu Long, cũng
không nên nuôi bò sữa ở các vùng khô hạn.
Thống kê, đánh giá, chọn lọc lại đàn bò sữa; kiên quyết loại
thải những con giống chất lượng kém. Đồng thời, tìm cách hạ thấp chi phí của sản
phẩm và tăng giá mua cho nông dân. Nhà nước cần xác lập cơ chế thu mua sữa hợp
lý, với hình thức Nhà nước, doanh nghiệp chế biến và nông dân cùng thỏa thuận,
quyết định giá sữa phù hợp, chứ không chỉ là các nhà máy tự quyết định. Có như
vậy mới bảo đảm lợi ích của người chăn nuôi.
Nguồn tin: Báo Nhân dân Điện tử |