Chính phủ đồng ý hủy và giết mổ toàn bộ đàn thuỷ cầm
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm khẳng định: "Đàn thuỷ cầm hiện nay chính là những kho chứa virus H5N1. Thời gian qua, dịch cúm gia cầm phát ra chủ yếu từ đây. Vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã đồng ý xử lý toàn bộ đàn thuỷ cầm của cả nước với trên 62 triệu con".
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã có những quy định ngừng ấp nở thuỷ cầm, nhưng đàn thuỷ cầm cả nước vẫn không hề giảm mà lại còn tăng thêm hơn 3 triệu con. Tính đến ngày 1/8/2004, đàn thuỷ cầm của cả nước là 58,9 triệu con, nhưng đến ngày 30/11/2005, đàn thuỷ cầm đã lên tới trên 62 triệu con.
Ông Cao Đức Phát khẳng định, nguyên nhân tình hình dịch cúm gia cầm phức tạp như hiện nay chính là từ đàn thuỷ cầm. Xét nghiệm huyết thanh cho thấy, có đàn thuỷ cầm có tới 90% mẫu huyết thanh dương tính.
Ở miền Nam, bình quân là 70%, còn ở miền Bắc có nơi tới 20%. Đây thực sự là một kho virus H5N1. Và nếu tiếp tục duy trì đàn thuỷ cầm thì không thể dập được dịch.
Bộ Trưởng Cao Đức Phát nói: “Vì đàn thuỷ cầm nên vi rút có ở khắp mọi nơi, chúng ta dập là dập ở những vùng có gà vịt chết, nhưng bây giờ có thể khẳng định, những nơi không có gà vịt chết cũng có thể có dịch. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị cấm tất cả các lò ấp thuỷ cầm, quy trách nhiệm cho các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Những con vịt dưới 45 ngày tuổi phải tiêu huỷ. Đàn vịt thịt và đàn vịt đẻ trứng, nếu xét nghiệm có vi rút phải tiêu huỷ, còn nếu an toàn thì đề nghị cho giết mổ bắt buộc".
Như vậy, đối với đàn vịt, ngan dưới 45 ngày tuổi trở xuống sẽ phải tiêu huỷ toàn bộ; Giết mổ bắt buộc hoặc tiêu huỷ tự nguyện đàn vịt, ngan trên 45 ngày tuổi được hỗ trợ theo QĐ 309/2005/QĐ-TTg, ngày 26/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã đồng ý đề xuất này của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương hoàn tất đề án thu mua giết mổ đàn thuỷ cầm sớm trình Chính phủ.

Song song với kế hoạch thu mua, giết mổ đàn thuỷ cầm, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cũng yêu cầu, cần tuyên truyền khuyến khích bà con ăn gia cầm và các sản phẩm gia cầm sạch. Chính phủ đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm. Đó là nâng mức bồi dưỡng cho cán bộ tiêm phòng lên bằng người tham gia chống dịch cúm gia cầm, tức là tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày.
Dịch cúm gia cầm chỉ còn ở 14 tỉnh, thành phố
Theo báo cáo của tiểu ban giám sát dịch cúm gia cầm, từ ngày 1/12 đến nay, số ổ dịch cúm gia cầm đã giảm, hiện chỉ còn ở 14 tỉnh, thành phố và không ghi nhận thêm trường hợp nào dương tính với cúm A (H5N1) ở người.
Tại cuộc họp chiều 7/12, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp do vi rút đã đề nghị Cục Y tế Dự phòng tiếp tục chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc với gia cầm bị bệnh tại các ổ dịch cúm gia cầm. Bộ Y tế tiếp tục cử cán bộ về các địa phương có ổ dịch để giám sát chặt chẽ sự lây lan của dịch từ gia cầm sang người.
Để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về dịch cúm gia cầm, Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng chống dịch như không ăn, giết mổ gia cầm ốm, không rõ nguồn gốc, khi có người sốt cao đột ngột cần đưa ngay tới cơ sở y tế.
Lập đề án chế biến, tiêu thụ gia cầm sạch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng đề án chế biến, tiêu thụ thịt, trứng gia cầm sạch theo hai hướng giết mổ tập trung cấp đông tạm trữ hoặc chế biến thành đồ hộp nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ gia cầm sạch trên thị trường.
Bộ đã chọn một số nhà máy có đủ điều kiện về thiết bị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhà máy thực phẩm xuất khẩu Vĩnh Phú, luveco (Nam Định), Nhà máy thực phẩm xuất khẩu Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để triển khai thí điểm đề án trên.
Cùng với các giải pháp về kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất với Chính phủ cơ chế chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chế biến như hỗ trợ kinh phí thu mua gia cầm nguyên liệu, kinh phí bảo đảm an toàn phòng dịch và mua sắm thêm thiết bị chế biến.
Thạc sĩ Vương Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Thịnh cho biết, ngày 10/12 tới sản phẩm gà sạch của công ty sẽ đồng loạt xuất hiện tại gần 10 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm; chợ Hôm Đức Viên, chợ Mai Động, chợ hàng Bè, chợ Kim Liên, 84 Trương Định, 11B Ngô Sỹ Liên và các siêu thị Big C, Intimex, Vân Hồ, Nhà phân phối Phú Thái.
Giá gà sạch là 24.000 đồng/kg, trứng gà 1.000 đồng/quả. Chi cục Thú y Hà Nội giám sát kiểm tra gà sống từ chuồng và trong suốt quá trình giết mổ, gia cầm được xử lý vô khuẩn bằng dung dịch điện hoá mới nhất của Việt Nam. Gà sạch được đóng dấu thị trường trước khi đưa ra thị trường. Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho 3 doanh nghiệp chế biến thực phẩm là Phú An Sinh, An Nhơn và Huỳnh Gia Huynh Đệ thu mua toàn bộ gia cầm khoẻ mạnh, đã được kiểm dịch an toàn, để chế biến và cung cấp cho người dân từ nay đến Tết Nguyên đán.
Mới đây tại Hà Tây, Công ty TNHH charoen - pokphand Vietnam (CP Việt Nam) đã khai trương điểm bán thịt gà sạch đầu tiên trong thị xã Hà Đông. Ngay trong ngày đầu tiên, 400 con gà và 2.000 quả trứng đã được tiêu thụ.
Tại Hà Nội, sau nhiều tuần thờ ơ với thịt gia cầm, nhiều người dân Hà Nội đã bắt đầu mua thịt gia cầm sạch do Công ty Phúc Thịnh sản xuất. Trong những ngày qua, siêu thị Big C - siêu thị bán lẻ lớn nhất Hà Nội - đã tiêu thụ được khoảng 100 con gà sạch mang thương hiệu Phúc Thịnh.
Nguồn tin: VOV |