Tạo động lực thu hút các vốn đầu tư để tăng trưởng ngành Thuỷ sản
Nghị quyết số 04 NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa X) xác định: “Trong
giai đoạn 2001-2005, ngành Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và
đến năm 2010, thủy sản thật sự là ngành kinh tế mạnh và đồng bộ trên các lĩnh
vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ và xuất khẩu”. 5 năm (2001-2005),
ngành Thủy sản tỉnh ta đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra
với tốc độ tăng trưởng cao và đúng hướng, góp phần tích cực vào thành tựu phát
triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Giám đốc Sở Thủy sản cho biết, trong 5
năm (2001-2005), ngành Thủy sản từng bước phát huy lợi thế, huy động các nguồn
lực khai thác trong dân để phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai
thác, chế biến, dịch vụ và xuất khẩu, tạo ra tốc độ tăng trưởng 12,6%, vượt chỉ
tiêu Nghị quyết X đề ra (12,5%). Tổng sản lượng thủy sản đạt 55.990 tấn, tăng
81,5%; sản lượng tôm giống 5,15 tỷ con, tăng 296% so với năm 2000. Cơ cấu kinh
tế trong nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung tăng tỷ trọng
nuôi trồng và dịch vụ thủy sản từ 49% lên 56%. Nghề đánh bắt hải sản phát triển
theo hướng công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu thuyền nghề khai thác khơi
xa.
Năng lực tàu thuyền hiện có 1.810 chiếc/83.500 CV, công suất
bình quân 46,1CV/chiếc, hình thành đội tàu trên 328 chiếc khai thác xa bờ với
các nghề chủ lực như vây rút chì, rê các loại… Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ
thuật vào sản xuất đã trở thành nhu cầu bức thiết để phát triển nghề cá, hầu hết
các tàu cá đều trang bị 100% máy tầm ngư, vô tuyến đàm thoại và máy định vị.
Diện tích nuôi tôm 1.500ha, tăng 900 ha, trong đó có khoảng 305 diện tích nuôi
thâm canh. Sản xuất tôm giống 1.190 trại, tăng 940 trại; tôm hùm 555 lồng, tăng
325 lồng và diện tích rong sụn 720 ha, tăng 600 ha so với năm 2000. Đã hình
thành 3 trung tâm nghề cá: Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, từng bước nâng cấp, mở
rộng cảng cá Cà Ná thành trung tâm nghề cá và thương mại khu vực miền Trung;
hình thành vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tại An Hải.
Tham mưu UBND tỉnh có các chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, thu
hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các nhà máy chế
biến, dịch vụ hậu cần nghề cá… Từ đó giải quyết việc làm và nâng cao đời sống
nhân dân vùng biển, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và có giá trị cao cho chế
biến xuất khẩu.

Định hướng chung của ngành thủy sản giai đoạn 2006-2010 là tiếp
tục xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế biển mũi nhọn của tỉnh với các
nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể : Giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2010 tăng 2,68
lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm chiếm 16,8%
trong tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành được
chuyển dịch theo hướng tăng nuôi trồng dịch vụ sản xuất giống từ 56% lên 66%.
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 30 triệu USD, tăng bình quân hằng năm
42,5% bằng 30-35% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh. Tổng sản lượng khai thác thủy sản
70.450 tấn, tăng 25,6%, gồm: Khai thác 50.000 tấn, nuôi trồng 20.450 tấn, trong
đó tôm sú 5.000 tấn tăng 50%. Sản xuất tôm giống 6,5 tỷ con, tăng 26,2% so với
năm 2005.
Để thực hiện được định hướng và mục tiêu trên, theo đồng chí
Lưu Xuân Vĩnh, trước hết ngành phải tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực
nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ và xuất khẩu gắn với 3 chương trình
kinh tế lớn của Chính phủ và của Bộ Thủy sản là phát triển tàu thuyền lớn và
nâng cao hiệu quả của chương trình đánh bắt hải sản xa bờ, phát triển nuôi tôm
công nghiệp và chương trình chế biến xuất khẩu.
Theo hướng đó, ngành thủy sản đang thực hiện điều chỉnh quy
hoạch phát triển đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cho phù hợp với quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh - Bộ Thủy sản trên cơ sở khai thác
tốt lợi thế về ngư trường đánh bắt và nghề sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là
giống tôm sú. Từ đó quy hoạch chi tiết và quản lý có hiệu quả các vùng nuôi
trồng thủy sản nước lợ, nước ngọt, trồng rong sụn và chế biến dịch vụ hậu cần
thương mại tại các trung tâm cảng cá. Phân vùng khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn
lợi, môi trường và tái tạo đảm bảo điều kiện phát triển thủy sản bền vững.
Để giải quyết vấn đề này trước hết phải khẩn trương hoàn thành
đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả các dự án đầu tư theo chương trình nuôi
tôm công nghiệp của Chính phủ, như: Khu nuôi tôm công nghiệp Sơn Hải; vùng nuôi
tôm trên cát An Hải; vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Ninh
Phước; nâng cấp và mở rộng cảng cá thành trung tâm nghề cá khu vực Cà Ná. Đầu tư
cơ sở hạ tầng và hệ thống cấp thoát nước vùng nuôi trồng thủy sản Đầm Nại; kiên
cố hóa kênh mương thủy lợi khu nuôi tôm Phú Thọ… Trong khai thác hải sản, cần
nâng cao hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ và chương trình phát triển tàu
thuyền lớn, ứng dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật để cơ giới hóa các loại nghề đánh
bắt hải sản và phương pháp bảo quản sản phẩm để nâng cao chất lượng hàng thủy
sản phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Thực hiện dự án Trung tâm thương mại kinh tế
thủy sản Cà Ná; nhà máy chế biến xuất khẩu; các dự án cơ khí đóng mới và sửa
chữa tàu cá và dịch vụ nghề cá… tạo động lực thu hút vốn các thành phần kinh tế
đầu tư để tăng trưởng thủy sản.
Nhiệm vụ mục tiêu đặt ra cho ngành Thủy sản giai đoạn 2006-2010
là rất nặng nề, nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, đồng thời được sự quan
tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của ngành và ngư dân trong tỉnh, ngành
Thủy sản sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh lần thứ XI đề ra.
Nguồn tin: Thiện Nhân (Báo Ninh Thuận) |