Thủy sản đang thuận lợi... kép
Khác với thời điểm khó khăn đầu năm, hiện nay đơn đặt hàng mua sản phẩm
thủy sản của các nhà nhập khẩu Liên minh châu Âu (EU) với doanh nghiệp Việt Nam
tăng đột biến.
“Sự đột biến này có thể còn kéo dài cho đến hết quý I/2006”.
Ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản
Việt Nam, khẳng định
Thưa ông, thị trường EU gia tăng nhập hàng thủy sản vào các
tháng cuối năm là thông lệ, thế nhưng các doanh nghiệp thủy sản lại không có sự
chuẩn bị để tranh thủ thời cơ này?
Đúng là thời điểm cuối năm, đơn hàng nhập khẩu của khách hàng
thường gia tăng, lý do là để chuẩn bị cho thị trường Giáng sinh và Tết Dương
lịch. Tuy nhiên năm nay, dịch cúm gia cầm đang lan rộng khắp thế giới, không như
những năm trước chỉ xảy ra chủ yếu ở khu vực châu Á, nên người tiêu dùng đã chọn
thủy sản làm nguồn thực phẩm thay thế.
Điều này đã làm cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản tăng đột
biến, không chỉ thị trường các nước EU và ngay cả thị trường Nhật, Mỹ, cũng tăng
tương tự, đặc biệt là đối với hai mặt hàng tôm sú và cá tra, ba sa. Ví dụ mặt
hàng cá, chỉ trong tháng 9-2005, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu sang thị
trường Mỹ với số lượng 5.711 tấn, tăng hơn 27% so với tháng 8 và tăng đến 128,3%
so với thời điểm cùng kỳ năm 2006, chính sự gia tăng nóng đơn hàng đã khiến
nhiều doanh nghiệp lúng túng.
Sự lúng túng này đồng nghĩa với việc chúng ta không tận dụng
được cơ hội hiếm này?
Không hẳn là như vậy. Nói doanh nghiệp lúng túng chứ thực ra
còn có nguyên nhân bất khả kháng là nguồn nguyên liệu trong nước đang khan hiếm.
Còn việc dự báo và chuẩn bị của các doanh nghiệp theo tôi là khá tốt.
Ví dụ như ngay từ đầu năm, trước sức ép các vụ kiện ở thị
trường Mỹ, các doanh nghiệp đã xác định được thị trường EU sẽ có nhiều thuận lợi
vào thời điểm cuối năm, nên đã có sự đầu tư khá kỹ về chất lượng, marketing, thị
hiếu khách hàng. Nếu ở thời điểm cuối năm 2004, chưa tới 100 doanh nghiệp thủy
sản Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU, thì nay đã là 153 doanh nghiệp.
Con số này đã khẳng định được sự nhạy bén của doanh nghiệp.
Nhiều người cho rằng, với tình trạng dịch cúm gia cầm đang bùng
phát, đây là cơ hội của ngành thủy sản. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để đẩy mạnh
việc xuất khẩu?
Vấn đề hiện nay là chúng ta phải giải quyết cho được bài toán
giá thành và chất lượng. Hiện nay xu hướng các nước đang chuyển sang con tôm thẻ
và thị trường đã chấp nhận do giá thành rẻ. Giả sử chi phí họ nuôi 50.000
đồng/kg, mà ta nuôi 60.000 đồng thì sẽ thua. Còn yếu tố chất lượng, sản phẩm
phải thật sự an toàn chứ không phải làm đối phó, nghĩa là phải truy xuất được
nguồn gốc. Có như vậy mới mong có được lợi thế cạnh tranh.
Việc bãi bỏ Tu chính án Byrd đang được Thượng nghị viện Mỹ
thông qua để chính thức có hiệu lực. Việc này có tác động gì đến ngành thủy sản,
thưa ông?
Đối với mặt hàng thủy sản, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang
còn đeo đuổi với vấn đề xem xét lại mức thuế hằng năm đối với hai mặt hàng tôm
và cá ba sa, nếu Tu chính án Byrd được bãi bỏ sẽ làm cho việc kiểm tra hành
chính bớt căng thẳng hơn.
Ở một khía cạnh nào đó nếu Tu chính án Byrd được bãi bỏ cũng có
tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng nghĩa với việc không
khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đi kiện, làm “cuộc chơi” công bằng hơn
và các vụ kiện thương mại ít rắc rối hơn.
Ông Ngô Phước Hậu, Tổng Giám đốc Công ty Agifish An
Giang: Phải liên kết, tăng ca, nhưng vẫn không đủ hàng!
Trước sự gia tăng đột biến các đơn đặt hàng từ khách nước
ngoài, Agifish phải liên kết với các xí nghiệp bạn, đồng thời cho công nhân làm
tăng ca, nhưng vẫn không đáp ứng hết các đơn đặt hàng.
Trong thời điểm từ tháng 10 đến nay, bình quân mỗi tháng
Agifish xuất khẩu 100 container sản phẩm cá tra, ba sa đông lạnh, tương đương
với 2.000 tấn. Với sự ra đời của Liên hợp Sản xuất cá sạch, hy vọng trong năm
tới Agifish sẽ có khoảng 70.000-80.000 tấn cá nguyên liệu sạch để chế biến xuất
khẩu.
Nhờ tốc độ chế biến tăng liên tục trong 3 tháng qua, các doanh
nghiệp cơ bản đã giải quyết được lượng cá tồn trong dân.
Hiện tại mỗi ngày các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long thu
mua từ 1.200 đến 1.500 tấn cá nguyên liệu, tăng khoảng 200-500 tấn/ngày so với
thời điểm trước. Giá thu mua cá cho dân cũng tăng từ 500-1.000 đồng/kg.
Theo Người lao động |