Biển Cửa Tùng (Quảng Trị): Ngư dân kiếm tiền triệu mỗi đêm từ cá mú giống
Hai năm gần đây, cá mú giống tự nhiên xuất hiện dày đặc tại vùng biển Cửa Tùng vào dịp cuối mùa thu đầu mùa đông. Năm trước, ngư dân Cửa Tùng (chủ yếu xã biển Vĩnh Quang) mỗi lần kéo lưới thấy có rất nhiều cá con bằng mũi đũa mắc vào nhưng không biết nên mang về làm thức ăn cho heo. Tình cờ có một tư thương ở miền Nam phát hiện những con cá mới đẻ này là cá mú, rất hiếm nên đặt mua. Từ đó, vùng biển Cửa Tùng rộ lên hoạt động đánh bắt cá mú giống.
Cá mú giống tự nhiên là đặc sản mà người dân vùng biển Cửa Tùng may mắn có được. Ở vùng biển này phần lớn là cá mú chấm đỏ, rất thơm ngon. Theo ngư dân ở đây, biển Cửa Tùng có nhiều rạn đá nên là chỗ sinh sản lý tưởng cho cá mú. Sau khi sinh ra, cá mú giống theo thủy triều bơi lên vùng cửa sông kiếm ăn, thế là trúng vào bẫy lưới giăng sẵn.
Ban đầu, ngư dân bán mỗi con mú giống với giá 200 đồng. Sau đó tăng lên 500, rồi 1.000 đồng. Đến khi cá mú giống tự nhiên trở thành hàng hiếm, chỉ có duy nhất tại Quảng Trị nên ngư dân bán ra với giá từ 2.000 đến 3.000 đồng/con. Thếâ mà chẳng đủ cá cung cấp cho các tư thương.
Ông Bùi Quang Việt, trưởng thôn An Đức 1, cho biết có người mỗi đêm bắt được 3.000 con. Tính trung bình mỗi con 2.000 đồng thì họ thu nhập một đêm từ việc đánh cá mú giống đến 6 triệu đồng, bằng làm nghề khác cả năm.
Do cá mú giống có giá nên ngư dân ở đây đánh bắt cá mú một cách tận diệt. Họ giăng lưới vét sạch từ đáy sông, đáy biển, không cho loài cá giống tự nhiên này có cơ may sống sót. Ông Nguyễn Đình Tế, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, cho biết: “Cá mú tự nhiện xuất hiện như quà của sông nước ban tặng nên bà con đổ xô nhau đi khai thác. Không nghe cơ quan chức năng có ý kiến, nên người dân vẫn khai thác tự do đến khi nào hết cá thì thôi”. Thế nên mùa đánh bắt cá mú giống tự nhiên kéo dài chừng 2 tháng là chấm dứt. Sau đó có muốn làm cũng không còn cá mú giống để bắt.
Cũng theo ông Tế, sau khi thu mua cá mú giống, tư thương đưa lên ô tô chở vào miền Nam và ra miền Bắc bán lại cho các cơ sở nuôi cá ở Quảng Ninh, Phú Yên… Chúng tôi hỏi vì sao không khuyến khích ngư dân ở biển Cửa Tùng nuôi cá mú lớn lên rồi bán để có lợi về kinh tế, ông Tế cho biết: “Vừa rồi một số bà con có nuôi thử nhưng không thành công. Lũ lụt làm cá trôi ra biển hết rồi”.
Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh Quảng Trị, cho biết: Cách khai thác àøo ạt hiện nay chỉ có lợi trước mắt. Biển Cửa Tùng sóng lớn, nuôi cá mú không được. Bây giờ muốn nuôi tốt thì phải cho cá mú sống trong lồng do châu Âu sản xuất. Mỗi lồng nuôi cá như vậy có giá 10 triệu đồng. Kinh phí hoạt động của trung tâm mỗi năm chỉ mua được… 10 lồng nuôi cá mú kiểu này.
Trước mắt, chuyện con cá mú giống tự nhiên xuất hiện ở biển Cửa Tùng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình ngư dân. Nhưng về lâu dài, cá mú là đặc sản biển, nếu để ngư dân khai thác tận diệt như vậy e chắc rồi biển chẳng còn… cá nữa.
Nguồn tin: LAM KHANH (SGGP) |