Khó khăn nghề nuôi tôm - Nghĩ về chuyển đổi nuôi, trồng ở Phước Dinh
Từ chuyện nhà nhà nuôi tôm
Trở lại xã Phước Dinh (Ninh Phước), từ lời đề nghị của một người bạn học cũ mà cách đây khoảng 5 năm nhờ nuôi tôm sú thịt "trúng mánh" liên tục, đã từng tậu và lái xe ô tô đời mới, trị giá vài trăm triệu đồng lên thị xã chở bạn bè đi chơi thoải mái. Bây giờ gặp lại, chưa qua tuổi 40 nhưng trông anh bạn tôi chẳng khác gì một "ông cụ", tóc bạc nhiều (!), quần áo xộc xệch, phóng chiếc xe máy cà tàng từ xã Phước Dinh lên thị xã phải dắt bộ mấy cây số vì xe hỏng và chắt chiu lắm mới đủ tiền mời tôi uống chai bia, để trút bầu tâm sự vì sao bây giờ anh lại cơ cực đến thế.
Sau vài câu xã giao, anh bạn tôi bộc bạch : - Đắn đo lắm tôi mới lên gặp ông, để nhờ ông có mối quan hệ với một vài người bạn ở ngân hàng, xem có cách nào giúp tôi trong cảnh khốn khó này không, tôi hiện giờ đã trắng tay !
Tôi hiểu vấn đề anh bạn tôi đề cập, nhưng thật lòng mà nói trong tình cảnh này, có ngân hàng nào đủ can đảm cho nông dân tiếp tục vay vốn để nuôi tôm. Vì nói ra, trong vài năm trở lại đây, hầu hết ngân hàng ở tỉnh nhà rất khó khăn trong việc thu hồi nợ cho nông dân vay vốn để nuôi tôm trước đó. Số nợ quá hạn lên đến nhiều tỷ đồng. Tôi chỉ còn cách trả lời với anh bạn tôi, chuyện ấy nằm ngoài tầm tay của mình (!).
Còn nhớ, cách đây không lâu nghề nuôi tôm sú thịt ở tỉnh ta được xem là nghề siêu lợi nhuận, nhờ đó mà nhiều nông dân "chân đất", đã trở thành triệu phú sau vài mùa nuôi tôm. Đời sống của bà con nuôi tôm ở một số nơi như xã Hộ Hải, thị trấn Khánh Hải, Nhơn Hải... (Ninh Hải); xã An Hải, Phước Dinh... (Ninh Phước), được cải thiện đáng kể. Diện mạo ở một số địa phương đang nuôi tôm phát đạt đổi thay rất nhiều, giới nuôi tôm tiêu xài khó ai sánh kịp. Thế là việc đầu tư nuôi tôm sú thịt không còn "nhỏ lẻ" mà rộ lên cả tỉnh.
Bất chấp lời cảnh báo của các ngành hữu quan, nhiều vùng đất sản xuất lúa ổn định bao đời nay đã bị nông dân phá bỏ để đào đìa nuôi tôm, nhằm đáp ứng nhu cầu này, trại tôm giống, cơ sở kinh doanh thức ăn tôm…. cũng mọc lên như nấm (!). Nếu người nuôi phá ruộng làm đìa, thì các chủ trại sản xuất tôm giống lấn chiếm đất trái phép dọc theo bờ biển Bình Sơn, Ninh Chữ để xây trại, làm cho tình hình quản lý đất đai ở các địa phương ngày càng phức tạp. Và đâu chỉ có nông dân, không ít "đại gia" ở thị xã đã cất công lặn lội xuống tận các vùng nông thôn để hỏi mua đất đào đìa nuôi tôm. Vì lẽ ấy, giá đất đìa không ngừng tăng vọt, có nơi 1 ha đìa bán đến 500 triệu đồng. Từ chỗ đó mà hàng trăm hécta ruộng lúa dọc theo QL1A, thuộc địa bàn xã Hộ Hải bị đào xới không thương tiếc, hàng chục hécta rừng phòng hộ ven biển ở huyện Ninh Phước bị một số người lén lút san ủi trái phép, vùng Đầm Nại, đầm Sơn Hải... bị ô nhiễm nặng nề, do nước thải của ao đìa, nạn tranh chấp đất thường xuyên xảy ra... mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường mọi biện pháp ngăn chặn tình hình nhiều nơi vẫn cứ diễn ra phức tạp (!).
Đến nợ nần chồng chất:
Trở lại chuyện nhiều người nuôi tôm ở xã Phước Dinh bị vỡ nợ. Xã hiện có 5 thôn gồm: Thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2, Vĩnh Trường, Từ Thiện và Bàu Ngứ. Dân số toàn xã có gần 1.600 hộ/ 8050 khẩu. Cách đây hơn 5 năm, toàn xã có 228 ha đìa nuôi tôm sú thịt (kể cả diện tích nuôi tôm trên cát), bình quân mỗi năm thu hoạch sản lượng từ 1.000 tấn - 2.000 tấn, hàng trăm hộ nuôi thu lãi từ 250 đến 700 triệu đồng/năm là chuyện thường.
Ban đầu, nông dân nuôi tôm tự phát, do ít vốn đầu tư nên diện tích khá khiêm tốn, môi trường sinh thái chưa bị phá vỡ, dịch bệnh trên tôm chưa xuất hiện, nên sản lượng thu hoạch đều đạt, cùng thời điểm thị trường tiêu thụ mạnh với giá cao, nên bà con lãi nhiều. Song kể từ lúc một số người ở nơi khác đến tìm mua đất đào đìa nuôi tôm, thì vùng quê yên tĩnh này đã bị xáo trộn. Người lắm tiền tự nâng giá để mua từ 400 triệu đến 500 triệu đồng 1 ha đìa, đã làm cho nạn tranh chấp đất ngày càng phức tạp... Nhưng vì lợi nhuận trước mắt, người ta không quan tâm đến việc nếu phát triển diện tích nuôi tôm ồ ạt, không đảm bảo kỹ thuật chăm sóc... sẽ hủy diệt môi trường sinh thái, dẫn đến dịch bệnh tôm xảy ra, nên hàng trăm hộ nông dân ở xã Phước Dinh lao vào đầu tư nuôi tôm bằng mọi giá... Để rồi ngày hôm nay, bị thua lỗ liên tục, nợ vây quanh mình, không tìm ra lối thoát.
Đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã nói với chúng tôi: Nếu bây giờ mà thống kê đầy đủ, phải đến 80% số hộ nuôi tôm bị nợ chồng nợ chất. Có hộ mua thức ăn tôm nhiều vụ nuôi bị thua lỗ, mắc nợ trên 500 triệu đồng.
Thật vậy, qua tìm hiểu chúng tôi thấy hầu hết người nuôi tôm ở xã Phước Dinh đều vướng nợ thức ăn cho tôm, mua tôm giống để thả nuôi với số tiền không nhỏ. Trao đổi với một số hộ nuôi tôm, mới thấu hiểu được nỗi đau của họ, nhiều người nuôi liên tục 10 vụ trong thời gian 5 năm, nhưng đã thua lỗ đến 8 vụ, thì lấy đâu ra tiền để bù đắp các khoản chi phí, nên dẫn đến chuyện nợ nần chồng chất là điều tất yếu. Theo họ, nuôi tôm vụ đầu bị thua lỗ, thì chỉ có con đường duy nhất là tập trung toàn lực cho vụ tiếp theo, nếu trúng vụ, mới mong "gỡ gạc", chứ không còn cách nào khác. Chính vì suy nghĩ hạn hẹp như vậy, mặc dù bị thua lỗ nhưng họ vẫn lao vào để tìm vận may nhưng như con thiêu thân, để rồi vẫn bị trắng tay.
Tận mắt chứng kiến hàng trăm hécta đìa nuôi tôm ở xã Phước Dinh bị bỏ hoang, cỏ lác mọc um tùm, hệ thống máy bơm, giàn quạt tạo khí oxy trong đìa, ống dẫn nước… vứt ngổn ngang trên bờ mà chạnh lòng cho người nuôi tôm ở đây. Đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết thêm, trong năm 2005, có 62 hộ cố đeo bám nuôi khoảng 61 ha, thu hoạch khoảng 80 tấn, thì có trên 50% hộ trong số này thua lỗ nặng nề, còn lại là huề vốn, số hộ có lãi không đáng kể. Không chỉ có thất mùa do dịch bệnh, sản lượng thấp, mà giá tôm thịt hiện nay trên thị trường hạ thấp đến mức không ngờ.
Đâu là lối thoát ?
Qua thực địa, chúng tôi thấy đời sống của đại bộ phận nông dân ở xã Phước Dinh rất khó khăn, với lợi thế về quỹ đất, cùng với rừng… hiện địa phương đang phát triển việc chăn nuôi cừu, dê, bò và trồng rong sụn, vì vốn đầu tư trồng rong sụn không nhiều, nhưng thu lãi khá. Nhờ vậy, nhiều hộ nuôi tôm thất bại, hoàn cảnh túng quẫn đã chuyển sang trồng rong sụn, bước đầu cuộc sống tạm thời được cải thiện. Nhưng để thoát nghèo, thì quả thật còn nhiều cam go, vì đa phần nông dân đã mất khả năng về vốn tự có để đầu tư sản xuất, cần có sự quan tâm, giúp nhân dân tháo gỡ vướng mắc bằng hình thức khoanh, giãn nợ trước đó và hệ thống ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để nông dân có điều kiện chuyển nghề.
Mong rằng tỉnh, các ngành thủy sản, ngân hàng…. sớm có giải pháp phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân xã Phước Dinh khắc phục hậu quả nêu trên được tiếp tục vay vốn sản xuất, từng bước thoát nghèo trong thời gian tới.
Theo Báo Ninh Thuận |