Hạn chế ô nhiễm tại các hố chôn gia cầm bị dịch
Để khắc phục ô nhiễm từ các hố chôn gia cầm bị dịch, ngăn chặn sự ảnh hưởng đến môi trường sống và nguồn nước, Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các bước khắc phục ô nhiễm từ các hố chôn gia cầm bị dịch.
Vị trí đào hố chôn phải cách nhà dân ít nhất 100m, cách xa sông ít nhất 50m và mực nước ngầm ít nhất 5m. Chú ýá rắc vôi bột trước khi chôn gia cầm.
Đối với những vùng đất gò (mực nước ngầm/nước thấm sâu), hố chôn phải có thể tích 1m3, chứa được 400-500 gia cầm có trọng lượng 1-2kg/con; có chiều sâu ít nhất 1,5m; phủ lớp vôi bột xuống đáy đất nền ít nhất 5cm, đồng thời rắc đều trên thành hố; sau đó phủ lên thành và đáy hố tấm nhựa chống thấm rồi tiếp tục rắc vôi lên tấm lót.
Thực hiện đầy đủ các quy trình trên xong, phải cắm thẳng ống thông hơi dài ít nhất 1m xuống hố, với số lượng 1 ống/1,2m bề mặt. Tiếp tục phủ lớp đất mặt, trong đất này có thể trộn với phân ủ, tro, rơm rạ. Đất đắp hố phải cao hơn mặt đất, tránh nước mưa chảy vào, đồng thời phải phủ lên lớp đất mặt rơm rạ, dừa khô.
Sau khi hoàn thành việc chôn gia cầm, phải theo dõi độ sụt lún và che bạt lên hố khi trời mưa, nhằm tránh nước chảy vào.
Đối với những vùng trũng (mực nước ngầm nông), đáy hố cách mực nước thấm ít nhất 0,3m; đắp bờ đê và đào hố có chiều cao 1,5m, rộng ít nhất 0,6m. Quy trình chôn tương tự như hố vùng đất gò.
Đặc biệt, khi phát hiện những hố chôn gia cầm bị dịch có mùi, phải tiến hành các biện pháp xử lý: tiến hành đắp bờ đất xung quanh hố cao hơn 0,6m so với bề mặt; phủ lớp vôi bột ở đáy và thành với chiều dày ít nhất 5cm; cắm ống thông hơi xuống hố; phủ lớp đất mặt với độ dày ít nhất 0,6m (tính chất lớp đất mặt tương tự ở trên). Và thực hiện các biện pháp sau khi tiến hành đắp hố như trên.
Nguồn tin: NTNN |