Người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch cúm gia cầm
Dịch cúm gia cầm đã lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố và có những diễn biến phức tạp. Trong khi các ngành chức năng nỗ lực tìm mọi biện pháp để đối phó, dập tắt dịch, thì ở một số địa phương, công tác tuyên truyền cũng như ý thức của người dân trước nguy cơ đại dịch vẫn chưa cao.
Bạn đọc Nguyễn Trung (TP Hồ Chí Minh): Chúng tôi hoan nghênh ý kiến của bạn đọc đăng báo Nhân Dân đề nghị thực hiện nghiêm hơn nữa việc cấm nuôi các loại chim ở nội thành. Ðồng thời, xin phản ánh thêm hiện nay một số người nuôi chim cảnh, chắc là do tình cảm lưu luyến giữa chủ và vật nuôi, cho nên không thực hiện tiêu hủy, mà thả cho chúng bay về trời. Ở khu vực chúng tôi ở, những ngày qua, xuất hiện một số chim cảnh, kể cả đàn chim sẻ mà có hộ trước đó nuôi được, bay đậu khắp nơi. Chúng sà xuống tận các cửa nhà, ban công, cửa sổ để săn tìm mồi. Thậm chí, có con chim bị chết do đói quá. Ðề nghị chính quyền các địa phương có biện pháp xử lý với loại chim này. Chúng tôi thấy biện pháp của UBND thành phố Ðà Nẵng là giao cho Bộ Chỉ huy quân sự địa phương tổ chức lực lượng dùng súng hơi tiêu diệt những con chim này, là một cách làm thiết thực để phòng, tránh đại dịch cúm A/H5N1 mà các địa phương khác có thể tham khảo.
Ông Văn Phan (Ðà Nẵng): Dịch cúm gia cầm đang ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, không chỉ ở thành thị, các trại chăn nuôi tập trung mà còn lan sang các vùng nông thôn, miền núi, làm cho hàng nghìn con gia cầm nhiễm bệnh phải tiêu hủy. Các cấp, các ngành và địa phương đang tập trung mọi lực lượng để phòng, chống dịch cúm gia cầm. Nhiều địa phương có chỉ thị cấm nuôi thả rông gia cầm, song do ý thức của người dân chưa cao, chưa nhận thức hết mức độ nguy hiểm của dịch cúm, cho nên ở nhiều vùng nông thôn tình trạng thả rông gia cầm ngoài đồng, trong vườn vẫn còn khá phổ biến. Ðề nghị các cấp, các ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác tuyên truyền và thường xuyên kiểm tra xử lý triệt để các trường hợp để gia cầm thả rông, nhất là ở những vùng có dịch, nhằm ngăn ngừa dịch phát sinh, lây lan, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
Ông Ngô Duy Châu (Hà Nội): Vài năm gần đây, không chỉ ở nước ta, các nước trong khu vực ở một số nước trên thế giới đã xuất hiện bệnh dịch cúm gia cầm (H5N1). Kinh nghiệm ở Việt Nam cho thấy dịch bệnh này thường xuất hiện khi thời tiết chuyển sang mùa đông - xuân, trời lạnh. Mặc dù để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để ngăn chặn, đã chi những khoản kinh phí rất lớn phục vụ việc phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, theo tôi, nếu chúng ta giảm đáng kể số lượng gia cầm, thủy cầm trước mùa phát sinh dịch bệnh thì cũng góp phần đáng kể giảm các khoản chi của ngân sách phục vụ việc tiêm chủng, huy động người, phương tiện tham gia kiểm soát, đền bù, kiểm dịch, phun thuốc... vì với số vaccine tiêm cho hàng trăm nghìn lượt con gia cầm, thủy cầm quả là tiêu tốn kinh phí quá lớn, đấy là chưa nói nguồn vaccine đôi khi còn rất thiếu, không đáp ứng kịp. Ngoài ra, nhiều hộ nuôi, kinh doanh gia cầm, thủy cầm, sau thời gian dịch bệnh, đã trở nên trắng tay, gặp khó khăn rất lớn trong việc ổn định cuộc sống cũng như phát triển kinh tế sau này.
Nên chăng vào khoảng tháng 7, 8, 9 âm lịch hằng năm, các Sở NN và PTNT, chi cục thú y khuyến cáo sớm với phương châm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" để người dân hiểu, không tiếp tục mua, nuôi gia cầm, thủy cầm, chim cảnh để hạn chế số lượng gia cầm, thủy cầm phát sinh. Tiêu thụ nốt đàn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm đang có, thu hồi vốn để chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác hoặc có vốn lưu để tiếp tục chăn nuôi khi hết dịch, vừa góp phần giảm khó khăn về kinh tế cho người kinh doanh, lại giảm nguồn lây lan, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, dành tiền cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế khác.
Nguồn tin: Nhân Dân |