Phòng chống cúm gia cầm ở các địa phương
Tin từ các địa phương phản ảnh khả năng lây lan và các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm cho thấy dường như người dân chưa được chính quyền hướng dẫn hướng xử lý không chỉ với đàn gia cầm trong vùng nhiễm bệnh mà cả với số gia cầm ngòai vùng và thậm chí đã được tiêm phòng. Trước mắt, dịch cúm gia cầm đã ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của không ít hộ dân, đồng thời làm tăng khả năng vượt khỏi vòng kiểm sóat của các cơ quan chức năng.
Quảng Ngãi: Tại thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành đã bùng phát thêm một ổ dịch cúm gia cầm làm chết hơn 1.100 con vịt đàn. Điều đáng nói là tại ổ dịch này mặc dù hiện tượng vịt đàn chết hàng loạt nhưng người nuôi không báo với chính quyền địa phương và ngành chức năng vì họ sợ đàn vịt sẽ bị tiêu huỷ, hầu hết những hộ có vịt chết hàng loạt đều tự xử lý bằng cách đào hố chôn không đúng qui trình của phòng chống dịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 6 xã có dịch cúm gia cầm. Đến sáng 23/11, ông Trưởng phòng tổng hợp của Chi cục thú y hầu như không nắm một thông tin gì về ổ dịch xuất hiện ở xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành.
Bình Dương: Các hộ chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đang hoang mang, lo lắng khi gần 1 triệu con gà của họ đã đến tuổi cần được xuất chuồng bán nhưng thị trường tiêu thụ gia cầm hoàn toàn bị đóng băng làm cho người chăn nuôi bị thiệt hại lớn về kinh tế. Trong số gần 1 triệu con gà thịt cần xuất bán gấp thì có hơn 700 ngàn con gà công nghiệp được các trang trại nhận nuôi gia công cho Công ty chuyên chăn nuôi PC Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề, do số lượng gà đã đến tuổi xuất chuồng cùng một thời điểm quá lớn nhưng chưa có phương án nào giải quyết. Tỉnh Bình Dương có 3 công ty xin thu mua số gà thịt đến tuổi xuất chồng để giết mổ đưa vào các kho đông lạnh trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, mức giá thu mua của các công ty quá thấp so với giá trị đầu tư khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng.
Sơn La: Đã chính thức công bố 3 ổ dịch cúm gia cầm tại Mộc Châu, Mai Sơn, gần đây đã xuất hiện nhiều điểm có hiện tượng gà chết ở Yên Châu và thị xã Sơn La. Mặc dù đã có quyết định cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm của UBND tỉnh Sơn La nhưng tại một số xã và khu chợ, các sản phẩm gia cầm vẫn được lén lút bày bán. Điển hình trong ngày 20/11 vừa qua, tại địa điểm tổ chức lễ hội ở xã Tạ Bú (huyện Mường La), nhiều cửa hàng vẫn bày bán công khai trứng gia cầm sống. Ở thị trấn huyện Mường La đã có hiện tượng người dân vứt gà đã chết ra đống rác.
Tây Ninh: Có trên 1 triệu con gia cầm, riêng khu vực thị xã, thị trấn còn khỏang 80.000 con gà vịt. Trên 80% đàn gia cầm trong tòan tỉnh đã được tiêm phòng đợt 1, đang triển khai tiêm phòng đợt 2. Chi cục thú y tỉnh Tây Ninh đang vận động người chăn nuôi trong khu vực thị xã, thị trấn di dời đàn gia cầm ra khỏi nội thị trước tháng 12/2005. Khó khăn hiện nay của người chăn nuôi là thị trường gia cầm hầu như đã đóng băng, ngay cả số gia cầm được chứng nhận đã sạch bệnh, chi phí ngày càng đè nặng người chăn nuôi, trong khi nhà nước chưa có chính sách tiêu hủy hoặc hỗ trợ ở những vùng chưa phát dịch.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm đã quyết định không chấp nhận việc lưu kho thịt gà cấp đông từ tỉnh ngoài đưa về và tăng đàn gà con để nuôi. Trước đó, Công ty Xi Pi (C.P) của Thái Lan có hợp đồng nuôi gia công gà ở huyện Tân Thành đã yêu cầu được đưa 100 tấn thịt gà từ tỉnh Bình Dương về cấp đông, lưu kho tại phường 6 thành phố Vũng Tàu. Qua kiểm tra thực tế, Chi cục Thú y tỉnh kết luận các kho của Công ty này chỉ là kho giữ lạnh, không đủ điều kiện cấp đông. Mặt khác, trong khi tỉnh hiện có 300.000 con gà đang cần tiêu thụ, cấp đông tại chỗ không được phải tổ chức tiêu hủy, nếu đưa thịt gà tỉnh khác về sẽ ảnh hưởng việc tiêu thụ gà thịt ở đây. Cũng trong ngày 22/11, hai Công ty C.P và Giáp Pha (JIFA) yêu cầu được nhập hơn 100 ngàn con gà để nuôi cũng không được sự chấp nhận của tỉnh.
Lai Châu: Đã thành lập khẩn cấp thêm 3 chốt kiểm dịch động vật tại Mường Kim, Mường Than (huyện Than Uyên) và Lai Hà (huyện Sìn Hồ). Quyết định trên được đưa ra sau khi các tỉnh giáp ranh và gần với tỉnh Lai Châu là Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc đã tái phát dịch cúm gia cầm.
Cùng với trạm kiểm dịch Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và chốt kiểm dịch động vật Bình Lư, cơ bản các cửa ngõ chính từ nước ngoài và các tỉnh liền kề với tỉnh Lai Châu là Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái đã được kiểm soát, trừ một số đường tiểu ngạch. Tại toàn bộ các chốt kiểm dịch, cán bộ thường trực 24/24h trong ngày, được trang bị đầy đủ bình bơm hoá chất khử trùng, trang bị bảo hộ, hoá chất tiêu huỷ tại chỗ. Trong đợt dịch cúm năm 2003, tỉnh Lai Châu chỉ có một đợt dịch nhỏ tại huyện Than Uyên do nhập gia cầm giống từ bên ngoài vào.
Yên Bái: Các huyện, thị xã và thành phố Yên Bái đã tổ chức thường trực 24/24 giờ để cập nhật thông tin báo cáo với Ban Phòng chống dịch của tỉnh, Sở Tài chính & Vật giá tỉnh tiếp tục bổ sung kinh phí để mua sắm vật tư phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Các sở NN & PTNT, sở Y tế tỉnh và các ngành liên quan đang tiến hành thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để sẵn sàng đối phó khi có dịch xảy ra. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên Yên Bái vẫn chưa mua được máy thở, xe chuyên dụng, thuốc Tamiflu dự phòng khi có dịch xảy ra. Riêng công tác phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh đã lập 11 chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ thông thương với các tỉnh lân cận nhằm chống vận chuyển gia cầm, các sản phẩm có nguồn gốc từ gia cầm ra vào tỉnh; khử trùng, tiêu độc các phương tiện giao thông... Đa số người dân Yên Bái đã ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm ở các chợ đầu mối lớn tại thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình... hầu như không còn.
Thái Bình: Đã có 5 xã và thị trấn, gồm: thị trấn Hưng Nhân, thị trấn Hưng Hà, xã Minh Hoà, xã Bắc Sơn (huyện Hưng Hà) và xã Việt Thuận (huyện Vũ Thư) có tình trạng gia cầm ốm chết hàng loạt, với tổng số 109 con. Hiện 4 trong 5 xã, thị trấn trên, cơ quan Thú Y đã xác định số gia cầm bị chết do cúm H5N1. Tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách như: xử lý ổ dịch, tiêu huỷ gia cầm, lập các chốt kiểm dịch, tuyệt đối không di chuyển gia cầm, thuỷ cầm, tổ chức đồng loạt ngày "Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường- dập dịch cúm gia cầm" trên phạm vi toàn tỉnh...
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, mật độ dân số cao, việc chăn nuôi gia cầm, gia súc phổ biến trong các hộ gia đình; chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, gia trại với hình thức thả rông là chủ yếu. Đây là một đặc thù rất khó khăn trong việc quản lý nguồn truyền bệnh. Mặt khác, nhân dân trong tỉnh hiện vẫn còn rất chủ quan trong chăn nuôi, buôn bán và sử dụng thịt gia cầm.
Thừa Thiên-Huế: Có một thực trạng hiện nay là, trong khi dịch cúm gia cầm bùng phát ở một vài địa phương, thì ở những địa phương chưa có dịch, cụ thể tại Thừa Thiên-Huế rất lúng túng trong việc xử lý với cả gia cầm sạch làm cho người chăn nuôi không biết hướng xử lý. Ở thị trấn Lăng Cô, một hộ gia đình có đàn gà hơn 10 con, trước đây là nguồn cung cấp trứng làm thực phẩm cho cả gia đình, nay không dám dùng đến, bán không được và cho cũng không xong, mặc dù đàn gà nhà anh nằm trong vùng chưa có dịch bệnh.
Một số bà con ở thôn Lại Thế, An Lỗ, Sịa thuộc huyện Quảng Điền và Hương Trà khi được hỏi đều trả lời không biết xử lý thế nào với đàn gà của mình. Hiện người chăn nuôi trong tỉnh chỉ mới được khuyến cáo sau khi tiêm 28 ngày mới được sử dụng các sản phẩm gia cầm, nhưng cũng chú ý đề cao khả năng phòng dịch ngay cả đàn gia cầm đã được tiêm phòng dịch. Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế hiện đã chỉ đạo các khách sạn, nhà hàng in và thay thế toàn bộ các bảng thực đơn bỏ hết các món ăn được chế biến từ gia cầm. Công ty khách sạn Hương Giang bỏ ra hơn 10 triệu đồng để làm mới các thực đơn không có các món ăn từ thịt gia cầm. Nên chăng tỉnh cần tổ chức các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, kết hợp với sự giám sát, kiểm dịch chặt chẽ của lực lượng thú y để thực khách không "quay lưng" lại với cả gia cầm sạch.../.
Nguồn tin: TTXVN |