Nuôi gà công nghiệp kiểu chuồng lạnh
Trưởng bộ phận nuôi gà gia công của Cty chăn nuôi CP Việt Nam, phụ trách địa bàn Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Sóc Trăng, kỹ sư Lê Xuân Huy cho biết: Trong đợt dịch cúm gà vừa qua, chưa có chuồng gà lạnh nào trên địa bàn hai tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ bị nhiễm bệnh cúm chết cả đàn, nhưng có trại gà của Cty bắt buộc phải tiêu diệt là do ở trong vùng bán kính 3 km của ổ dịch từ hộ khác. Hiện tại Cty đang chuẩn bị đủ số lượng con giống sạch bệnh. Sau khi công bố hết dịch, Cty sẽ chuyển giao cho các hộ đã hợp đồng nuôi lại, dự tính tăng thêm 20% số lượng đàn gà nuôi theo kiểu chuồng lạnh hàng năm.
Thế nào là kiểu chuồng lạnh?
Đối với kiểu chuồng lạnh, nguyên tắc vệ sinh để nuôi gà cũng giống như kiểu chuồng hở, có cái khác là chuồng lạnh được thiết kế bít kín, chỉ có một cửa ra vào bên trong chuồng, hai bên hông chuồng đều phủ bạt kín, đầu chuồng có hệ thống làm mát bằng hệ thống giàn bơm phun sương, qua những lớp tấm lưới nhuyễn che chắn theo chiều đứng với một góc nghiêng, cuối chuồng có gắn 1 4 cái quạt lớn để hút hơi nóng từ trong chuồng ra và đưa hơi nước từ bên ngoài vào để giữ cho nhiệt độ chuồng gà ổn định ở 28- 290C. Tại Sao phải làm như vậy? Bởi, khi nhiệt độ trong ngày và đêm chênh lệch quá cao thì đàn gia cầm sẽ chậm phát triển, gà thịt chậm lớn, còn gà đẻ thì cho sản lượng trứng thấp hoặc không đẻ trứng, có khi làm cho gà nuôi công nghiệp giảm sức đề kháng dẫn đến dịch bệnh cả đàn. Gà nuôi theo kiểu chuồng lạnh sẽ giảm thiểu những rủi ro nêu trên.
Cán bộ phụ trách kỹ thuật trong bộ phận nuôi gia công của Cty Chăn nuôi C.P Việt Nam ở địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Kỹ sư Lê Thanh Phong cho biết: Lợi điểm của kiểu chuồng lạnh là nuôi gà rất an toàn, gà nuôi được cách ly với nguồn dịch bệnh, cũng như chim và chuột từ bên ngoài không thể vào được bên trong chuồng. Người nuôi gia công rất an tâm, nuôi được nhiều con trên mét vuông diện tích chuồng, gà tăng trọng nhanh, ít tiêu tốn thức ăn cho mỗi con và gà ít khi bị nhiễm bệnh hơn kiểu chuồng hở. Tuy tốn nhiều chi phí đầu tư chuồng trại ban đầu nhưng về hiệu quả kinh tế thì kiểu chuồng lạnh cao hơn...
Chuồng xây xong, mỗi tầng đổ một lớp trấu dày 1 tấc trên sàn, pha 1 lít thuốc All-cide với 400 lít nước sạch để phun sát trùng bên trong và cách xa bên ngoài chuồng 5 m (đối với chuồng cũ, cần làm sạch lớp chất độn có phân trên sàn và quét mạng nhện, xong đổ lớp trấu mới rối phun thuốc sát trùng). Để chất độn (trấu) lót nền chuồng luôn khô ráo trong quá trình nuôi thì nền chuồng được tráng xi măng hoặc lát bằng gạch tàu. Lấy các dụng cụ đã rửa sạch nhúng vào dung dịch thuốc sát trùng rồi cho vào chuồng. Trước khi nhận gà con ba ngày thì sát trùng toàn bộ chuồng trại lần thứ hai và pha chậu nước nhúng chân đặt trước cửa chuồng.
Để chuồng gà được thông thoáng, bà con có thể sử dụng số quạt hút theo tuần tuổi: Gà 1 tuần tuổi chỉ sử dụng 2 quạt ban ngày, gà 2 tuần tuổi sử dụng 4 quạt ban ngày và 2 quạt ban đêm, gà 3 tuần tuổi sử dụng 6 quạt ban ngày và 4 quạt ban đêm, gà 4 tuần tuổi sử dụng 8 quạt ban ngày và 6 quạt ban đêm, gà 5 tuần tuổi sử dụng 10 quạt ban ngày và 8 quạt ban đêm, gà 6-7 tuần tuổi sử dụng 12-14 quạt ban ngày và 10-12 quạt ban đêm.
Cách tốt nhất để giữ nhiệt độ thích hợp ổn định, trong chuồng gà nên gắn bộ điều khiển nhiệt độ tự động để tắt mở quạt hút và máy bơm nước giàn lạnh. Còn theo kinh nghiệm của hộ chăn nuôi giỏi, khi thấy nhiều con gà trong đàn há mỏ thì cho vận hành máy bơm giàn phun nước, hoặc nhiều con gom lại thành nhóm thì giảm phun sương và giảm quạt hút. Thông thường đàn gà thịt nuôi 42 ngày có thể đạt 2-2,2 kg/con, phù hợp cho thị trường tiêu thụ.
Trong thời gian trước dịch cúm gà, người nuôi gia công theo kiểu chuồng lạnh bình quân thu lại 24 triệu đồng/vụ. Chi phí đầu tư chuồng lạnh bán kiên cố khoảng 180 triệu đồng nhưng có thể sử dụng trong thời hạn 5 năm, cho nên người hợp đồng nuôi gà gia công dài hạn thu lợi nhuận cao.
Theo Đức Giang Báo nông nghiệp |