Phục hồi chăn nuôi gia cầm sau dịch cúm gà như thế nào?
Theo đánh giá của Cục Thú y, tính đến thời điểm này trên địa bàn cả nước dịch cúm gia cầm đã cơ bản được khống chế. Chúng ta đã có thể sớm tính đến việc tái tổ chức sản xuất, chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, việc phục hồi xem chừng không hề đơn giản...
Cơ sở nào để phục hồi đàn giống còn lại?
Đánh giá của Cục Nông nghiệp về khâu giống, hiện nay tại các tỉnh phía Nam chỉ còn duy nhất 2 cơ sở và 1 địa phương còn đang duy trì được nguồn giống sau 2 tháng trời tăng cường các biện pháp bảo vệ và phòng thủ nghiêm ngặt. Cụ thể, tại Đồng Nai hiện còn khoảng 750.000 con gà giống của hai tập đoàn CP và Cargill, tại Trung tâm chuyển giao kỹ thuật Bình Thắng còn giữ được 1000 con gà giống BT2. Riêng tại trại giống Vigova còn khoảng 3.500 con gà giống Lương phượng (3.000 mái và 500 con trống) ngoài ra còn 1.600 con vịt giống ông bà cho đến thời điểm này vẫn "bình an vô sự" do trại đã nhanh chân đưa sơ tán tận Bến Cát- Bình Dương ngay khi nghe tin dịch chớm xuất hiện ở các tỉnh miền Tây. Còn tại các tỉnh ĐBSCL, tại các trung tâm giống gia cầm cấp tỉnh hầu như không còn con nào, còn nguồn giống trong dân thì chưa thể đánh giá được.
Theo các chuyên gia, hai khó khăn lớn nhất hiện nay đối với những nơi còn giống: Thứ nhất là do thời gian phải nuôi lưu dài ngày cộng với tiền thức ăn nên rất khó khăn để bù lỗ cho tới khi có thể bán. Thứ hai là thông thường đàn gà, vịt trong dân đều có quy trình vaccine ổn định, nếu qua thời gian giết mổ mà để lại thì phải tiếp tục chủng ngừa để đề phòng nguồn này thất thoát do những nguyên nhân khác, việc này cũng rất khó đối với người dân sau cơn khủng hoảng... Như vậy, cơ sở để phục hồi đàn giống còn lại hiện nay, theo các chuyên gia ngành chăn nuôi gia cầm thì phải sớm triển khai các biện pháp sau: Về giống, phải tăng cường công tác điều tra đàn giống còn lại để xác định xem có bị nhiễm bệnh hay không.
Phần này, Cục Thú y phải khẩn trương chỉ đạo kết hợp chặt chẽ với các trung tâm chẩn đoán và chính quyền địa phương sớm xác định giúp bà con nông dân để tiếp tục bảo vệ, mặt khác phải đưa ra ngay chương trình chủng ngừa để ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh trở lại. Về thức ăn, phải kiên quyết sử dụng thức ăn dạng viên đồng thời cải thiện bao bì đóng gói đảm bảo nguồn thức ăn an toàn. Đối với quy trình chế biến thì đề nghị cho giết mổ tập trung có sự kiểm soát dịch chặt chẽ.
Hướng đến quy mô tập trung- công nghiệp...
“Đây là loại bệnh dịch của thời hiện đại lại đổ trúng vào một nước có nghề chăn nuôi quy mô nhỏ, lạc hậu thì quả thực là khó xoay xở, đối phó mà trong vụ này, người phải chịu thiệt hại nặng nề nhất, không ai khác ngoài người chăn nuôi."- Ông Đào Quang Sơn, GĐ điều hành Cty Tư vấn tài chính & Đầu tư PSV nhận xét. Xin mở ngoặc, đây là DN đầu tiên vừa triển khai dịch vụ tư vấn đầu tư trong lĩnh vực kinh tế trang trại, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô.
Theo ông Sơn, để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi với các hộ có trang trại quy mô lớn cần phải ký hợp đồng với một số Cty, tập đoàn lớn, còn đối với các trang trại nhỏ và vừa thậm chí là hộ gia đình thì Nhà nước cũng phải có chính sách bảo hiểm gắn liền với các cơ quan thuyên môn trong ngành nông nghiệp. Về mặt tài chính đốt với các trang trại chăn nuôi hiện nay rất khó khăn, chỉ có ngân hàng là đối tác nhưng tiếp cận được cũng là cả một vấn đề, đặc biệt là sau dịch sẽ xuất hiện tình trạng thiếu vốn để mua con giống tốt tái sản xuất.
Ngoài ra ngay lúc này cũng cần xúc tiến nhanh một quỹ hỗ trợ phát triển trong chăn nuôi hoặc ít nhất cũng chuẩn bị một nguồn hỗ trợ dịch bệnh, thiên tai cho người dân tái sản xuất. Ông Sơn phân tích: "Qua đợt dịch vừa rồi cho thấy, việc cập nhật thông tin rất bị động, đặc biệt là ở nông thôn lại càng hạn chế, người chăn nuôi vừa tù mù vừa chủ quan. Để tái tổ chức chăn nuôi trong dân thời gian tới, theo tôi nên thành lập một mạng lưới tư vấn có thể kết hợp với mạng lưới thú y cơ sở để giúp người chăn nuôi dần dần thay đổi mô hình, cụ thể là thiết kế chuồng trại, môi trường, thức ăn và thông tin về dịch bệnh để họ chủ động sản xuất, phòng ngừa...".
Theo Trần Doanh (Báo nông nghiệp) |