Tìm kiếm thông tin:
  Chuyên đề Bạn nhà nông
Nuôi
Trồng
Giống
Vật tư
Thiết bị - Công cụ
  Nhà nông tôn vinh
DNghiệp thân thiện
SPhẩm ưa chuộng
Nông dân thành đạt
  Trao đổi kinh nghiệm
Kinh nghiệm SX
Hỏi & đáp
  Danh bạ Bạn nhà nông
Cơ quan - Ban nghành
Hội - Hiệp hội
DN Sản xuất
DN Chế biến
DN D.Vụ-Thương mại
Trang trại
  Giới thiệu Bạn nhà nông
Website
Cẩm nang
Hồ sơ
Liên hệ


 Nuôi

Gà quý Ðông Tảo trước đại dịch cúm gia cầm

Anh Nguyễn Trọng Tích (xã Ðông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đang hợp tác với Viện Chăn nuôi cố công bảo tồn giống gà quý Đông Tảo. Gia đình "vua gà" đang bộn bề nỗi lo cho số phận con gà quý trước đại dịch cúm.

Cách lối rẽ tới nhà "vua gà" chừng 200m, vôi bột rắc trắng xóa. Kỹ sư Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn động vật quý hiếm và đa dạng sinh học của Viện Chăn nuôi quốc gia, đồng thời cũng là thư ký dự án bảo tồn quỹ gien vật nuôi quốc gia, dặn tôi kỹ càng về "vấn đề bảo đảm vệ sinh" cho đàn gà: mặc đồ blue trắng, khẩu trang, găng, mũ..., trước khi vào nhà "vua gà" ông mọi người phải dùng nước súc miệng.

Ra đón mọi người, anh Tích cho biết, cả tháng nay nhà không dám tiếp khách, không cho ai tiếp xúc đàn gà. Nhà chỉ còn hai vợ chồng. Mẹ và các con lên Hà Nội ở nhờ rồi.

Anh Tích đang kiểm tra sức khỏe từng con gà sau mấy ngày tiêm phòng. Thức ăn cho gà được hấp nóng, nước uống được đun sôi. 300 con gà đang độ sinh trưởng dõng dạc gáy khi có khách lạ, hiên ngang đi lại khoe thân hình chắc nịch và bộ lông thắm sắc, như chẳng cần quan tâm tới sự lo lắng đang hằn rõ trên nét mặt hao gầy của thân chủ. Cũng khuôn mặt ấy, đêm 30 Tết Ất Dậu vừa rồi còn tự hào trong vai trò là khách mời của VTV1 nói về kỳ tích giữ giống gà quý cho đời vậy mà giờ đây...

Anh Tích giải thích: "Hồi kháng chiến, đi tản cư bố tôi cũng chỉ ôm khư khư chiếc máy khâu và cặp gà Ðông Tảo, còn các tài sản khác bỏ hết. Ngày về làng lại cùng đôi gà trở về. Còn tôi mặc dù trải qua nhiều nghề nhưng rốt cuộc không có nghề nào thiết tha bằng việc nuôi gà Ðông Tảo. Khi lập gia đình, tài sản đáng giá duy nhất là chiếc xe đạp thì tôi đem bán đổi lấy 15 con gà. Trong nhà có tạ thóc cũng đổi lấy cặp gà ưng ý...".

Nếu không có những tấm lòng tâm huyết như gia đình anh Tích thì đến nay chúng ta không còn được nhìn thấy sự hiện diện của giống gà quý này nữa. Gà Ðông Tảo có từ lâu đời trên đất Ðông Tảo, Hưng Yên nổi tiếng bởi thân hình chắc khỏe, đầu nhỏ mắt nâu. Gà có mào nụ, mào hoa hồng và mào hạt đậu, mầu đỏ tươi. Ðặc biệt gà Ðông Tảo khác với tất cả các giống gà khác, hấp dẫn bởi đôi chân xù, phình to dạng vảy thịt, mầu đỏ tía. Khi ngừng phát triển, đôi chân trở nên xù rất to, trông ngộ nghĩnh như đôi tay em bé. Với ngoại hình "đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai", "chân to, da đỏ, vây xít, đuôi nơm... gà Ðông Tảo được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là loài gà "độc nhất vô nhị trên thế giới".

Bên cạnh đó, trứng và thịt gà Ðông Tảo còn chứa tỷ lệ dinh dưỡng cao, nên nó trở thành nguồn thực phẩm quý hiếm và mang giá trị kinh tế cao. Nhưng loại gà này từng đứng trước nguy cơ mất giống.

Năm 1992, khi điều tra sự tồn tại giống gà này trên quê hương nó, một nhóm kỹ sư của Viện Chăn nuôi quốc gia đã phát hiện duy nhất còn gia đình cụ Dốc nuôi một cỗ gà Ðông Tảo (gồm một con trống và bốn con mái) mang một số đặc tính ngoại hình, thể chất theo mô tả của sách vở và các cụ kể lại trước đây. Một dự án nuôi giữ quỹ gien gà Ðông Tảo của Viện Chăn nuôi quốc gia được tiến hành trên cơ sở kết hợp gia đình cụ Dốc. Năm 2003, cụ Dốc qua đời, anh Tích, người con trai cả của cụ trở thành người nắm giữ toàn bộ bí quyết nuôi giữ giống gà Ðông Tảo. Anh tích cực cộng tác với nhóm nghiên cứu của Viện để bảo vệ quỹ gien gà.

Qua hơn mười năm thực hiện, từ hơn 100 con gà thuần chủng, đã nhân ra hàng nghìn gà ông bà, bố mẹ để tạo ra hàng chục nghìn gà giống cung cấp cho một số địa phương trong cả nước tạo ra gà thịt thương phẩm mang giá trị kinh tế cao (có thời điểm giá mỗi kg gà Ðông Tảo 90-100 nghìn đồng). Điều đáng nói, dù gà Ðông Tảo được nhân giống hiệu quả song không nơi nào có thể nuôi giữ được giống gà này nguyên bản ngoài gia đình anh Tích.

Ngoài việc nuôi thành gà thương phẩm cung cấp cho thị trường, gia đình anh Tích còn hợp tác với Viện Chăn nuôi quốc gia nuôi giữ, phát triển giống gà quý Ðông Tảo. Hiện nay, ngoài 150 con gà đang được giữ giống tại Viện Chăn nuôi, gia đình anh Tích là nơi duy nhất còn giữ được đàn gà (khoảng 800 con).

Theo kỹ sư Võ Văn Sự, giống gà này có khả năng chịu đựng trong điều kiện nuôi dưỡng khó khăn và đặc biệt hầu như không bị mắc bệnh đường hô hấp và các loại bệnh gà thông thường. Trận dịch cúm năm 2004, không một con gà Ðông Tảo nào nhiễm bệnh và cho đến thời điểm hiện nay, tại Viện Chăn nuôi quốc gia, trong khi đàn gà Mông có hơn một nghìn con bị nhiễm dịch thì đàn gà Ðông Tảo giống (150 con) sức khỏe vẫn phát triển rất tốt. Nhiều nhà khoa học và các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam tham quan, nghiên cứu về loài gà này đều tỏ ngạc nhiên, thích thú. Kỹ sư Sự cho biết, nếu không có sự cố dịch cúm gia cầm thì một hợp đồng của Vương quốc Anh ký kết với Viện Chăn nuôi quốc gia về việc mua giống gà quý Ðông Tảo đã thành hiện thực.

Nỗ lực và hy vọng

"Nếu chỉ vì kinh tế, tôi không gắn bó với con gà Ðông Tảo đến độ đam mê như vậy. Cũng vì yêu quý nó mà tôi mất ăn mất ngủ, chịu bao phen khốn đốn...". Anh Tích tâm sự. Hiện nay, để duy trì đàn gà hơn tám trăm con (300 con tại nhà và hơn 500 con gửi nuôi tại các gia đình vệ tinh trong làng) mỗi ngày anh phải chi phí hơn bốn trăm nghìn đồng. Nếu kéo dài như vậy chỉ cần vài tháng nữa đối với gia đình anh thật sự là quá sức. Nhưng anh Tích tỏ quyết tâm bằng mọi cách giữ đàn gà. Anh nói có thể phải bán mảnh đất của gia đình để lấy tiền trang trải. Nhiều người thân trong gia đình anh cũng lo lắng trước dịch cúm gia cầm và khuyên anh giải tán đàn gà, vừa an toàn vừa đỡ tốn kém. "Nhưng tôi cứ nghĩ bốn đời gia đình mình đã giữ được con gà, ông nội và bố tôi trước khi mất đều dặn phải giữ lấy giống gà, vậy sao tôi có thể bó tay...".

Không phải đợi đến lúc phát dịch bệnh mà thông thường gia đình anh luôn có các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho gà rất tốt như mỗi tháng ba lần rắc vôi bột, một lần bơm thuốc sát trùng chung quanh khu vực nuôi gà của nhà mình và của những gia đình chung quanh. Ngoài ra thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ ăn, uống của gà và tỉa bớt mật độ gà trong mùa dịch. Trong thời tiết lạnh hiện nay anh tăng cường xông bồ kết chống cảm cúm cho đàn gà, tuyệt đối không dùng thức ăn cám công nghiệp, nước uống cho gà phải đun chín.

Ngoài việc tránh không cho người lạ tiếp xúc đàn gà, bản thân anh Tích cũng đặt cho mình một kỷ luật không được đi lại giao tiếp nhiều, sợ lây nhiễm bệnh cho đàn gà. Cố gắng tối đa là vậy nhưng anh Tích và chính kỹ sư Võ Văn Sự cũng không giấu nổi sự lo lắng. Nếu chẳng may dịch cúm gia cầm bùng phát ở đây thì đàn gà quý nhà anh Tích khó lòng giữ được, dù không nhiễm dịch. Ông Sự cho biết, hiện nay ngay cả Viện Chăn nuôi cũng chưa nhận được một văn bản chính thức nào về hướng xử lý tránh dịch cho những đàn gia cầm quý hiếm. Nhưng dù sao thì những người tâm huyết với nghề như anh Tích, như ông Sự cũng đang cố gắng tìm mọi biện pháp để giữ giống gà quý. Ông cho biết Viện đang tiến hành phương án tìm những khu vực tách biệt xa dân cư, khoanh vùng bảo tồn các giống gia cầm quý hiếm.

Riêng gia đình anh Tích ngay từ mấy tháng trước đã nhanh chóng đưa gà tới nhiều điểm xa dân, cử người tin cậy trông giữ, đợi qua dịch. "Một nguyên lý của việc bảo vệ gien là phải phân tán. Càng nhiều nơi càng tốt. Hiện nay như giống gà Mông, gà Tè, hay gà Ri sẽ có tỷ lệ bảo tồn cao hơn giống gà khác bởi đặc điểm sinh sống của nó vốn đã được phân tán rải rác nhiều khu vực thổ nhưỡng. Nhưng những giống như gà Ðông Tảo hay gà Hồ sẽ khó khăn hơn nhiều lần..."

Ông Sự nhấn mạnh đặc biệt là gà Hồ. Giống gà này hiện nay còn khoảng một nghìn con phát triển hoàn toàn trong các gia đình ở làng Hồ chứ Viện Chăn nuôi không giữ được bất kỳ con nào. Ông Sự nói, nhiều lần viện cử người xuống thương thuyết mua gà về giữ gien nhưng người làng Hồ quyết không bán, bởi họ muốn độc quyền giống gà này. "Như vậy thật nguy hiểm bởi người dân không thể có đủ biện pháp khoa học để giữ giống gà nhất là trong mùa dịch bệnh như hiện nay". Ông Sự tỏ lo ngại. Tuy nhiên, để có thể giữ được giống gà, hằng năm Viện Chăn nuôi quốc gia vẫn cấp kinh phí đều đặn cho những hộ gia đình nuôi gà Hồ, buộc họ cam kết nuôi tốt và giữ giống.

Ông Sự nói, chỉ cần một người dân không có ý thức thì tất cả sự cố gắng của một tập thể có thể đổ vỡ. Như hôm chúng tôi về Ðông Tảo, ngược lại với sự cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng thao tác nhỏ chăm sóc cho đàn gà của anh Tích thì nhiều người dân vẫn thờ ơ trước đại dịch. Một số nơi gà, vịt vẫn nhởn nhơ thả dọc đường, môi trường nuôi gia cầm khá ô nhiễm. Anh Tích cũng tỏ ý buồn khi trong mùa dịch, biết đàn gà nhà mình là loài quý hiếm đang cần bảo vệ nhưng chính quyền xã cũng chưa có sự quan tâm nào, ngay cả hôm tiêm dịch họ còn buộc anh phải ôm từng con gà ra điểm tiêm phòng. Và ngay cả việc tiêm phòng dịch cho gà ở đây cũng chưa được thực hiện đúng quy cách. Tại các điểm tiêm gia cầm, nhìn thấy chỉ một chiếc kim tiêm chọc vào hết con gà này sang con khác, gia đình anh Tích sợ quá phải liên hệ với cán bộ thú y đến tận nhà tiêm cho đàn gà nhà mình.

Mặc dù lo lắng không yên nhưng anh Tích cũng hy vọng vì sức khỏe của đàn gà cho đến thời điểm này rất tốt. Chia tay chúng tôi, anh không quên hẹn ngày gặp lại khi đàn gà vượt qua đại dịch.

24H.COM.VN (Theo Nhân Dân)


° Các tin khác
• Việt nam và cuộc chiến chống cúm gia cầm
• Một người nông dân giúp Quảng Nam "nhân bản" trầm hương
• Cấm nhập khẩu gia cầm, chim cảnh vào Việt Nam đến hết 31/3/2006
• Đơn đặt hàng thủy sản VN vào EU tăng đột biến
• TPHCM: Ngừng nuôi gia cầm, thuỷ cầm trước 27/11
• TP.HCM: Người chăn nuôi được lựa chọn phương án hỗ trợ
• Thủ tướng Phan Văn Khải:Triển khai quyết .... hỗ trợ nông dân
• Thanh Hoá hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò ở miền núi
• Sử dụng kháng sinh không còn là giải pháp tốt trong chăn nuôi
• Nguồn gốc bệnh bò điên có phải do con người?
• Mỹ: Trợ cấp 3 tỷ USD cho nông dân sản xuất bơ sữa
• Đưa khoa học vào nuôi tạo giống gia cầm, vật nuôi
• Quảng Ngãi: Nhiều ND nuôi bò lai sind
• Phòng chống dịch cúm ở Thái Bình: Bài học đắt giá!
• Mối lo từ Thanh Hoá: Hàng vạn con cò về trú đông ở làng
• Lạng Sơn: Nỗi lo "gà nội"!
• Lâm Đồng: Nuôi gà Tây lấy thịt
• Khẩn cấp cứu người nuôi gia cầm
• Lâm Đồng: xây dựng mô hình nuôi hươu sao dưới tán rừng
• Hướng đi nào cho ngành chăn nuôi gia cầm?
• Hậu Giang: Người dân vẫn xem thường dịch cúm
• Hà Tây: Người chăn nuôi lo vỡ nợ!
• EU sẽ cấm sử dụng các loại chất kháng sinh trong thức ăn vật nuôi
• Đồng Tháp: Xin tiêu huỷ cả gia cầm đã tiêm phòng!
• Thành phố hỗ trợ cho người chăn nuôi sau hiểm họa cúm gia cầm
• Cúm gia cầm
• Để kinh tế lâm – ngư ở Cà Mau phát triển bền vững : Tách tôm khỏi rừng?
• ĐBSCL: Giá tôm sú tăng cao
• Cập nhật thông tin cúm gia cầm 
• Bắc Giang: Khổ vì gà 

 

Trang web được thiết kế và lưu trữ tại VietnamNetweb