TP.HCM: Người chăn nuôi được lựa chọn phương án hỗ trợ
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng quy định về việc ngừng chăn nuôi gia cầm trên địa bàn toàn TP từ ngày 15-11. Tuy nhiên, quy định này đã ảnh hưởng đến hàng ngàn người chăn uuôi và các cơ sở giết mổ gia cầm của TP. Ông Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch UBND TP đã trả lời phỏng vấn Báo NTNN xung quanh vấn đề này.
Ông Nhân nói: Là đầu mối tiêu thụ các sản phẩm gia cầm, TP.HCM hiện đang trở thành tâm điểm có nguy cơ lây lan, phát sinh dịch cúm gia cầm rất lớn. Trước cảnh báo đại dịch cúm có thể lây lan từ gia cầm sang người, TP nhận thấy bằng bất cứ giá nào cũng phải ngăn ngừa đến mức thấp nhất tình trạng xảy ra dịch trên đàn gia cầm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, UBND TP đã quyết định ngưng mọi hoạt động chăn nuôi gia cầm trên toàn địa bàn kể từ ngày 15- 11 - 2005.
Trước đó, rất nhiều hộ đã thực hiện theo chủ trương của TP, vay tiền để đầu tư chuồng trại chăn nuôi gia cầm tập trung. Việc đưa ra quy định ngưng chăn nuôi đã làm ảnh hưởng lớn tới việc thu hồi vốn cả họ. TP có phương án hỗ trợ nào không?
- Việc ngưng nuôi gia cầm không phải là biện pháp mới. Năm 2004, TP cũng đưa ra quy định cấm chăn nuôi thuỷ cầm, còn gia cầm chỉ được phép nuôi tập trung có kiểm soát. Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi, việc ngưng hoàn toàn chăn nuôi là biện pháp cần thiết và người chăn nuôi phải biết hy sinh lợi ích của mình vì sự an toàn của hàng triệu người dân TP. Để chia sẻ bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, UBND TP đã họp và thống nhất đưa ra hai phương án hỗ trợ để người chăn nuôi lựa chọn: thứ nhất là hỗ trợ để chuyển đổi nghề. Nếu hộ nào muốn tiếp tục chăn nuôi thì sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho chuyển sang địa phương khác nuôi. Từ nay đến trước ngày 15-11, Sở NN&PTNT sẽ công bố cụ thể chính sách hỗ trợ trên.
Nhiều cơ sở cũng đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị giết mổ gia cầm tập trung. Liệu họ có được hỗ trợ không, thưa ông?
- Hiện nay mọi hoạt động tiêu thụ, kinh doanh gia cầm vẫn diễn ra bình thuờng, nhưng khi dịch xảy ra thì đó cũng là khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì các cơ sở tại TP.HCM. Đối với những cơ sở giết mổ quy mô lớn, vừa qua TP cũng đã duyệt cho vay vốn trong chương trình hồ trợ kích cầu. Trong trường hợp gặp khó khăn do dịch bệnh thì sẽ được xem xét gia hạn, khoanh nợ. Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng trong lúc khó khăn này thì DN phải biết chia sẻ rủi ro với nhà nước, không nên quá trông chờ vào chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.
Việc ngưng chăn nuôi gia cầm chưa phải là biện pháp hữu hiệu nếu như khâu kiểm soát gia cầm nhập không được giám sát chặt chẽ. UBND TP làm thế nào để đẩy mạnh việc kiểm soát này?
- Đúng là hiện nay lực lượng thú y đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải kiểm soát nhiều tuyến đường gia cầm nhập vào TP. UBND TP đã giao cho Sở Thuơng mại, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường chịu trách nhiệm hoàn chỉnh những biện pháp quản lý 100% đàn gia cầm nhập vào TP. Sở Thương mại cũng phải chịu trách nhiệm lên kế hoạch dự trữ thực phẩm cung cấp cho người dân một khi dịch cúm xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hoàng Bảy (Báo Nông thôn) |