Hướng đi nào cho ngành chăn nuôi gia cầm?
Theo báo cáo của Cục Thú y Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 11/11/2005, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 9 xã, 8 huyện thuộc 6 tỉnh, thành phố (Bạc Liêu, Đồng Tháp, Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá và Hà Nội). Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao. Ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp "rắn" như cấm nuôi, giết mổ, lưu thông gia cầm sống trong các thành phố lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề đặt ra là phải có hướng đi mới cho ngành chăn nuôi gia cầm. Kinh tế Nông thôn ghi ý kiến của các nhà quản lý và người chăn nuôi xung quanh vấn đề này…
Ông Hoàng Kim Giao, Cục phó Cục Nông nghiệp:
Dân sẽ được chăn nuôi tập trung trên đất nông nghiệp
Bộ nông nghiệp và PTNT đã có đề án về đổi mới chăn nuôi gia cầm. Theo đó, sẽ chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, công nghiệp và bán công nghiệp. Đồng thời ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi; gắn sản xuất với giết mổ, chế biến. Đề án nêu rõ các khu chăn nuôi phải cách khu dân cư bao xa, sản xuất giống, vắc-xin thay thế nhập khẩu ra sao, nguồn vốn ở đâu… Nông dân sẽ được chăn nuôi tập trung trên diện tích nông nghiệp đã được giao khoán lâu dài, trên cơ sở quy hoạch của địa phương. Có như vậy mới chủ động kiểm soát, khống chế dịch cúm gia cầm.
Bộ đã soạn thảo chính sách khuyến khích chuyển đổi hướng chăn nuôi, giết mổ gia cầm, trong đó cụ thể hoá chính sách đất đai, đầu tư, tín dụng và đề xuất một số chính sách thuế, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi... Hiện văn bản này bang lấy ý kiến các bộ ngành để sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Ông Văn Đăng Kỳ- Trưởng phòng dịch tế (Cục Thú y): Chăn nuôi gia cầm ít nhất phải từ 200 con trở lên.
Theo tôi, phải hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư. Tới đây, Nhà nước cần quy định những hộ chăn nuôi gia cầm phải nuôi tập trung, theo quy mô trang trại, ít nhất cũng từ 200 con trở lên và phải áp dụng các biện pháp khử trùng, tiêu độc, tiêm phòng bệnh thường xuyên... Tuy nhiên, việc này không thể tiến hành ngay được mà phải tiến hành từng bước.
Ông Vương Tiến Ngọc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Thịnh (Đông Anh - Hà Nội): Chúng tôi đã 36 năm chăn nuôi gà quy mô lớn. Trên khuôn viên 18,5ha, chúng tôi xây dựng 23.310m2 chuồng trại, gần 2.600m2 kho tàng phục vụ chăn nuôi với trang thiết bị hiện đại. Mới đây, công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền giết mổ gà thịt theo công nghệ mới nhất ở Việt Nam, công suất 500 con/giờ với sự kiểm dịch chặt chẽ của cơ quan thú y. Đây là dây chuyền công nghiệp đầu tiên ở Thủ đô và mở đầu cho việc hình thành vành đai giết mổ gia súc, gia cầm ở ngoại thành.
Trong tình hình hiện nay, chúng tôi xác định hướng chăn nuôi theo mô hình khép kín, từ khâu giống - chăm sóc đến giết mổ tập trung và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Tôi cho rằng, vấn đề chính là kiểm soát an toàn chăn nuôi và giết mổ, chế biến. Như vậy mới tránh được thiệt hại cho người tiêu dùng và người chăn nuôi như chúng tôi.
Ông Phạm Văn Lợi, chủ trang trại chăn nuôi gà ở ái Quốc (Nam Sách- Hải Dương): Cần có biện pháp tiêu thụ sản phẩm gia cầm ngay cả khi dịch xuất hiện
Theo tôi, Nhà nước cần có các chính sách phát triển chăn nuôi gia cầm một cách hợp lý. Theo đó, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, hạn chế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán để khi có dịch bệnh dễ kiểm soát; phải trang bị cho chúng tôi những kiến thức về phòng chống các dịch bệnh nói chung, dịch cúm gia cầm nói riêng. Từ đó chúng tôi mới có thể nâng cao được ý thức phòng chống dịch bệnh khi chúng xuất hiện; công tác thú y cũng phải được tiến hành thường xuyên chứ không phải khi có dịch bệnh mới coi trọng...
Hiện nay, trang trại của tôi có gần 40.000 con gà đẻ, bình quân mỗi ngày phải "đổ đi" hàng chục nghìn trứng, thiệt hại gần 20 triệu đồng. Tôi được biết; ở các nước phát triển, mặc dù dịch bệnh xuất hiện nhưng các sản phẩm từ loài vật ấy vẫn được lưu thông. Tất nhiên là ở ngoài vùng có dịch và những sản phẩm này rõ nguồn gốc, đảm bảo sạch bệnh. Thiết nghĩ, chúng ta phải sớm thực hiện được biện pháp "sống chung với bệnh dịch", tránh "dập tắt" nghề chăn nuôi gia cầm trong nước, có thể tạo lợi thế cho sản phẩm ngoại nhập…
- Cấm chăn nuôi, ấp trứng trong nội thành, nội thị. Cấm ấp trứng trong thời gian bị cấm, ấp trứng không rõ nguồn gốc, ấp trứng từ cơ sở chăn nuôi gia cầm bị bệnh hoặc cơ sở chăn nuôi gia cầm không đăng ký.
- Cấm chăn nuôi thả rông, thuỷ cầm chạy đồng; cấm các hành vi chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường hệ sinh thái và không bảo đảm vệ sinh thú y; không chủ động khai báo bệnh dịch, làm lây lan, phát tán nguồn bệnh, bán chạy gia cầm và sản phẩm gia cầm bệnh ốm chết.
- Cấm vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch thú y, cấm vận chuyển và phát tán gia cầm bị bệnh, chết; lông, phân gia cầm chưa được xử lý; cấm vận chuyển gia cầm sống trên phương tiện công cộng chuyên chở hành khách.
- Cấm giết mổ gia cầm chưa được kiểm dịch, gia cầm bị bệnh, chết; cấm giết mổ gia cầm tại các noi không đúng quy định; cấm chế biến tiết canh gia cầm. (Trích nội dung Quyết định số 3065/QĐ-BNN ngày 7-11-2005 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT).
Theo Lưu Anh Đoàn - Trịnh Văn Tuyến (Báo Kinh tế thôn) |