Cúm gia cầm
Ngày 17/11, Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp giảm gánh nặng tài chính cho người chăn nuôi gia cầm, như giảm thuế chăn nuôi, chế biến, thuế quản lý thú y, được chiết khấu thuế VAT và thuế xuất khẩu... Các biện pháp này được áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức. Người hoặc tổ chức chăn nuôi gia cầm còn được giảm hoặc miễn toàn bộ thuế sử dụng đất, thuế chuyên chở. Theo Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trọn gói 9 biện pháp hỗ trợ được áp dụng cho cả năm 2005 và nửa đầu năm 2006.
Chiều 16/11, Trung Quốc chính thức thừa nhận bệnh nhân đầu tiên thiệt mạng do cúm A H5N1. Đây là bệnh nhân nữ, người tỉnh An Huy, làm nghề chăn nuôi. Một bệnh nhân cúm A H5N1 khác là một cậu bé 9 tuổi ở miền trung Trung Quốc đã khỏi bệnh.
Cùng ngày 17/11, Thái Lan tiếp tục khước từ tiêm vacxin cho đàn gia cầm vì cho rằng biện pháp này gây hại cho con người. Bộ trưởng Nông nghiệp Khunying Sudarat Keyuraphan nói nước này không tiêm, nhưng sẽ giám sát chặt chẽ các biện pháp an toàn trong chăn nuôi và chế biến. Quyết định của Thái Lan dựa trên một nghiên cứu khoa học nghi ngờ gia cầm được tiêm vacxin sẽ càng làm tăng nguy cơ lây nhiễm sang người có tiếp xúc và gia cầm được tiêm không chết nhưng lưu giữ virus trong cơ thể chúng. Tờ Bangkok Post cho biết năm nay ở Thái Lan mới có 9 điểm dịch, trong khi cùng kỳ năm ngoái là hơn 400 điểm, chứng tỏ nước này đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Thậm chí, Thái Lan chuẩn bị cho phép mở lại trò chơi đá gà truyền thống dưới sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Tại Indonesia, sáng 17/ 11, Bộ Y tế đã xác nhận có thêm 2 trường hợp tử vong do virus H5N1 sau khi nhận được kết luận của WHO gửi từ Hong Kong. Bộ Y tế nước này cũng công bố danh sách 100 cơ sở y tế đủ khả năng điều trị bệnh nhân cúm.
Đ.Huy (Theo THX,ANN, Antara) Báo Nông nghiệp |