Gia cầm chưa bị dịch, tại sao không ăn?
Trước thực trạng tiêu thụ gia cầm gần như bị ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người chăn nuôi, trong ngày hôm qua 21-11, 7 tỉnh thuộc khu vực nuôi và kinh doanh gia cầm sôi động nhất phía Nam, gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang đã ngồi lại với nhau nhằm bàn biện pháp tháo gỡ.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai bắt đầu với một sự bức xúc: Tại sao chúng ta đang nỗ lực phòng chống dịch, bảo vệ đàn gia cầm khỏi bị dịch cúm, và thực tế số đàn gia cầm ở các địa phương được bảo vệ là rất lớn thế mà một ông Thứ trưởng Bộ Y tế lại công bố trên báo chí là không nên ăn gia cầm. Rồi nhiều địa phương cũng đưa ra những khẩu hiệu nói không với gia cầm! Tại sao không ăn? Căn cứ vào đâu mà khuyên người dân không ăn trong khi cả vùng Đông Nam bộ và hầu hết các tỉnh khu vực ĐBSCL đến bây giờ đàn gia cầm vẫn chưa bị dịch! Ông Nguyễn Văn Khang - Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cũng khẳng định đến giờ phút này đàn gia cầm trong tỉnh vẫn được bảo vệ an toàn. Nhưng hàng triệu con gia cầm đến tuổi xuất chuồng bị đọng lại, người chăn nuôi không biết xoay trở cách nào.
Theo ông Khang, hiện có trại chăn nuôi phải chi tốn thức ăn lên tới 50 triệu đồng/ngày để duy trì đàn gà, nhưng nếu thị trường gia cầm tiếp tục ngừng trệ như hiện nay, người chăn nuôi khó có thể "trụ" được đến giáp Tết Nguyên đán.
Không riêng gì Đồng Nai và Tiền Giang, các địa phương khác cũng đều phản ánh người chăn nuôi trong tỉnh đang thực sự gặp khó khăn do hàng triệu con gia cầm, sản phẩm gia cầm không có cách nào tiêu thụ được.
Ông Trí Hữu Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vừa qua địa phương có hiện tượng gà chết ở một trại chăn nuôi tập trung, nhưng xét nghiệm huyết thanh âm tính chứ không phải dương tính virus cúm A. "Dịch vẫn được khống chế, đàn gia cầm đã tiêm vaccin, nhưng tại sao người tiêu dùng lại không dám ăn"- ông Minh thắc mắc! Rồi ông đưa ra dẫn chứng là Hà Lan, một nước trước đây cũng bị dịch cúm, nhưng khi phát hiện vùng bị dịch thì ngay lập tức được khống chế, tiêu hủy, những vùng chưa bị dịch gia cầm vẫn bán và người dân vẫn ăn bình thường. Chứ không như ở ta, dù nhiều vùng chưa bị dịch, đàn gia cầm vẫn được bảo vệ an toàn nhưng với cách tuyên truyền như thời gian qua thì làm sao người tiêu dùng còn dám ăn gia cầm?
"Phải tuyên truyền cho người tiêu dùng ăn gia cầm sạch bệnh trở lại"- các địa phương nói trên đề nghị như vậy và coi đây là biện pháp cần thiết, hiệu quả nhằm vừa tháo gỡ khó khăn đầu ra cho người chăn nuôi, vừa phòng chống dịch. Các tỉnh cũng đề nghị TP.HCM- "điểm đến" của hầu hết lượng gia cầm của các tỉnh miền Đông và ĐBSCL, phải giới thiệu các DN, cơ sở giết mổ của thành phố đầu tư, xây dựng tại các tỉnh để thu mua gia cầm cho người chăn nuôi. "Nếu gia cầm chưa bị dịch, chúng ta tổ chức đóng gói, có nhãn hiệu, biết cách chế biến, thì người dân không lý gì không dám tiêu thụ"- ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang nói.
Nguồn tin: NTNN
|